Trên dòng sông mưa (Phần 1)<br><i>Truyện của Tim O’Brien (Mỹ)</i>

- Thứ Hai, 26/09/2011, 07:16 - Chia sẻ
 

Tim O’Brien, sinh năm 1946, là một trong những nhà văn Mỹ viết hay nhất về cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông đã đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia Hoa Kỳ cho tiểu thuyết Đi theo Cacciato, trong đó tưởng tượng ra tình huống: cả một tiểu đội phản chiến cùng nhau đi ra khỏi cuộc chiến tranh, rồi đi khắp thế giới. Các tác phẩm chính: Giá tôi chết ở một vùng chiến sự, Những ngọn đèn phương Bắc, Thời đại hạt nhân… Truyện Trên dòng sông mưa rút từ tập truyện ngắn Những thứ họ mang.

>> Trên dòng sông mưa (Phần cuối)

>> Trên dòng sông mưa (Phần 3)

>> Trên dòng sông mưa (Phần 2)

Đây là một câu chuyện trước đây tôi chưa bao giờ kể. Không kể với ai. Với cha mẹ tôi, không, với anh chị em, không, cả với vợ cũng không. Tôi luôn luôn nghĩ, kể nó ra thì sẽ chỉ gây lúng túng cho tất cả chúng tôi, khiến cho ai nấy đều bỗng nhiên cảm thấy cần phải ở nơi nào đó khác, cái phản ứng tự nhiên trước một lời thú nhận. Ngay cả bây giờ, tôi phải thừa nhận, câu chuyện này vẫn khiến tôi bối rối. Đã hơn hai mươi năm qua tôi cố sức sống chung với nó, cảm thấy hổ thẹn, muốn gạt nó đi, và thế là bằng hành vi nhớ lại này, bằng cách đưa các sự kiện lên trang giấy, tôi những mong cất đi được ít nhất là một phần cái gánh nặng đè lên những giấc mơ của tôi. Dẫu vậy, nó vẫn là một câu chuyện khó kể. Tất cả chúng tôi, chắc vậy, đều muốn tin rằng trong tình huống khẩn cấp về đạo đức chúng tôi sẽ hành xử như những người hùng thời niên thiếu của mình, dũng cảm và trung thực, không nghĩ gì đến thiệt thòi hay mất thể diện cá nhân. Nhất định đó là niềm tin chắc của tôi hồi mùa hè năm 1968, Tim O’Brien, một người hùng ẩn giấu. Người Hiệp Sĩ Đơn Độc. Nếu như phần cược cho cuộc chơi đủ lớn - nếu như cái ác đủ ác, nếu cái thiện đủ thiện - tôi sẽ khơi thông một nguồn dũng khí đã tích lũy trong tôi suốt nhiều năm. Dường như hồi đó tôi nghĩ rằng lòng can đảm đến với chúng ta theo từng số lượng hữu hạn, cũng như một món thừa kế, và bằng cách tằn tiện, cất kỹ nó đi, để cho nó sinh lãi, ta sẽ dần dần nâng cao được vốn dũng khí của mình đặng chuẩn bị cho cái ngày khi tài khoản cần phải rút sạch. Đó là một giả thuyết làm ta vững dạ. Nó miễn cho ta khỏi phải làm những hành vi can đảm nhỏ nhặt và nhiễu sự thường ngày, nó ban niềm hy vọng và sự cao nhã cho sự hèn nhát lặp đi lặp lại; nó biện minh cho quá khứ đồng thời dồn mọi thứ cho tương lai.

Vào tháng Sáu năm 1968, một tháng sau khi tốt nghiệp trường Macalester, tôi bị động viên đi đánh nhau ở một cuộc chiến mà tôi căm ghét. Tôi lúc đó hăm mốt tuổi. Trẻ, đúng, và ngây thơ về chính trị, nhưng dù vậy cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam tôi vẫn thấy hình như là sai trái. Máu một số người đang đổ ra vì những lý do khập khiễng. Tôi chẳng thấy có sự thống nhất nào về mục đích, chẳng có đồng thuận nào về triết học hay lịch sử hay luật pháp. Bản thân các sự kiện cũng bị che phủ trong mơ hồ bất định: đó có phải nội chiến không? Chiến tranh giải phóng dân tộc hay chỉ là xâm hấn? Ai phát động nó, khi nào, tại sao? Điều gì đã thực sự xảy ra với chiến hạm USS Maddox của Hoa Kỳ vào cái đêm đen ấy ở Vịnh Bắc Bộ? Hồ Chí Minh là một tay bù nhìn cộng sản hay một cứu tinh dân tộc, hay cả hai, hay chẳng đằng nào cả? Hiệp định Genève là thế nào? SEATO và Chiến tranh lạnh thì sao? Chiến lược domino là gì? Nước Mỹ bị chia cắt về những chuyện đó và hàng ngàn chuyện khác, và cuộc khẩu chiến đã trào ra khỏi sàn Thượng viện Hoa Kỳ mà tràn ra phố xá, những người thông minh sáng láng mặc áo quần bảnh chọe không sao nhất trí được với nhau ngay cả trong những vấn đề cơ bản nhất về chính sách công. Điều duy nhất chắc chắn trong mùa hè đó là sự phân vân về đạo đức. Quan điểm của tôi hồi đó, mà bây giờ cũng vậy, là ta đừng nên gây chiến nếu như không biết vì sao. Tri thức dĩ nhiên là luôn luôn bất toàn, nhưng tôi cảm thấy dường như nếu một đất nước dấn vào chiến tranh, nó phải có niềm tin hợp lẽ vào công lý và sự chẳng đặng đừng của việc mình làm. Ta không thể sửa chữa sai lầm của mình. Một khi người ta đã chết, ta không làm cho họ thôi không chết nữa.

