
Nằm trên địa bàn huyện Thạch Hà, Dự án mỏ sắt Thạch Khê sau khi bóc đất tầng phủ (năm 2009) đã "treo" suốt hơn 10 năm qua, để lại không ít hệ lụy cho bà con nơi đây, như: Nguồn nước ô nhiễm; các công trình phục vụ di dân, tái định cư dang dở; đất ở không được cấp; người dân không có việc làm, phải tha phương…
Nhiều hệ lụy
Thạch Khê là xã nằm trung tâm của vùng khai thác mỏ sắt Thạch Khê với hơn 80% hộ dân bị ảnh hưởng, phải di dời. Từ khi bị hệ lụy của việc triển khai bóc đất tầng phủ, địa phương luôn phải đối mặt với khó khăn trong phát triển kinh tế và ổn định đời sống dân sinh…
Là một trong hàng ngàn hộ dân nằm trong vùng dự án, ông Phan Hồng Quảng (thôn Vĩnh Tiến) cho biết: Cách đây hơn 10 năm, khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động khai thác mỏ sắt thì có hiện tượng các vùng đất trồng lúa, hoa màu bị khô hạn. Đến khi mỏ sắt ngừng hoạt động, hệ thống mương máng không được đầu tư do nằm trong khu vực mỏ. Theo chia sẻ của lãnh đạo xã, không chỉ Thạch Khê mà các xã vùng ảnh hưởng đều tha thiết mong dừng hẳn việc khai thác mỏ sắt. Bởi, hơn chục năm qua, bãi thải sau khi bóc đất tầng phủ của mỏ sắt vẫn trôi xuống làng mạc. Do vướng quy hoạch của mỏ sắt nên các xã không có định hướng để phát triển kinh tế - xã hội rõ ràng.
Cách mỏ Thạch Khê không xa, nhiều hộ dân hoạt động kinh doanh dịch vụ tại bãi tắm xã Thạch Hải cũng rất trăn trở nếu dự án tiếp tục triển khai. Bà Trần Thị Ngọc (chủ nhà hàng Hồng Ngọc) cho biết: Khi dự án tạm dừng, các nhà hàng tại đây đã hoạt động trở lại, mang lại nguồn thu khá ổn định. Mong muốn của chúng tôi là Chính phủ sớm có quyết định dừng khai thác mỏ sắt để người dân yên tâm đầu tư kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND xã Thạch Hải Bùi Đình Lâm cho biết, xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 100% hộ phải di dời để nhường đất cho dự án. Hơn 10 năm qua, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, có những câu chuyện “cười ra nước mắt”. “Mỗi năm, bình quân địa phương cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho 60 - 70 cặp nam nữ, nghĩa là có chừng ấy gia đình có nguyện vọng cấp đất ở nhưng không được... Nhu cầu đất ở hết sức bức thiết, có những gia đình nhiều thế hệ phải sống trong 1 căn nhà tạm bợ”, ông Lâm chia sẻ.
Không chỉ vậy, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, giếng nhiễm phèn, tình trạng “cát bay, cát nhảy” từ bãi thải xâm lấn ruộng vườn... làm cho cuộc sống người dân vốn dĩ đã khó khăn lại thêm phần cơ cực. Hàng ngàn người dân trong độ tuổi lao động không có việc làm ổn định buộc phải ly hương. Ông Nguyễn Đình Sách (xã Thạch Hải) chia sẻ, gần 15 năm qua, cuộc sống của các hộ dân vùng dự án bị đảo lộn, thiếu thốn đủ bề; nhiều người phải rời quê tìm kiếm việc làm.
Thực tế, bất cập liên quan đến cuộc sống bà con vùng Dự án mỏ sắt Thạch Khê đã nhiều lần được các đại biểu dân cử Hà Tĩnh đưa ra thảo luận, chất vấn. Mới đây, mang nội dung này tới nghị trường kỳ họp giữa năm 2022 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Nguyễn Thị Nguyệt nêu thực tế: Nhân dân các xã vùng dự án đang gặp rất nhiều khó khăn, 100% người dân chưa được sử dụng hệ thống nước sạch tập trung. Nước chủ yếu nhiễm phèn, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đã xuất hiện các bệnh về da và mắt. Chưa kể, trong thời gian dự án tạm dừng, người dân không được cơi nới, xây dựng nhà và cũng không được cấp đất tách hộ… Việc sản xuất không được đáp ứng, cơ sở hạ tầng, nhiều trường học, đơn vị đã xuống cấp nhưng không thể xây dựng vì vướng quy hoạch. “Nhân dân mong muốn Chính phủ sớm dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê”, bà Nguyệt nhấn mạnh.
Đề xuất tái khởi động dự án
Nằm trên diện tích gần 3.900ha thuộc địa bàn 5 xã (Thạch Hải, Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc) do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng, được triển khai từ năm 2008… Dự án mỏ sắt Thạch Khê từng được kỳ vọng sẽ biến tỉnh thuần nông Hà Tĩnh thành một trong những trung tâm công nghiệp nặng của cả nước và là trung tâm khai thác luyện cán thép lớn nhất Việt Nam. Tháng 9.2009, TIC chính thức khởi động dự án. Tuy nhiên, đến tháng 11.2011, dự án phải tạm dừng để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, đánh giá tác động và tái cơ cấu cổ đông.
Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. TKV cho biết, tháng 2.2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Chính trị cho phép đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê hoàn thành trước năm 2030… TKV cũng khẳng định đã có đủ giải pháp để xử lý môi trường và hiệu quả kinh tế đối với dự án này.
Theo đại diện TIC, dự án đã được tính toán, lựa chọn áp dụng các công nghệ khai thác tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện địa chất của mỏ và điều kiện khí hậu của Việt Nam… Đồng thời, sẽ đền bù, tái định cư cho các hộ dân; xây dựng Nhà máy nước Thạch Trị cung cấp nước sạch cho khu vực bị ảnh hưởng và các xã lân cận vùng dự án… Dự án được mở lại sẽ bảo đảm cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho các cơ sở luyện kim trong nước; giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài; góp phần phát triển ngành thép Việt Nam, đặc biệt là ngành chế tạo từ thép chất lượng cao.