Thời gian qua, từ sự quan tâm của cấp ủy các cấp, cùng nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; sự ủng hộ của cộng đồng và từ chính những chuyển biến trong nhận thức, cách làm của người dân, vùng bản khó nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang dần khởi sắc từng ngày.
Khó trăm bề khi thiếu điện, không nước sạch, đồng bào dân tộc Ma Coong xã Thượng Trạch vốn luẩn quẩn trong nghèo khó, điều kiện sống hạn chế. Các cấp, các ngành cùng xã hội đã và đang nỗ lực chung tay để đồng bào vùng biên ngày một có điều kiện sống tiêu chuẩn hơn.
Trăn trở với nguồn nước sạch
Từ trung tâm thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, chúng tôi căng mình băng qua một quãng đường dài với hàng nghìn khúc cua tay áo, một bên là vực sâu và hàng trăm con dốc lên xuống, đi sâu vào lõi của Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng. Con đường dốc lại đang được sửa chữa, nâng cấp ở nhiều đoạn, khiến hành trình thêm phần khó khăn hơn. Thêm nữa, sóng điện thoại cũng mất dần khi vào sâu trong bản, khiến phóng viên chỉ đặt tâm trí đến với bà con và những bản làng hiện hữu trước mắt.
Xã Thượng Trạch có tổng diện tích tự nhiên gần 74.152 ha; đường biên giới giáp với nước bạn Lào dài 58,142 km, nằm sâu trong vùng lõi VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Xã có 18 thôn, bản với 3.209 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn đang ở mức cao với 470 hộ, 2.106 nhân khẩu, chiếm 65,37%; hộ cận nghèo có 36 hộ, 189 nhân khẩu, chiếm 5,01%. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 14,6 triệu đồng/người/năm. Người dân nơi đây tập trung sống thành từng cụm, bản, phân bố rải rác. Các hộ sống tại các nơi rừng núi hẻo lánh được hướng dẫn và tạo điều kiện để về với vùng trung tâm theo chính sách “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Với vị trí đặc biệt, là vùng sâu vùng xa nằm sát với biên giới nước Lào, lại là vùng lõi của di sản, việc kéo điện lưới về với xã gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giấc mơ điện lưới đã trở thành hiện thực, mang điện về với trung tâm của xã Thượng Trạch. Để phủ điện hoàn toàn cho đầy đủ các bản, đồng bào cũng như quân và dân tiếp tục kỳ vọng với dự án giai đoạn 2.
Song song với điện, nguồn nước sạch cũng là nỗi trăn trở của chính quyền cũng như các lực lượng đóng trên địa bàn. Người dân ở đây chủ yếu sử dụng nước từ các con suối chảy qua gần nhà. Dòng nước dùng chung cho người và gia súc, gia cầm… cho việc tắm, giặt, vệ sinh, thậm chí ăn uống. Suối lại thay đổi theo mùa, mùa mưa thì đục ngầu, mùa khô thì cạn nước. Chưa kể, địa hình nơi đây có nhiều núi đá vôi khiến nguy cơ nhiễm vôi trong nước là không tránh khỏi.
Theo Thượng tá Lê Xuân Hóa, Đồn Biên phòng Cồn Roàng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, cán bộ tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch, việc sử dụng nguồn nước không bảo đảm có thể gây ảnh hưởng đối với sức khỏe người dân. Không chỉ vậy, nước không có sẵn tại điểm dân cư mà phải đi đến vị trí sông, suối gần nhất, người dân mới cõng nước về sử dụng.
Bên cạnh đó, nguồn nước dùng chung, không đảm bảo vệ sinh cũng là nguy cơ gây ra các bệnh ngoài da, tiêu hóa, mắt,… cho người dân.
Phối hợp tìm nước sạch
Nước là một trong những nhu cầu cơ bản và thiết yếu trong sinh hoạt. Trăn trở với ngọn nguồn sự sống đó, chính quyền địa phương, quân và dân đã cùng chung tay phối hợp tìm nguồn nước sạch về với người dân đồng bào.
