Trên 2.600 vụ bạo lực học đường có tính chất phức tạp, chuyên gia đề xuất giải pháp

Số liệu thống kê về công tác phòng, chống bạo lực học đường của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong 5 năm (từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2021 - 2022), tổng số vụ bạo lực học đường xảy ra là 2.624 vụ, với 7.209 đối tượng có liên quan.

Thực trạng bạo lực học đường có tính chất phức tạp

Theo báo cáo của UNESCO và WHO năm 2019, trên toàn cầu, cứ 3 em học sinh trong độ tuổi 13-15 thì có hơn 1 em từng bị bắt nạt. Tỷ lệ học sinh tham gia đánh nhau cũng gần với con số này .

Tại Việt Nam, một nghiên cứu trên 1.040 học sinh THCS và THPT tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh năm 2019 cho thấy, 75,7% học sinh tham gia vào bắt nạt truyền thống và 32,5% học sinh tham gia vào bắt nạt trực tuyến ở các mức độ khác nhau, từ 1 - 2 lần trong năm học cho đến hàng ngày, với các vai trò khác nhau như thủ phạm, nạn nhân hoặc là cả hai.

Số liệu thống kê tại Hội nghị đánh giá về công tác phòng, chống bạo lực học đường tổ chức năm 2022 (số liệu tổng hợp từ báo cáo của 49/63 tỉnh, thành phố) cho thấy, trong 5 năm (từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2021 - 2022), tổng số vụ việc bạo lực học đường xảy ra là 2.624 vụ, với 7.209 đối tượng có liên quan.

Trong đó, năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019 có số vụ bạo lực học đường cao nhất và ngày càng có xu hướng giảm dần cả về số vụ việc và số đối tượng tham gia. Năm học 2021 - 2022 có tổng số 386 vụ/1.161 đối tượng liên quan, số học sinh có nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường là 935 học sinh.

Theo số liệu trích xuất từ cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, tính từ đầu năm học 2022 - 2023 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 27 vụ việc về bạo lực học đường liên quan đến 108 người (Tiểu học: 3 vụ việc, liên quan đến 17 người; THCS: 17 vụ việc, liên quan đến 59 người; THPT: 7 vụ việc, liên quan đến 32 người).

Trong đó, có 7 vụ bạo hành, 16 vụ bạo lực về thể chất, 1 vụ bạo lực tinh thần và 3 vụ bạo lực với các hình thức khác.

Hầu hết các vụ việc đều được xử lý bằng các hình thức như: tư vấn tâm lý, phối hợp với gia đình để cùng giáo dục hoặc xây dựng Kế hoạch can thiệp hỗ trợ, một số trường hợp được xử lý theo quy định của pháp luật.

Cả nước có 242 học sinh nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường cần quan tâm hỗ trợ (trong đó, Tiểu học: 84 em; THCS: 110 em; THPT: 48 em).

Trên 2.600 vụ bạo lực học đường xảy ra trong 5 năm, chuyên gia đề xuất giải pháp -0
Từ đầu năm học 2022 - 2023 đến nay, cả nước có 242 học sinh nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường cần quan tâm hỗ trợ (Hình minh họa)

Mặc dù số liệu báo cáo cho thấy bạo lực học đường đã từng bước được hạn chế, tuy nhiên các chuyên gia nhận định thực trạng bạo lực học đường đang có tính chất phức tạp. Nhiều vụ việc có tổng số người tham gia lớn, sử dụng hung khí nguy hiểm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều vụ bạo lực học đường được thực hiện bởi học sinh nữ. Nhiều vụ việc được quay video lại và phát tán trên các nền tảng mạng xã hội hoặc chia sẻ trên các hội, nhóm.

Các hình thức bạo lực học đường cũng trở nên ngày càng đa dạng (nói xấu nhau trên mạng, sử dụng, phân nhóm đối xử, chia thành các hội, nhóm ngay trong một tập thể,…).

