Trên đỉnh trời Ma Cha Va

- Thứ Hai, 13/09/2021, 11:26 - Chia sẻ
“Năm 2015, sau khi ra trường, tôi nhận thức được rằng có thể lập nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương và giúp đồng bào mình cùng vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương thân yêu nơi địa đầu Tổ quốc”. Bí thư Chi bộ bản Ngải Thầu Thượng, Phó Bí thư Đoàn xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai Vàng A Tùng đã bắt đầu bài phát biểu của mình như thế tại Đại hội Thi đua yêu nước các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2020.
	Vàng A Tùng phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2020 - Ảnh: Phương Hoa
Vàng A Tùng phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2020
Ảnh: Phương Hoa

Chàng trai dân tộc Mông sinh năm 1992 ấy có nghị lực đáng nể trọng. Nơi chôn nhau cắt rốn của Vàng A Tùng có địa hình cao và hiểm trở nhất vùng thượng nguồn sông Hồng, chỉ có đường dân sinh bé như bụng ngựa, bà con xuống núi, vào rừng chỉ có thể đi bộ hoặc thồ hàng trên lưng ngựa. Cách đây dăm năm, gia đình Vàng A Tùng còn là một trong 38 hộ nghèo nhất bản, vách tường trình rạn vỡ, gió lùa bốn phía. Vậy mà chàng trai ấy đã trở thành người đầu tiên của bản xuôi về Hà Nội học đại học, để lại câu chuyện về hành trình vượt khó tìm đến tri thức, truyền lại khát vọng học tập và thay đổi số phận cho giới trẻ ở Bát Xát.

Dù đạt điểm cao, có thể chọn các chuyên ngành đang “hot”, song Vàng A Tùng đã lựa chọn ngành quản lý tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Lâm nghiệp, với mong muốn được mang kiến thức để áp dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên miền rừng quê mình. 4 năm học tập ở Hà Nội là chừng ấy thời gian Tùng nỗ lực vừa học vừa làm để thực hiện ước mơ. Dấu ấn đầu tiên của chàng kỹ sư trẻ sau khi tốt nghiệp đại học quay về quê hương là việc đưa củ Hoàng Sin Cô, hay còn gọi là khoai sâm đất, trồng đại trà trên đỉnh Ma Cha Va.

Củ khoai sâm được các nhà nghiên cứu đánh giá là loại củ có chất dinh dưỡng cao, phát triển tốt trong điều kiện khí hậu lạnh. Khi đưa vào trồng, Tùng tìm gặp những cán bộ nông nghiệp và chủ trang trại đã trồng thành công loại củ này tại Y Tý. Sau một mùa vụ, những củ khoai sâm được chăm sóc cẩn thận, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật mà gia đình Tùng cùng người dân Ngải Thầu Thượng trồng đã được nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nước giải khát tìm mua với giá cao. Năm 2020, bà con người Mông trong bản đã trồng được gần 20ha, cho thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm là 2,38%. Bản thân Vàng A Tùng đã hỗ trợ, giúp đỡ 5 hộ thoát nghèo và sở hữu một gia tài kha khá gồm hơn 1ha sâm đất, 4ha cây thảo quả, 2,5ha cây ăn quả ôn đới, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Nỗ lực của Vàng A Tùng đã được ghi nhận và đền đáp xứng đáng. Năm 2017, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tín nhiệm của Nhân dân, anh trở thành Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn Ngải Thầu Thượng khi mới 25 tuổi. Khó khăn dần ở lại phía sau khi Ngải Thầu Thượng có thêm rất nhiều điểm tựa là những đảng viên trẻ, đoàn viên ưu tú noi theo gương Bí thư Vàng A Tùng, xung kích đi đầu trong tuyên truyền, vận động bà con đưa các giống cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế cao vào sản xuất, từng bước xóa bỏ hủ tục, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới.

	Vàng A Tùng chăm sóc đồi trồng khoai sâm đất
Vàng A Tùng chăm sóc đồi trồng khoai sâm đất

Giờ đây, bản Mông nghèo khó đã thay da đổi thịt. Vàng A Tùng tích cực đề xuất với lãnh đạo xã triển khai phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, tổ chức các lớp dạy nghề, phổ biến kiến thức nông, lâm nghiệp để thanh niên trong bản, ngoài xã có thể nhanh chóng tiếp cận hướng làm ăn mới. Nhiều thanh niên sau khi học nghề đã nhận giao khoán đất rừng để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2020, Vàng A Tùng đã vận động được hơn 40 hộ dân trong bản hiến hơn 5,8km đất làm đường nông thôn mới. Gia đình Vàng A Tùng làm gương hiến 220m2 đất làm đường. “Có đường mới, Ngải Thầu Thượng không còn là thôn cụt, đời sống người dân đổi thay nhiều, bà con phấn khởi lắm vì muốn đi đâu, làm gì cũng tiện. Bản Mông cao nhất Việt Nam không còn hoang vu, heo hút nữa mà tuần nào cũng có những đoàn du khách từ khắp nơi lên ngắm biển mây, chụp ảnh, trải nghiệm phong cảnh núi rừng và cuộc sống, phong tục đồng bào vùng cao” - Tùng vui vẻ chia sẻ.

Nhờ có đường, nên việc thông thương hàng hóa trở nên thuận lợi hơn, trẻ em đến trường cũng vì thế mà đỡ vất vả mỗi khi mưa lũ. Dù dịch bệnh hoành hành, song năm nay thời tiết thuận hòa, đồng bào Mông ở Ngải Thầu Thượng được mùa khoai sâm, thu hoạch gần 80 tấn củ. Một số hộ như Sùng A Lùng, Sùng A Chu, Sùng A Sử… thu được 50 - 100 triệu đồng. Các loại cây truyền thống như thảo quả, sa mộc, tống quá sủ và đàn gia súc gần 200 con trâu, 38 con ngựa cùng vô số dê, lợn, gà… cũng mang lại nguồn thu đáng kể.

Có đường, giá vận chuyển vật liệu cũng giảm, bà con xây nhà kiên cố nhiều hơn. Những căn nhà khang trang dần hiện lên giữa biển mây. Nhà nào cũng có xe máy, ti vi, trẻ em đến trường học hành đầy đủ. Trên hành trình thoát nghèo đầy tự hào ấy của bà con dân tộc Mông trên đỉnh Ma Cha Va, có dấu ấn của Bí thư Vàng A Tùng.

CTV