Trên dòng sông mưa (Phần 2)
Truyện của Tim O’Brien (Mỹ)
>> Trên dòng sông mưa (Phần cuối)
>> Trên dòng sông mưa (Phần 3)
>> Trên dòng sông mưa (Phần 1)
Đến một lúc vào giữa tháng bảy tôi bắt đầu nghiêm túc nghĩ tới chuyện chạy sang Canada. Biên giới chỉ cách vài trăm dặm về phía Bắc, lái xe hết tám giờ là tới. Cả lương thức lẫn bản năng tôi đều bảo tôi cứ làm đi, cứ co giò chạy như điên đừng bao giờ ngừng lại. Ban đầu ý nghĩ đó có vẻ thuần túy trừu tượng, cái từ Canada hiện ra trong đầu tôi; nhưng sau một hồi tôi nhìn ra được những hình thù và hình ảnh cụ thể, những chi tiết khốn khổ của tương lai chính tôi - một phòng khách sạn ở Winnipeg, một cái va li cũ tả tơi, cặp mắt ba tôi khi tôi cố giải thích qua điện thoại vì sao mình làm thế. Tôi hầu như nghe được giọng ông, và giọng mẹ tôi. Chạy đi, tôi nghĩ. Rồi tôi nghĩ, không thể được. Rồi một giây sau tôi nghĩ, Chạy đi.
![]() Minh họa của Vũ Huyên |
Đó là một kiểu thần kinh phân liệt. Giằng xé về đạo đức. Tôi không sao quyết định được. Tôi sợ chiến tranh, đúng, nhưng tôi cũng sợ cảnh lưu vong. Tôi sợ phải rời xa khỏi cuộc sống của mình, khỏi bạn bè khỏi gia đình, khỏi toàn bộ câu chuyện đời của tôi, bất cứ cái gì quan trọng đối với tôi. Tôi sợ đánh mất niềm tôn trọng của mẹ cha. Tôi sợ luật pháp. Tôi sợ bị người ta trách móc chê cười. Thị trấn quê tôi là một chốn nhỏ bé bảo thủ vùng đồng bằng, nơi truyền thống rất được xem trọng, nên chẳng khó hình dung người ta ngồi quanh bàn ở quán cà phê Gobbler cũ kỹ dưới Phố Chính, mấy cốc cà phê xếp ngay ngắn, cuộc trò chuyện từ từ xoáy vào thằng con nhà O’Brien, cái thằng gà chết trời đánh đó dông sang Canada rồi. Đêm đêm, những khi không ngủ được, đôi khi tôi cãi nhau kịch liệt với những người đó, tôi hét toáng lên với họ, bảo họ rằng tôi ghê tởm cái lối bọn họ thuận theo cuộc chiến tranh này một cách tự động, mù quáng, không suy nghĩ, cái chủ nghĩa ái quốc thiển cận của họ, sự ngu dốt đầy kiêu căng của họ, những câu ba láp kiểu một-là-yêu-hai-là-bỏ của họ, cái lối bọn họ buộc tôi phải tham gia một cuộc chiến tranh mà họ không hiểu và cũng không muốn hiểu. Tôi quy cho họ phải chịu trách nhiệm. Trước Chúa Trời, phải, tôi đã làm như vậy. Tất cả bọn họ - tôi buộc họ, từng người một, với tư cách cá nhân, phải chịu trách nhiệm - những tay Kiwanis(1) mặc áo vải polyeste, các thương nhân các nông gia, những con chiên ngoan đạo chăm đi lễ nhà thờ, những bà nội trợ bẻm mép, Hiệp hội Phụ huynh - Giáo viên và câu lạc bộ Sư tử và Hội Cựu chiến binh và mấy vị thượng lưu lịch lãm ở câu lạc bộ giải trí ngoài trời. Họ không biết Bảo Đại khác với người từ mặt trăng tới ở điểm nào. Họ không biết lịch sử. Họ không biết tí ti gì về sự chuyên quyền tàn bạo của Diệm, hay bản chất chủ nghĩa dân tộc của người Việt Nam, hay thời kỳ bị đô hộ lâu dài dưới ách thực dân Pháp - tất cả chuyện này quá ư phức tạp, muốn biết muốn hiểu thì phải đọc - nhưng không sao, đây là một cuộc chiến nhằm ngăn chặn cộng sản, rõ ràng và đơn giản, họ thích là thích như vậy đấy, và ta là một tên khốn khiếp phản bội nếu như ta cứ đắn đo suy tính mãi về chuyện giết người hay chuyện chết vì những lý do rõ ràng và đơn giản.
Tôi cay đắng, dĩ nhiên. Nhưng còn hơn thế nhiều. Cảm xúc chuyển từ phẫn nộ sang kinh hoàng sang hoang mang sang tội lỗi sang buồn phiền rồi quay trở lại phẫn nộ. Tôi cảm thấy một căn bệnh ở bên trong mình. Thực sự là bệnh.
