Từ sự đoàn kết, nỗ lực của các cấp chính quyền
Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế của huyện Quản Bạ phát triển đa dạng về mọi lĩnh vực. Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng ước đạt 11.936/16.200 ha, đạt 73,67% kế hoạch, tăng 11 ha so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trồng các loại cây có kinh tế cao như: cây ớt 22,8 ha; cà chua lũy kế trồng được hơn 162,2 ha; dưa chuột hơn 150 ha.
Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, trong 6 tháng đầu năm đã có 45/52 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, đạt 86,5 % kế hoạch. Tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện tương đối ổn định, không phát sinh dịch bệnh khó kiểm soát trên đàn gia súc, gia cầm. Ngoài ra, thực hiện tốt chính sách ưu đãi cho người có công, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, chú trọng đào tạo nghề nâng cao chất lượng lao động, nguồn nhân lực của huyện. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Đánh giá về quá trình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ (Hà Giang) Hạng Dương Thành cho biết, mặc dù 6 tháng đầu năm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự linh hoạt, quyết liệt chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện cùng với sự đoàn kết, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội cơ bản đạt và vượt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện giao. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm trước, góp phần quan trọng trong việc thực hiện huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và các Chương trình Mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ, hiệu quả, các dự án trọng điểm được đẩy mạnh thi công.
Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, các chỉ tiêu chính về sản xuất nông - lâm nghiệp cơ bản đều đạt và vượt hơn so với cùng kỳ, các cây trồng ngắn ngày gieo cấy đảm bảo thời vụ, năng suất, sản lượng đều tăng. Các dự án hỗ trợ sản xuất từ nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia được triển khai rộng khắp trên địa bàn các xã, thị trấn, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng, tiếp cận với nguồn vốn đầu tư mua con giống, cây giống phát triển sản xuất, được hỗ trợ cải tạo hoặc xây mới chuồng trại chăn nuôi, mua máy nông cụ,...
Bên cạnh đó, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, lượng khách đến huyện tăng so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kế hoạch được giao. Các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước….
Ông Hạng Dương Thành cho rằng, “mặc dù đạt được nhiều kết quả, song huyện Quản Bạ cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về thu hút đầu tư do nguồn lực phát triển còn hạn chế khi điều kiện tự nhiên, xã hội chưa thực sự hấp dẫn; giải quyết việc làm chưa bền vững. Thời tiết cực đoan, thiên tai, hạn hán có khả năng gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống của nhân dân…”.
Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực
Theo số liệu báo cáo từ UBND huyện, tính đến cuối năm 2023 Quản Bạ có 12.700 hộ, với 58.090 khẩu, có 9/13 đơn vị cấp xã thuộc xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025, chiếm tỷ lệ 69,23%. Số hộ nghèo 5.639 hộ, chiếm tỷ lệ 44,40% tổng số hộ toàn huyện. Số hộ cận nghèo 1.754 hộ, chiếm tỷ lệ 13,81% tổng số hộ toàn huyện. Số hộ không nghèo 5.307 hộ, chiếm tỷ lệ 41,79% tổng số hộ toàn huyện.
Huyện Quản Bạ đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Quản Bạ giảm bình quân 7,9%/năm trở lên; đến cuối năm 2025, tổng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn 39,71%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo 29,15%, tỷ lệ hộ cận nghèo 10,56%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm (tăng 2,3 lần).
Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, ông Đỗ Quang Dũng cho biết, để đạt được mục tiêu đó, huyện Quản Bạ đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo thiết thực và hiệu quả. Trong đó, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được xem là nhiệm vụ hàng đầu và được cụ thể hoá bằng nhiều biện pháp như thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia huyện giai đoạn 2021 – 2025; phân công thành viên Ban chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị phụ trách giảm nghèo các xã, thị trấn. Phân công cơ quan, đơn vị, thành viên Ban chỉ đạo phụ trách Dự án, tiểu Dự án Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025.
Công tác quản lý điều hành Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện một cách thống nhất từ huyện đến xã. UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã thành lập Ban Quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, có sự phân công chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Quản Bạ đã kết hợp lồng ghép kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới,…
“Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện cũng đã huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực một cách tối đa. Đồng thời, ban hành kế hoạch cụ thể để xây dựng huyện thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn đến năm 2025. Đây được xem là bước quan trọng để công tác giảm nghèo được thực hiện một cách hiệu quả và bền vững nhất tại huyện Quản Bạ”, ông Đỗ Quang Dũng nhấn mạnh.