Giữ vững tốc độ tăng trưởng
Năm 2023, một năm nhiều sóng gió và khó khăn của kinh tế thế giới khi phải đối mặt với một loạt thách thức, từ nợ xấu gia tăng, kim ngạch thương mại - đầu tư ảm đạm, cho tới những hệ lụy không mong muốn của bất ổn địa chính trị.
Trong nước, với cách tiếp cận toàn diện về quản lý kinh tế vĩ mô, giúp đưa nền kinh tế vượt qua các thách thức của bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay. Tăng trưởng kinh tế từng bước được phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, nhiều bứt phá trong cải thiện cơ cấu kinh tế; có sự gia tăng mạnh mẽ và sâu hơn vào một số chuỗi cung ứng mới của thế giới trong nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ công nghệ cao.
Năm 2023 cũng có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt làn sóng nhà đầu tư từ Anh, Mỹ và châu Âu mong muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, chip bán dẫn, thực phẩm, sản xuất kho bãi, tài chính ngân hàng,….
Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 73/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai, sát sao, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua những khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội dần phục hồi ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng của hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chuyển biến theo xu hướng tăng cao dần so với tháng trước.
Ước thực hiện cả năm 2023, đối với các chỉ tiêu quan trọng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt ước thực hiện cả năm 2023 tăng 9,47% so với năm 2022 (kế hoạch tăng 9,24%); hoạt động du lịch tăng trưởng khá, ước thực hiện cả năm 2023 doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 13,77% so với năm 2022 (kế hoạch tăng 11,16%) và doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 72,09% so với năm 2022 (kế hoạch tăng 12,83%); tổng lượt khách du lịch đến tỉnh khoảng 14,1 triệu lượt, tăng 15,27% so với năm 2022; giá trị sản xuất nông nghiệp ước thực hiện cả năm 2023 tăng 4,25% so với năm 2022 (kế hoạch tăng 4,02%), kinh doanh thương mại sôi động trở lại với tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12,94%. Tổng thu ngân sách ước đạt 107,31% dự toán, bằng 84,82% so với năm 2022; tổng chi ngân sách trên địa bàn ước đạt 93,5% dự toán và bằng 128,45% so với năm 2022.
Các nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính,... đều cơ bản thực hiện, hoàn thành theo lộ trình, tiến độ đề ra. Nhiều công trình lớn và dự án trọng điểm được khởi công, xây dựng; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Bên cạnh đó, nhờ triển khai giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 55.069,4 tỷ đồng, tăng 17,83% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước 12.431,7 tỷ đồng, tăng 53,6%; vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước ước 17.624,1 tỷ đồng, tăng 34,36%.
Về đầu tư và phát triển doanh nghiệp, ước năm 2023 Tỉnh cấp mới 21 dự án và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 29 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư thu hút tăng thêm trong năm đạt khoảng 1.401,4 triệu USD, đạt 153,9% kế hoạch và tăng 91,67% so với năm 2022; cấp mới 28 dự án và điều chỉnh tăng vốn 15 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư thu hút tăng thêm trong năm đạt 28.695,6 tỷ đồng, đạt 142,28% kế hoạch; giảm 9,3% so với năm 2022; cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cho 2.005 doanh nghiệp, tăng 5,58% so với năm 2022, với tổng vốn đăng ký 18.979,670 tỷ đồng, tăng 5,49% so với năm 2022. Đăng ký bổ sung, thay đổi cho 2.449 lượt doanh nghiệp, tăng 62,51%.
Tuy nhiên, năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, có 06/15 chỉ tiêu kinh tế, ngân sách ước thực hiện cả năm 2023 thấp hơn kế hoạch đề ra, gồm: GRDP trừ dầu thô và khí đốt tăng 5,75%, thấp hơn kế hoạch đề ra là tăng từ 8,1 – 8,5%; GRDP trừ dầu thô và khí đốt bình quân đầu người đạt 8.078 USD, thấp hơn kế hoạch đề ra là 8.231 USD; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 1,8%, thấp hơn kế hoạch đề ra là tăng 4%; kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí ước đạt 5.384 triệu USD, giảm 1,03%; thấp hơn kế hoạch đề ra là 7.601 triệu USD và tăng 11,23%; thu nội địa chỉ đạt 94,59% dự toán; tổng chi ngân sách chỉ đạt 93,5% dự toán.