Hầu hết những điều này tôi đã kể rồi, hay ít nhất là có nhắc bóng gió, nhưng cái tôi chưa bao giờ kể là trọn vẹn sự thật. Rằng tôi đã gục ngã. Rằng một sáng nọ đương khi làm việc, đứng trên dây chuyền thịt heo, tôi thấy có gì đó vỡ tung trong ngực. Tôi không biết đó là gì. Tôi sẽ chẳng bao giờ biết. Nhưng nó có thực, chừng đó thì tôi biết, nó là một sự đứt gãy có tính vật thể - một cảm giác gãy gập-rò rỉ-bật tung ra. Tôi nhớ mình đã buông rơi cây súng phun nước. Nhanh chóng, hầu như không suy nghĩ, tôi tháo tạp dề rồi đi ra khỏi nhà máy, lái xe về nhà. Lúc đó là giữa buổi sáng, tôi nhớ vậy, nhà vắng tanh. Sâu trong ngực tôi vẫn còn cái cảm giác rò rỉ đó, một cái gì đó rất ấm và rất quý giá đang trào ra, người tôi thì đầy máu và mùi hôi của lợn, và suốt một hồi lâu tôi tập trung cố gắng trấn tĩnh lại. Tôi nhớ mình đã tắm nước nóng. Tôi nhớ mình đã gói ghém va li rồi mang xuống bếp, đứng thật im trong vài phút, nhìn kỹ những món đồ quen thuộc xung quanh tôi. Cái máy nướng bánh cũ bằng cờ rôm, cái điện thoại, mặt quầy bếp bằng phoóc mi ca hồng và trắng. Căn phòng đầy nắng sáng. Mọi thứ lấp lánh. Nhà mình, tôi nghĩ. Đời tôi. Tôi không chắc mình đã đứng đó bao lâu, nhưng cuối cùng tôi ngoáy vội vài chữ cho ba mẹ tôi.
Thư nói gì, nay tôi không nhớ chính xác nữa. Cái gì đó mơ hồ. Con đi, sẽ gọi về, yêu bố mẹ, Tim.
Tôi lái về phía Bắc.
Nay thì cảnh đó lờ mờ, hồi đó cũng vậy, tôi chỉ nhớ được mỗi một cảm giác tốc độ cao và cảm nhận về cái vô lăng trong tay mình. Tôi đang lái xe bằng adrenalin. Một cảm giác chóng mặt, theo cách nào đó, trừ mỗi chuyện nó có cái khía cạnh mơ màng của điều bất khả - như là đang chạy trong một mê cung toàn ngõ cụt, không lối thoát - nó không thể trở thành một kết cục có hậu, thế nhưng tôi vẫn cứ làm bởi đó là tất cả những gì tôi có thể nghĩ tới đặng mà làm. Đó là chạy trốn thuần túy, nhanh chóng và không suy nghĩ. Tôi chẳng có kế hoạch gì. Cứ thế mà lao thật nhanh đến biên giới rồi bứt ngang qua và cứ thế chạy tiếp. Trời gần tối thì tôi băng qua Bemidji, rồi rẽ hướng Đông Bắc đến International Falls. Tôi ngủ đêm trên xe, đằng sau một trạm xăng đóng cửa cách biên giới nửa dặm. Sáng ra, sau khi đổ xăng, tôi đi thẳng về phía Tây dọc theo Sông Mưa - Rainy River, sông này ngăn cách bang Minnesota với Canada, và đối với tôi là ngăn cách cuộc đời này với cuộc đời khác. Nơi đây hầu hết là cảnh hoang vu. Đây đó tôi đi qua một khách sạn ven đường hay cửa hàng dành cho khách vãng lai, nhưng ngoài ra thì vùng này toàn cây thông với cây bu lô và cây sơn trải dài ngút mắt. Tuy vẫn đang tháng tám, không khí đã phảng phất mùi của tháng mười, mùa bóng bầu dục, những đống lá màu vàng đỏ, mọi thứ đều mát lạnh và trong sạch. Tôi nhớ bầu trời xanh cao rộng. Bên phải tôi là Sông Mưa, đôi chỗ rộng như cái hồ, còn bên kia Sông Mưa là Canada.
Mãi hồi lâu tôi cứ lái, chẳng nhằm một cái gì, thế rồi gần trưa tôi bắt đầu tìm một nơi tạm lánh một hai ngày. Tôi mệt lắm, lại còn sợ đến phát bệnh, thế rồi khoảng giữa trưa tôi đánh xe vào một khu câu cá cũ gọi là Tip Top Lodge. Kỳ thực đó chẳng phải nhà nghỉ (lodge) hay gì cả, mà chỉ là tám chín túp lều nhỏ xíu màu vàng túm tụm trên một bán đảo nhô ra Sông Mưa về phía Bắc. Nơi này trông thật thảm thương. Có một bến thuyền bằng gỗ trông nguy hiểm, một bể nuôi cá tuế, một túp nhà để thuyền bằng giấy dầu tuềnh toàng dọc theo bờ. Căn nhà chính, xây giữa một cụm cây thông trên chỗ đất cao, dường như chếch hẳn về một phía, giống như một người què, mái nhà sệ về phía Canada. Tôi thoáng nghĩ đến chuyện quay đi, đành chịu thua, nhưng rồi tôi ra khỏi xe mà đi lại phía cổng trước.