Trên 2.600 vụ bạo lực học đường xảy ra trong 5 năm, chuyên gia đề xuất giải pháp -0
Những nguyên nhân về bắt nạt

Vì sao công tác phòng, chống bạo lực học đường vẫn còn những hạn chế?

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong thời gian vừa qua, chúng ta đã đưa ra và thực hiện nhiều giải pháp phòng chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, công tác phòng, chống bạo lực học đường vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, song chủ yếu tập trung ở một số nguyên nhân.

Theo đó, PGS Nam cho rằng hiện hệ thống văn bản về phòng, chống bạo lực học đường phần lớn là các văn bản mang tính chỉ đạo, điều hành; thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục, các cấp quản lý.

Tương tự, các quy định về trình tự, thủ tục cũng chưa đầy đủ. Điều này dẫn tới khi có một vụ bạo lực học đường xảy ra, các giáo viên, cơ quan quản lý còn gặp nhiều lúng túng.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống bạo lực học đường dù đã được quan tâm thực hiện, nhưng nội dung còn dàn trải, chưa tập trung, các hình thức đơn điệu nên hiệu quả còn hạn chế.

Một số lãnh đạo, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh chưa thật sự quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hại của tình trạng bạo lực học đường. Một số giáo viên còn thiếu kỹ năng, khả năng sư phạm khi giao tiếp, giáo dục học sinh (giáo viên cắt tóc học sinh, quay clip; giáo viên bạo hành học sinh; giáo viên xâm hại tình dục học sinh; giáo viên đánh nhau;...).

Một số gia đình phó mặc cho nhà trường, chưa tham gia các hoạt động thực hiện trách nhiệm của cha mẹ học sinh (không tham gia các cuộc họp với nhà trường, không phối hợp với nhà trường để hỗ trợ học sinh). Cá biệt, nhiều trường hợp chống đối, không hợp tác với nhà trường, giáo viên, đến trường hành hung lãnh đạo nhà trường giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh khác gây mất an ninh trật tự trường học,…

Trên 2.600 vụ bạo lực học đường xảy ra trong 5 năm, chuyên gia đề xuất giải pháp -0
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội)

PGS Nam cũng nhận định, việc lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường vào các môn học trong chương trình giáo dục chưa được xác định rõ ràng, quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng, hiệu quả chưa cao.

Việc triển khai thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa học đường ở một số cơ sở giáo dục cũng còn mang tính hình thức, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của nhà trường. Một số người học có hành vi ứng xử chưa đúng mực, công tác giáo dục kỹ năng sống ở một số cơ sở giáo dục chưa thực sự đi vào chiều sâu và thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện.

Về công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường, PGS Nam đánh giá công tác này hiện còn nặng về lý thuyết, thiếu hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể.

“Trong cơ sở giáo dục chưa có đơn vị chuyên trách thực hiện chức năng tư vấn tâm lý, công tác xã hội nên gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện nhiệm vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra”, ông nói.

Ngoài ra, một số hành vi bạo lực học đường chưa được xử lý hoặc không được công khai kết quả xử lý, làm cho pháp luật thiếu tính răn đe đối với người học nói chung và đối với người có hành vi bạo lực học đường nói riêng. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý học sinh, đảm bảo môi trường an toàn cho học sinh học tập, rèn luyện cũng chưa được quan tâm đúng mức.

10 giải pháp phòng chống bạo lực học đường

Trước thực trạng bạo lực học đường có tính chất phức tạp, công tác phòng chống còn những hạn chế, PGS.TS Trần Thành Nam đề xuất một số giải pháp.

Thứ nhất, cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực học đường. Quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ sở giáo dục, giáo viên chủ nhiệm, nơi để xảy ra hành vi bạo lực học đường. Xây dựng quy trình xử lý đối với hành vi bạo lực học đường.

Thứ hai, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống bạo lực học đường với các nội dung cụ thể, hình thức phong phú, đa dạng.

Thứ ba, nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh về phòng, chống bạo lực học đường.

Thứ tư, lựa chọn các nội dung cần thiết để lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường trong các môn học trong chương trình giáo dục một cách hợp lý, hiệu quả.