Kỳ vọng bứt phá
Năm 2024, hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng toàn cầu tiếp tục suy giảm và đạt mức thấp hơn năm 2023. Trong nước, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc Hội khoảng 6,5%. Với quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong suốt năm 2023, nhất là những tháng cuối năm 2023 với nhiều hoạt động ngoại giao, kinh tế sôi động của lãnh đạo cấp cao; đây được xem là động lực có tính đột phá giúp nền kinh tế nước ta có thể bứt phá trong năm 2024.
Năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế gắn với giữ vững ổn định mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo đảm cân đối vốn trung hạn cho đầu tư phát triển và triển khai các dự án hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện 03 khâu đột phá của nhiệm kỳ; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh, thúc đẩy các dự án đầu tư hạ tầng quan trọng trong liên kết vùng.
Theo đó, với đà tăng trưởng trong quý IV năm 2023 và đặc biệt là những dự án lớn như Hóa dầu Long Sơn đi vào hoạt động cho sản phẩm (có kế hoạch sản xuất ước 33.825 tỷ đồng); Hyosung Vina được tạo điều kiện tốt để phát triển sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án mới với kế hoạch năm 2024 là 22.005 tỷ đồng, tăng 49,29% (năm 2023 ước 14.740 tỷ đồng); các dự án của PTSC, PV GAS đi vào hoạt động, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có thể duy trì đà tăng trưởng cao trong quý 1/2024 và những quý tiếp theo của năm 2024.
Khi sản xuất phục hồi, việc làm, thu nhập của người lao động tăng lên, nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng tăng lên sẽ kéo theo và tạo ra những động lực mới đối với phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ vận tải, cảng biển, kho bãi; dịch vụ du lịch; bán buôn, bán lẻ và có thể cả ngành bất động sản sẽ có những cơ hội phát triển.
Với những thông tin trên, các chuyên gia dự báo tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024 trừ dầu khí có khả năng đạt từ 7,00% đến 8,10% là rất cao.
Sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra một số định hướng lớn.
Cụ thể, giai đoạn 2025 - 2030, tập trung bốn trụ cột kinh tế gồm: Công nghiệp, cảng biển và logistics, du lịch và đô thị, dịch vụ.
Đến năm 2030, xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm năm địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu cả nước, cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức, duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước.
Tỉnh sẽ phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế cạnh tranh của tỉnh về hệ thống cảng biển quốc gia loại đặc biệt; lợi thế biển, đảo; lợi thế tự nhiên và vai trò, vị trí của tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ.
Phát triển mạnh kinh tế biển, hình thành các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị; trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; thành lập khu thương mại tự do; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và các ngành năng lượng tái tạo.
Phát triển đô thị theo hướng xanh, hiện đại thông minh, tạo môi trường sống chất lượng cao. Lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, tập trung đầu tư vào các trụ cột kinh tế, các đột phá phát triển, hình thành các trục kinh tế động lực tại các vùng chức năng, tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển hài hòa giữa các khu vực trong tỉnh.
Phát triển nhanh, bền vững, chú trọng hiệu quả, sử dụng tiết kiệm tài nguyên; động lực phát triển chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động; nắm bắt kịp thời và tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ động hội nhập, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Tổ chức không gian kinh tế theo 4 vùng chức năng, 3 trục động lực phát triển, kết nối các đô thị, các khu vực phát triển bằng hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối chặt chẽ với các hành lang kinh tế của quốc gia và của vùng Đông Nam Bộ.
Phát triển đô thị theo mô hình đô thị đa trung tâm, phát triển nông thôn hướng tới sự bình đẳng về cơ hội phát triển cho mọi địa bàn, lãnh thổ; gắn quá trình đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, hài hòa với thiên nhiên.