Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Với dân số khoảng 10 triệu người, gồm 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn, Đảng bộ TP. Hà Nội cũng là Đảng bộ lớn nhất cả nước, có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, với 50 Đảng bộ cấp trên cơ sở, hơn 2.300 tổ chức cơ sở Đảng, hơn 46 vạn Đảng viên. Vị thế, vai trò, và trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước, đòi hỏi Đảng bộ TP. Hà Nội luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh toàn diện, nhất là việc củng cố vững chắc “hạt nhân” chính trị ở cơ sở.
Với việc xác định được “xương sống” trong công tác xây dựng Đảng, ngày 4.7.2017, Ban Thường vụ Thành ủy Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU với mục tiêu hướng đến là: Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng về vị trí, vai trò của Tổ chức cơ sở đảng và việc xây dựng Tổ chức cơ sở đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xây dụng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu câu nhiệm vụ chính trị của Thủ đô trong tình hình mới. Đồng thời, đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm xây dựng Tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố Tổ chức cơ sở đảng yếu kém, gắn với giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.
Tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) được coi là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở; nơi trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; giữ vai trò cầu nối gắn bó trực tiếp giữa Đảng với Nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ, tập họp mọi lực lượng ở cơ sở thành một khối thống nhất ý chí và hành động, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sức mạnh của Đảng là sức mạnh của tổ chức, sức mạnh của hệ thống chính trị trong tổ chức từ Đảng, từ Trung ương đến cơ sở, từ các cơ quan nhà nước và các tổ chức đoàn thể, quần chúng. Theo Bác, xây dựng Đảng về tổ chức phải có sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị.
Thấu suốt quan điểm, tư tưởng của Người, vận từ thực tiễn Thủ đô, việc coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh toàn diện, nhất là việc xây dựng TCCSĐ trong sạch vững mạnh, củng cố TCCSĐ yếu kém đã chứng minh đây là một trong những cách làm rất hiệu quả trong việc xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức. Hiệu quả, vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo nhiệm vụ được nâng lên rõ rệt, gắn kết nhiệm vụ của người đứng đầu TCCSĐ; giảm các khâu trung gian, tránh sự trùng chéo, đùn đẩy, né tránh hoặc có khoảng trống trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ ngay từ cơ sở.
Kết quả phân tích, so sánh số liệu đánh giá, xếp loại TCCSĐ và đảng viên trong toàn thành phố cho thấy, việc đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên đã đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Cụ thể, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảm rõ rệt, từ 50,5% giảm còn 18,4%; hoàn thành tốt nhiệm vụ từ 37,2% tăng lên 75,6%; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ giảm từ 12,2% còn 8,6%.
Để cụ thể hóa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch số 51-KH/TU ngày 5.7.2017. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan, nội dung công việc cụ thể, cách thức tiến hành thực hiện. Bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 của thành phố, Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc đã ban hành 50 chương trình, 121 kế hoạch, 455 đề án và nhiều văn bản chỉ đạo nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU...
Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Hồng Nhật, từ khi ban hành đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết, vào cuộc thực chất, chủ động, quyết liệt nhất, huy động mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, giữ vững sự phát triển ổn định trên địa bàn. Nhờ vậy, chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ thành phố đã có bước chuyển biến tích cực, nhất là tại xã, phường, thị trấn.
Không chỉ xây chắc những TCCSĐ hoạt động hiệu quả, Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội còn đi vào trọng tâm là nhận diện rõ các TCCSĐ yếu kém để kịp thời đề ra các giải pháp quyết liệt, sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, từng bước củng cố lại và nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện.
Trường hợp của Đảng bộ xã Tả Thanh Oai (Đảng bộ huyện Thanh Trì) là một ví dụ. Từ diện theo dõi cần củng cố, Huyện ủy Thanh Trì đã chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án số 02-ĐA/HU, ngày 15.11.2021, của Ban Thường vụ Huyện ủy, về “Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Đảng bộ xã Tả Thanh Oai theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội”. Với sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt, các đơn vị đã hoàn thành việc củng cố các tổ chức đảng, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ. Đảng bộ xã Tả Thanh Oai đã được thành phố đưa ra khỏi diện theo dõi cần củng cố.