Theo đó, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiểu dự án giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, chính quyền xã Thượng Trạch đã khảo sát, tính toán để tìm nguồn nước và dẫn nước về điểm cấp nước tại các cụm bản. Dự án nước phân tán giúp đưa nước sạch từ thượng nguồn về tại điểm dân cư tập trung, giảm thiểu tình trạng dùng chung nước với các loài vật, cũng như gần dân cư, tiện sinh hoạt.
Cũng vào thời điểm chúng tôi lên với biên giới, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Nguyễn Trường Chinh đang trực tiếp khảo sát các điểm kéo nước về với các cụm bản Nôồng Cũ, Nôồng Mới, bản Ban, bản Aky, phục vụ hơn 100 hộ dân.
Theo Thiếu tá Trương Tấn Hợp, Đồn Biên phòng Cồn Roàng, trước đây, đơn vị đã khảo sát và làm nhiều giếng nước sạch phục vụ người dân, tuy nhiên, do điều kiện địa chất, các giếng nước chỉ sử dụng được một thời gian, lượng nước ngầm không đủ sinh hoạt, bà con lại ra suối. Do đó, đơn vị đã cùng họp bàn với người dân tìm phương án lâu dài nhất.
“Sau nhiều lần họp bàn với trưởng bản, nhân dân, bộ đội và thanh niên đã tổ chức khảo sát, tìm vị trí thích hợp để làm giếng. Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị đã có nhiều buổi tìm kiếm phương án tối ưu, tiết kiệm chi phí, công sức, huy động các nguồn lực để chung tay cùng bộ đội, xây dựng các giếng nước cố định, cải thiện đời sống nhân dân”, Thiếu tá Trương Tấn Hợp cho biết.
Từ nguồn hỗ trợ thiện nguyện và hơn 200 ngày công của lực lượng bộ đội biên phòng, 9 công trình nước sạch đã được thực hiện và phục vụ 8 bản, 1 điểm trường tiểu học ở bản Coóc, xã Thượng Trạch.
Trung tá Hoàng Quang Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng, cho biết việc lắp đặt máy bơm, máy phát điện, ống dẫn nước, bể chứa, nền bê tông đều do bộ đội biên phòng tổ chức, phối hợp với thanh niên trong bản thực hiện nên bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm chi phí.
Mừng vui khi nước sạch về trước cửa nhà, đồng bào có thêm tinh thần để cùng Đảng, chính quyền tham gia vào những công cuộc phát triển mới. Ông Hồ Đảng, ở bản Nịu, cho biết: “Tôi ở đây hơn 20 năm rồi, nhưng chỉ biết múc nước suối sử dụng thôi, nhưng mà giờ Đảng, Nhà nước và Bộ đội Biên phòng quan tâm có nước sạch nên bà con bản Nịu rất phấn khởi, hào hứng để sản xuất”.
Điểm trường tiểu học của xã cũng thêm phần thuận tiện để cô trò sinh hoạt. Cô giáo Nguyễn Thị Hương, giáo viên trường chia sẻ, nay thầy cô và học sinh thuận tiện trong việc vệ sinh hàng ngày chứ ngày xưa chưa có giếng, cô trò phải mang nước từ dưới suối lên vất vả vô cùng. Chung sức đồng lòng, chính quyền địa phương và lực lượng bộ đội biên phòng hướng đến mục tiêu chung để người dân có thêm nhiều lựa chọn trong sinh hoạt, phục vụ cuộc sống ngày phát triển.
“Có giếng nước, bà con ăn ở hợp vệ sinh hơn, giúp tưới rau, trồng cây ăn quả. Nhờ động lực từ Đồn Biên phòng, góp phần cùng bà con 8 bản phát triển kinh tế ổn định, chung tay với bộ đội bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Cu cho biết.