Dù thế nào thì đó là niềm xác tín của tôi, và từ hồi còn đi học tôi đã có một quan điểm ôn hòa chống chiến tranh. Không có gì là cực đoan, chẳng đầu nóng hay gì gì, chỉ là rung vài tiếng chuông cảnh báo về chủ nghĩa McCarthy, viết dăm bài bình luận tẻ ngắt, nhạt nhẽo cho tờ báo của khu học xá. Dù vậy, cũng lạ, đó hầu như hoàn toàn là một hành động thuần trí óc. Tôi có dồn một phần năng lượng vào đó, dĩ nhiên, nhưng đó là thứ năng lượng luôn đi kèm với bất kỳ nỗ lực nào mang tính trừu tượng; tôi không cảm thấy mối nguy nào cho bản thân mình; tôi không hề thấy có chuyển biến không may nào sắp xảy ra trong đời tôi. Một cách ngu ngốc, với một sự hờ hững đắc ý mà đến giờ tôi vẫn không hiểu nổi, hồi đó tôi cho rằng ba cái chuyện giết người với chết chóc sẽ không lọt vào cái tỉnh lẻ của riêng tôi.



Minh họa của Vũ Huyên

Thông báo động viên đến vào ngày 17 tháng 6 năm 1968. Tôi nhớ lúc ấy là một buổi trưa ẩm ướt, nhiều mây và rất tĩnh mịch, tôi vừa đi đánh gôn về. Ba mẹ tôi đang ăn trưa dưới bếp. Tôi nhớ mình đã mở thư, lướt qua mấy dòng đầu, cảm thấy máu dồn lên đặc sệt sau hai mắt. Tôi nhớ một âm thanh trong đầu tôi. Nó không phải suy nghĩ, chỉ là một tiếng hú câm lặng. Một triệu thứ cùng một lúc - tôi là người quá tốt đối với cuộc chiến này. Quá thông minh, quá từ ái, quá đủ thứ. Chuyện này không thể xảy ra được. Tôi cao hơn nó. Tôi đã lừa được cả thế giới - nào điểm ưu Phi Beta Kappa nào tốt nghiệp hạng tối ưu nào chủ tịch hội sinh viên nào học bổng toàn phần nghiên cứu sau đại học ở Harvard. Chắc là nhầm thôi - văn thư xếp nhầm hay gì đấy. Tôi chả phải lính lác gì hết. Tôi ghét Hướng đạo sinh. Tôi ghét cắm trại ngoài trời. Tôi ghét bùn ghét lều ghét muỗi. Hễ thấy máu là tôi muốn mửa, tôi cũng không chịu được sự chuyên quyền, tôi cũng chả phân biệt được súng trường khác cái ná ra sao. Tôi là người theo chủ nghĩa tự do, lạy Chúa: Nếu họ cần mấy cái xác tươi, sao không đi mà tuyển một tên hiếu chiến sót lại từ thời đồ đá? Hay một thằng sô vanh ngu si đội mũ cứng quèo và cài khuy có chữ Ném bom Việt Nam, hay một trong mấy đứa con gái xinh của Lyndon Johnson hay cả cái gia đình đẹp đẽ của Westmoreland - nào cháu trai cháu gái nào cháu nội mới sinh. Lẽ ra phải có một cái luật, tôi nghĩ. Nếu ta ủng hộ một cuộc chiến, nếu ta nghĩ nó đáng giá, thì được thôi, nhưng ta phải cho tuôn vào đấy cả những dòng chất lỏng của bản thân mình. Ta phải tiến lên tuyến đầu, phải bám theo một đơn vị bộ binh và giúp họ đổ máu. Và ta phải mang vợ mang con mang người tình của mình theo. Phải có một luật như thế, tôi nghĩ vậy.

Tôi nhớ cơn phẫn nộ trong bụng mình. Sau đó nó cháy rụi thành một nỗi tự thương thân âm ỉ, rồi thành đờ đẫn. Vào bữa ăn tối ngày hôm đó ba tôi hỏi tôi dự định làm gì. “Chẳng gì cả”, tôi nói. “Đợi”.