Hay tại Đảng bộ xã Vân Tảo, trước thời điểm 2017, đây là Đảng bộ được đưa vào diện yếu kém cần củng cố bởi tâm lý, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên suy giảm. Những điểm nóng từ việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng xây dựng nhiều dự án trên địa bàn khiến tình hình đơn, thư vượt cấp, khiếu nại tố cáo kéo dài gây mất ổn định. Bằng nhiều giải pháp theo Nghị quyết 15-NQ/TU, Huyện ủy Thường Tín và Ban chấp hành Đảng bộ xã đã quyết liệt thực thi; việc thực hiện Quy chế dân chủ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân được hết sức coi trọng. Những ý kiến đóng góp phê bình đối với tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên giúp khắc phục dần thiếu sót, khuyết điểm… Từ khi giải quyết được các vấn đề đặt ra, trên địa bàn Vân Tảo không còn điểm nóng về trật tự xã hội. Nhờ đó, xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân năm 2022 đạt 67 triệu đồng/người, tăng 26 triệu đồng so với năm 2018.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, chỉ tính riêng giai đoạn 2017 - 2020, qua rà soát, đánh giá hàng năm, có tổng số 226 TCCSĐ cần củng cố. Thành ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 thành phố và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm, đẩy mạnh việc củng cố TCCSĐ nên đến trước khi tiến hành đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã củng cố được 226/226 TCCSĐ (đạt 100%).
Đến tháng 10.2020, sau khi hoàn thành việc tổ chức đại hội Đảng các cấp, Ban Tổ chức Thành ủy yêu cầu các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy rà soát TCCSĐ có nội dung cần tiếp tục củng cố. Kết quả rà soát, đánh giá từ cuối năm 2020 đến thời điểm tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU có 51 TCCSĐ cần củng cố diện Ban Chỉ đạo thành phố theo dõi. Như vậy, từ khi ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU có tổng số 277 TCCSĐ cần củng cố; đã củng cố xong 251 TCCSĐ (đạt 90,6%), còn 26 TCCSĐ (chiếm tỷ lệ 10,1%) thuộc 11 huyện, thị ủy và 04 đảng ủy trực thuộc Thành ủy cần tiếp tục củng cố. Ngoài ra, cấp ủy cấp trên cơ sở cũng rà soát, đưa vào theo dõi 108 TCCSĐ có vấn đề; đến nay, đã củng cố được 89 TCCSĐ, còn 19 TCCSĐ đang tiếp tục theo dõi…
Thực hiện Hướng dẫn số 05-HD/BTCTU của Ban Tổ chức Trung ương, Ban thường vụ cấp ủy cấp trên cơ sở đã chỉ đạo rà soát, làm việc với cấp ủy các TCCSĐ trực thuộc để nắm bắt tình hình hoạt động; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc đánh giá TCCSĐ và đảng viên hằng năm, gợi ý kiểm điểm sâu đối với các TCCSĐ còn tồn tại vấn đề nổi cộm, phức tạp; chỉ đạo khảo sát, đánh giá tình hình, từ đó xây dựng và ban hành đề án, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện đến các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm củng cố TCCSĐ.
Từ khi ban hành Hướng dẫn 05-HD/BTCTU, các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng 47 đề án nhằm củng cố 53 TCCSĐ; trong đó, có 39 TCCSĐ trong danh sách Ban Chỉ đạo thành phố theo dõi; 14 TCCSĐ có vấn đề quan tâm được các đơn vị chủ động xây dựng đề án củng cố. Đề án củng cố của các đơn vị đã đánh giá sát tình hình, làm rõ mặt yếu, khâu yếu và nguyên nhân, đề ra giải pháp củng cố cụ thể, phù hợp; xác định rõ lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành; phân công cụ thể các tổ chức, cá nhân tổ chức thực hiện đề án.
Kết quả thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU đã góp phần tạo chuyển biến vững chắc xây dựng Đảng, giải quyết khó khăn vướng mắc, những vấn đề dân sinh, bức xúc, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, thành phố; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo sự chuyển biến, thống nhất cao về nhận thức và trách nhiệm của các cấp úy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; coi "nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tố chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên" là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong công tác xây dựng Đảng cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương, đơn vị.
Tuấn Nguyên - Văn Anh - Bảo Trâm - Xuân Tùng