Thứ năm, tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường; thực hiện nghiêm túc thực chất ứng xử văn hóa trong trường học. Giáo dục đạo đức, lối sống kỹ năng sống cho học sinh để không bị ảnh hưởng bởi bạo lực học đường nói riêng và các tệ nạn xã hội.

Thứ sáu, xây dựng cổng thông tin phòng chống bạo lực học đường nhằm đánh giá sàng lọc, phát hiện và dự báo sớm cho địa phương nguy cơ bạo lực, tổn thương sức khỏe tâm thần; tiếp nhận phản ánh nhanh các nguy cơ tự hại và tự sát.

Cổng thông tin phòng chống bạo lực học đường cũng sẽ giúp cung cấp đầy đủ các tài liệu kỹ thuật, quy trình hướng dẫn, kết quả ứng dụng của các mô hình phòng chống bạo lực học đường, xây dựng trường học an toàn; kết nối chuyên gia để xử lý nhanh các khủng hoảng phát sinh.

Thứ bảy, đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục. Xây dựng đơn vị thực hiện chức năng tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong cơ sở giáo dục; xây dựng vị trí việc làm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục.

Thứ tám, tăng cường mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường trong quản lý giáo dục học sinh; thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình về các hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường để phối hợp triển khai các biện pháp giáo dục học sinh.

Nhà trường cần hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan thông qua việc ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực học đường.

Thứ chín, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành về xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Phối hợp xử lý nghiêm các hành vi bạo lực học đường và hành vi cổ xúy cho bạo lực học đường.

Thứ mười, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm một số mô hình quốc tế phòng chống bạo lực học đường có hiệu quả đã được quốc tế công nhận để tiến hành Việt hóa, cung cấp cho các địa phương, cơ sở giáo dục xem xét, lựa chọn, đưa vào sử dụng.

PGS.TS Trần Thành Nam kiến nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường công tác giám sát thường xuyên, liên tục tại địa phương trong việc thực hiện các chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Về phía các Bộ, Ngành, PGS Nam kiến nghị xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em, nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành đối với phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói chung và phòng chống bạo lực học đường nói riêng.

Đồng thời, tăng cường số hóa, trao đổi thông tin giữa các cơ quan trong công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em; chủ động truyền thông về công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em.

Về phía chính quyền địa phương, PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra kiến nghị cần quan tâm chỉ đạo công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên, nhi đồng; chỉ đạo triển khai việc bảo đảm quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Bên cạnh đó, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong cơ sở giáo dục; điều tra và xử lý vụ việc bạo lực học đường, các vụ việc gây mất an toàn trường học tại địa phương. Chú trọng đầu tư nguồn lực (về quỹ đất, kinh phí, con người) cho việc xây dựng các thiết chế về văn hóa nói chung, công tác xây dựng văn hóa học đường nói riêng.

Giáo dục

Đại học Bách khoa Hà Nội: Sinh viên đi xe bus sẽ được nhà trường đánh giá vào kết quả rèn luyện
Giáo dục

Đại học Bách khoa Hà Nội: Sinh viên đi xe bus sẽ được nhà trường đánh giá vào kết quả rèn luyện

Năm học 2024 - 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến khích sinh viên tích cực sử dụng xe bus nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và rèn luyện bản thân. Sinh viên đi xe bus sẽ được nhà trường cấp minh chứng làm căn cứ đánh giá kết quả rèn luyện.

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa…vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn và sử dụng sách giáo khoa hiệu quả.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn
Giáo dục

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo UBND huyện Châu Đức khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn, bảo đảm nguyên tắc xử lý dứt điểm, không né tránh, không bao che, không đối phó.

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương
Giáo dục

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương

Ngay trên sân khấu của buổi lễ khai giảng, Trường Đại học Ngoại thương đã chuẩn bị một lẵng hoa đặc biệt với thông tin tài khoản của Ban cứu trợ Trung ương - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ đồng bào chịu hậu quả nặng nề sau bão Yagi.