 

Suốt hè năm 1968 tôi làm việc tại một nhà máy sản xuất thịt cho quân đội ở thị trấn quê nhà, Worthington, bang Minnesota. Nhà máy này chuyên sản phẩm thịt heo, ngày nào cũng vậy tám tiếng đồng hồ tôi đứng ở một dây chuyền lắp ráp dài một phần tư dặm - đúng ra không phải lắp ráp mà là tháo gỡ - việc của tôi là gỡ hết những cục máu vón lại nơi cổ mấy con heo chết. Chức danh công việc của tôi là Declotter, thợ gỡ máu vón, chắc vậy. Sau khi bị giết, lũ heo bị chặt đầu, xẻ làm đôi, banh ra, moi lòng ruột, rồi treo lên móc dọc một băng chuyền tự động ở trên cao. Rồi lực hấp dẫn vào cuộc. Tới khi mấy cái thân heo đến được chỗ tôi trên dây chuyền, các thứ chất lỏng đã gần như chảy kiệt, chảy hết ráo ngoại trừ những cục máu dày vón lại nơi cổ và khoang ngực trên. Để gỡ mấy thứ đó ra tôi dùng một loại súng phun nước. Cái máy này nặng lắm, có khi tới tám chục pao, thả từ trên trần xuống bằng một cáp cao su nặng. Nó hơi bập bênh, bởi độ co giãn đàn hồi lên xuống, cho nên bí quyết là phải xoay xở khẩu súng bằng toàn bộ thân mình, không nhấc hai tay lên, mà cứ để cho cáp cao su làm việc đó thay mình. Ở một đầu là cò súng; ở đầu mút nòng súng là cái miệng vòi nhỏ và cái bàn chải xoay bằng thép. Khi một thân heo đi ngang, ta liền cúi về phía trước, xoay súng lên hướng vào cục vón, bóp cò, tất cả chỉ trong một động tác, thế là bàn chải sẽ xoáy tròn, nước sẽ bắn ra và ta nghe một tiếng xòa nhanh khi mấy cục vón tan ra thành một thứ sương mịn đỏ. Chẳng phải là công việc dễ chịu gì. Nhất thiết phải mang kính che mắt, đeo tạp dề cao su, nhưng dù có vậy đi nữa thì cũng chả khác gì đứng tám tiếng mỗi ngày dưới một trận mưa rào âm ấm toàn máu. Đêm nào về nhà tôi cũng toàn mùi heo. Mùi ấy không sao đi được. Dù đã tắm nước nóng, kỳ cọ ra trò, nó luôn luôn còn đó, như mùi thịt hun khói để lâu, hay xúc xích, một thứ mùi heo nhờn mỡ đặc quánh ngấm sâu vào da vào tóc vào lông tôi. Ngoài những chuyện khác, tôi nhớ những ngày ấy thật khó mà hẹn hò ai. Tôi thấy mình bị tách biệt; phần lớn tôi toàn thui thủi một mình. Rồi lại còn tờ thông báo động viên nhét trong ví nữa.

Chiều chiều tôi hay mượn xe cha tôi lái loanh quanh thị trấn, cảm thấy thương thân, nghĩ về cuộc chiến về nhà máy thịt heo và nghĩ đến chuyện đời tôi dường như đang suy sụp về phía sự giết chóc. Tôi thấy mình tê liệt. Quanh tôi những lựa chọn dường như đang thu hẹp lại, như thể tôi đang lao vút xuống một cái phễu cực lớn đen ngòm, toàn thế giới siết chặt lại từ tứ phía. Không có đường thoát may mắn nào. Chính phủ đã chấm dứt hoãn quân dịch đối với hầu hết sinh viên tốt nghiệp; danh sách chờ gia nhập Vệ binh Quốc gia và Lực lượng Dự bị dài chưa từng thấy; sức khỏe tôi tốt; tôi không đủ tư cách để bị liệt vào hàng Phản đối chiến tranh có ý thức (Conscientious objector, CO) - không có nền tảng tôn giáo, cũng chẳng có tiền sử là người theo chủ nghĩa hòa bình. Hơn nữa, tôi không thể tự xưng mình chống chiến tranh dựa trên một nguyên tắc chung. Tôi tin rằng có những trường hợp một dân tộc được biện chính về việc dùng lực lượng quân sự để đạt được mục đích, để ngăn chặn một tên Hitler hay một cái ác cùng kiểu ấy, và tôi tự nhủ rằng trong những tình huống đó tôi sẽ sẵn lòng bước vào trận chiến. Tuy nhiên, vấn đề là ban tuyển quân chẳng cho ta quyền lựa chọn cuộc chiến của mình.

Ngoài mấy chuyện đó ra, hay đúng hơn, nằm ngay tâm điểm vấn đề, là cái sự thực thô thiển rằng tôi khiếp sợ. Tôi không muốn chết. Chẳng phải là tôi muốn đừng bao giờ chết. Nhưng dẫu chết thì cũng nhất định là không phải khi đó, không phải ở đó, trong một cuộc chiến sai trái. Lái xe dọc theo Phố Chính, qua tòa án qua cửa hiệu Ben Franklin, đôi khi tôi cảm thấy nỗi sợ lan tràn ra bên trong mình như cỏ dại. Tôi hình dung chính mình chết. Tôi hình dung mình làm những việc vốn không thể làm - xung trận chiếm vị trí của địch, nhắm bắn một con người khác.

Trần Tiễn Cao Đăng dịch