Xây dựng văn hóa giao thông

- Thứ Hai, 23/05/2022, 05:46 - Chia sẻ

Nhằm góp phần nâng cao ý thức tham gia, chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, từng bước kéo giảm tai nạn giao thông, thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ thay đổi về cách thức thực hiện và đối tượng được tuyên truyền để phù hợp với tình hình thực tế. Đây cũng là giải pháp góp phần tạo cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, an toàn và thân thiện.

Nhiều chương trình, mô hình hiệu quả

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông được thực hiện xuyên suốt, rộng khắp. Nhiều chương trình, mô hình thực hiện hay đã mang lại những hiệu quả tích cực. Trong đó, nội dung tuyên truyền về việc không sử dụng các chất kích thích, ma túy, đặc biệt với các lái xe khách, xe tải và chấp hành quy định phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai mạnh mẽ.

Xây dựng văn hóa giao thông -0
Tuyên truyền an toàn giao thông trong học sinh

Lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự thực hiện các cao điểm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trực tiếp thực hiện 15 buổi tuyên truyền, hướng dẫn luật giao thông tại các công ty, trường học, khu dân cư cho hơn 1,5 nghìn lượt người tham dự, tổ chức cho 438 lượt tổ chức, cá nhân, gia đình ký cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn giao thông. Đồng thời, tổ chức gọi điện, răn đe các đối tượng nghi vấn tổ chức điều khiển phương tiện với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về an toàn giao thông cũng có sự chung tay, phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã duy trì công tác tuyên truyền với việc lồng ghép cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phụ nữ tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông vì hạnh phúc gia đình, toàn dân thực hiện văn hóa giao thông…

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch, chương trình, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các đơn vị, trường học; thực hiện hiệu quả chương trình Năm an toàn giao thông 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Kết quả đã triển khai, phát động cuộc thi an toàn giao thông cho nụ cười ngày mai với gần 74.000 cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia; tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền đội mũ bảo hiểm dành cho học sinh tiểu học…

Đổi mới cách thức tuyên truyền

Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, thông qua những chương trình, hoạt động cụ thể đã góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho từng đối tượng. Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021 do tác động dịch Covid-19 nên công tác này cũng bị ảnh hưởng. Dù từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch Coivd-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông được thực hiện trong trạng thái bình thường mới, công tác tuyên truyền trực tiếp được triển khai nhưng việc tập trung tại các nơi đông người, tổ chức các buổi hội họp, hội thi… vẫn hạn chế tối đa người tham dự. Điều này dẫn đến một số chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông theo chủ đề năm an toàn giao thông 2022 vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Theo Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Não Thiên Anh Minh, xây dựng văn hóa giao thông sẽ góp phần tạo cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, an toàn và thân thiện cho con người. Do đó, thời gian tới, vấn đề tuyên truyền về văn hóa giao thông cần phải thay đổi về cách thức thực hiện và đối tượng được tuyên truyền để phù hợp với tình hình thực tế.

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cũng cho rằng, việc xây dựng văn hóa giao thông trước mắt sẽ có tác dụng hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, việc tuân thủ pháp luật về giao thông trong người dân sẽ góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn. Do đó, công tác tuyên truyền về văn hóa giao thông thời gian tới cần đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả phòng ngừa tai nạn, chấp hành tốt ý thức khi tham gia giao thông. Tuyên truyền tập trung ưu tiên các đối tượng như nhóm thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; đội ngũ lái xe vận tải hành khách, hàng hóa, người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe máy điện.

Đồng thời, tuyên truyền về tác hại của rượu, bia; vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia; tuyên truyền vai trò của gia đình, người thân trong việc thay đổi thói quen và hành vi giao thông an toàn và chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Thông qua công tác tuần tra, xử lý vi phạm giao thông, lực lượng chức năng kết hợp phổ biến tuyên truyền về mức xử phạt, hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông, những hậu quả về sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế, gánh nặng cho xã hội, di chứng do tai nạn giao thông gây ra.

Nhật Phương