Người đàn ông ra mở cửa ngày hôm đó là người hùng của đời tôi. Làm sao tôi có thể nói thế mà không nghe có vẻ ngớ ngẩn? Nói gọn một tiếng - người đã cứu đời tôi. Ông cho tôi đúng cái tôi cần, không gặng hỏi, không một lời nào hết. Ông đón nhận tôi. Ông ở đó đúng vào thời khắc nước sôi lửa bỏng - một sự hiện diện thầm lặng, thấu hiểu. Sáu ngày sau, khi chuyện đó kết thúc, tôi không tìm được cách nào ra hồn để cám ơn ông, và tôi cũng chưa hề cám ơn ông, bởi vậy, nếu không còn gì khác, câu chuyện này là một hành động tri ân nho nhỏ, muộn hai mươi năm.
Thậm chí dù sau hai thập kỷ tôi vẫn có thể nhắm mắt lại là thấy mình quay về nơi cánh cổng ấy ở Tip Top Lodge. Tôi có thể thấy ông già nhìn tôi chằm chặp. Elroy Berdahl: tám mươi mốt tuổi, gầy nhom teo tóp và hầu như hói trụi. Ông mặc sơ mi vải nỉ và quần lao động màu nâu. Tôi nhớ một tay ông cầm trái táo xanh, tay kia là con dao nhỏ gọt trái cây. Mắt ông có cái màu xám hơi xanh xanh như lưỡi dao cạo, cũng cái ánh bóng láng đó, có cảm giác như nó cắt được, tựa hồ cái nhìn của ông đang bằng cách nào đó xẻ toạc tôi ra. Một phần, chắc chắn như vậy, là do cảm giác tội lỗi của chính tôi, nhưng dù có vậy đi nữa tôi cũng tin chắc tuyệt đối rằng ông già chỉ cần nhìn một cái là đã thấu suốt vào tâm điểm sự việc - một cậu trai đang lúc gay go. Khi tôi hỏi thuê phòng, Elroy tặc lưỡi khe khẽ. Ông gật, dẫn tôi đến một trong mấy túp lều, rồi thả một chiếc chìa khóa vào tay tôi. Tôi nhớ mình đã cười với ông. Tôi cũng nhớ khi đó tôi ước gì mình đã không cười. Ông già lắc đầu như muốn bảo rằng chuyện đó chẳng bõ bận tâm.
“Ăn tối lúc năm rưỡi”, ông nói. “Cậu ăn cá không?”
“Gì cũng ăn”.
Elroy nhún vai nói, “Chắc rồi”.
Chúng tôi ở cùng nhau sáu ngày tại Tip Top Lodge. Chỉ hai chúng tôi. Mùa du lịch đã qua, chẳng có chiếc thuyền nào trên sông, cả vùng hoang vắng này dường như thu mình lại thành một sự tĩnh lặng mênh mông thường trực. Suốt sáu ngày đó Elroy Berdahl và tôi hầu như bữa nào cũng ăn cùng nhau. Buổi sáng đôi khi chúng tôi cùng đi bộ mãi lâu vào rừng, còn buổi tối chúng tôi chơi cờ đam hoặc nghe đĩa nhạc hoặc ngồi trước cái lò sưởi to bằng đá của ông. Đôi khi tôi ngượng ngập thấy mình là kẻ ngoài xâm nhập vào đây, nhưng Elroy tiếp nhận tôi vào cái nếp thường lặng lẽ của ông mà không hề đon đả hay khách khí. Ông chấp nhận sự có mặt tôi như là lẽ đương nhiên, cũng như ông cho một con mèo đi lạc vào nương náu nhà mình - không thương hại vớ vẩn, không thở vắn than dài - và không bao giờ nói về chuyện ấy. Ngược lại. Tôi nhớ hơn hết là sự im lặng đăm chiêu, hầu như bạo liệt của con người đó. Suốt thời gian ở cạnh nhau, ngần ấy tiếng đồng hồ, ông chẳng bao giờ hỏi câu hỏi quá rõ ràng: tại sao tôi ở đấy? Sao chỉ một mình? Sao bần thần lo lắng vậy? Nếu Elroy có tò mò đi nữa, ông cũng cẩn trọng không bao giờ nói thành lời.
Trần Tiễn Cao Đăng dịch
(Số sau đăng tiếp)
________________
1. Kiwanis: tên một tổ chức phi chính phủ “toàn cầu”, đặt trụ sở tại Indianapolis, bang Indiana, có nhiều chi nhánh trên thế giới, gồm những người tình nguyện, với phương châm “thay đổi thế giới, mỗi lần thay đổi một đứa trẻ và một cộng đồng”.