Trẻ em cần không gian riêng

Lê Thủy 27/10/2008 00:00

Các tác giả văn học thiếu nhi của Anh và của khối cộng đồng Anh thường ao ước được tờ báo nổi tiếng Guardian ghi nhận. Giải thưởng của tờ báo này (ra đời từ năm 1967), với Hội đồng Giám khảo gồm các tác giả và biên tập viên chuyên điểm sách có tín nhiệm (phần thưởng trị giá 1.500 bảng Anh, khoảng 46 triệu đồng tiền Việt), là sự tôn vinh cuốn sách viết cho thiếu nhi hay nhất trong năm ở Anh.

      Tuy sinh sau giải Newbery Medal của Mỹ (ra đời từ năm 1922), song cho đến nay, giải thưởng của báo Guardian đã đạt được uy tín có thể sánh ngang với một bậc tiền bối là giải Newbery Medal của Mỹ (ra đời từ năm 1922).  
      Kết quả giải thưởng Guardian năm nay quả là một bất ngờ thú vị: dẫu chỉ là “lính mới tò te” trong làng văn, song Patrick Ness (sinh năm 1972) với cuốn tiểu thuyết đầu tay Con dao không bao giờ cho đi (The Knife of Never Letting Go) đã vượt qua những ứng viên giàu tiềm năng như Jenny Downham với Trước khi tôi chết (Before I Die), Frank Cottrell Boyce với Vũ trụ (Cosmic) và Siobhan Dowd với Đứa trẻ đầm lầy (Bog Child)... Nhận giải thưởng vào cuối tháng 9.2008, Patrick Ness thổ lộ rằng anh rất bất ngờ khi đoạt giải: “Tôi nghĩ, vào chung khảo lần này đều là những tác giả xuất sắc. Trước khi tôi chết của Jenny Downham là cuốn sách tuyệt vời. Frank Cottrell Boyce - tác giả Vũ trụ - là một nhà văn vĩ đại. Tôi cũng đã đọc Đứa trẻ đầm lầy của Siobhan Dowd và tôi nghĩ nhà văn này mới là người chiến thắng”.
      Diễn biến cốt truyện Con dao không bao giờ cho đi được triển khai theo dấu vết cuộc hành trình của cậu bé 12 tuổi Todd Hewitt sau khi buộc phải chạy trốn khỏi môi trường ngột ngạt của thị trấn Prentisstown. Đây là một nơi kỳ lạ: có thể nghe thấy mọi ý nghĩ của mỗi cư dân, kể cả con người và muông thú, nơi không bao giờ dứt tiếng ồn ào. Khi cuộc trò chuyện kỳ lạ với chú chó Manchee và đồng hành với Viola, cô bạn luôn luôn im lặng một cách bí hiểm, Todd quyết đấu tranh giành lấy sự sống và khám phá được những bí mật đằng sau vẻ ngoài của thị trấn Prentisstown... Mở đầu bằng một ý tưởng về sự truyền tải thông tin, Patrick Ness đưa ra những nhận xét thú vị: Tiếng Ồn phát sinh từ cuộc sống thực tế, chuyện mọi người có thể nghe thấy và đọc được ý nghĩ của nhau là một logic tiếp theo của chính thế giới mà chúng ta đang sống ngày ngày – có thư từ, điện tín, tin nhắn, có email, internet...  Thông tin hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc, bất chấp bạn có muốn tiếp nhận nó hay không, do đó thật khó có được cho mình một không gian riêng. “Tôi chỉ tiến thêm một bước: thử hỏi, những đứa trẻ mới lớn sẽ thế nào nếu chúng không có không gian riêng tư. Đó sẽ là một cơn ác mộng” – nhà văn nói.

      Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, Todd, là một cậu bé rất có cá tính: nhạy cảm, nghiêm túc và sôi nổi, nhiệt tình. Patrick Ness tâm sự: “Một phần con người của Todd chính là tôi ở tuổi của cậu, nhưng cậu cũng là kết quả hai năm sáng tạo của tôi”. Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Julia Eccleshare cho biết: cuốn sách “đạt chất lượng tuyệt vời với nội dung đầy thách thức và gây hứng thú cho người đọc theo cách rất riêng”.
      Được biết, dự án văn học của Patrick Ness khá là nghiêm túc: Con dao không bao giờ cho đi do Walker Books xuất bản chỉ là cuốn đầu tiên của thiên tiểu thuyết bộ ba. Đến thời điểm nhận giải Guardian, Patrick Ness đã hoàn thành cuốn thứ hai, sẽ cho ra mắt bạn đọc vào tháng 5.2009 và đang viết cuốn thứ ba. Con dao không bao giờ cho đi cũng nằm trong danh sách vòng chung khảo của giải thưởng Booktrust dành cho thanh thiếu niên.
      Patrick Ness là tiểu thuyết gia, là cây truyện ngắn, là nhà phê bình văn học, là họa sỹ vẽ truyện tranh hay một thầy giáo? Nếu ngắt câu hỏi này thành từng đoạn, đoạn nào cũng có thể nhận được câu trả lời “đúng, đúng”. Patrick Ness đang là giảng viên khoa Sáng tác tại Đại học Oxford, thường xuyên viết bài cho đài Radio-3, Radio-4 và báo Sunday Telegraph đồng thời là người bình chọn sách cho Guardian. Anh từng được tặng những giải thưởng danh giá, trong đó có giải thưởng của Hội đồng Nghệ thuật Anh (Arts Council). 
      Patrick Ness ra đời tại một căn cứ quân sự có tên là Fort Belvoir, gần Alexandria, Virginia (Mỹ) do có cha là một sỹ quan huấn luyện. Nhưng Patrick Ness chỉ ở Fort Belvoir trong bốn tháng đầu tiên của cuộc đời rồi chuyển đến Hawaii và sống ở đó cho tới khi lên sáu. Sau đó, Ness sống tại một vùng ngoại ô của bang Washington, rồi đến Los Angeles, nơi anh theo học ngành Văn học Anh tại Đại học Nam California. Sau khi tốt nghiệp, công việc chính của Patrick Ness là làm nhân viên giao dịch cho một công ty, phải soạn thảo đủ mọi thứ, từ thư tín, diễn văn, thậm chí là lời quảng cáo sản phẩm. Sau đó, anh dạy sáng tác văn học tại Đại học Oxford trong ba năm, nơi sinh viên thường nhiều tuổi hơn anh.
      Truyện ngắn đầu tiên của Patrick Ness được đăng trên tạp chí Genre vào năm 1997. Hai năm sau, khi đến London và sống ở đó cho đến nay, anh đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay. Patrick Ness kể: "Khi tôi viết bản thảo đầu tiên, tôi viết khoảng 1.000 từ một ngày, có khi chỉ mất một giờ, nhưng điều đó không thường xảy ra. Tiểu thuyết dài khoảng 60.000 từ trở lên, vì vậy chỉ trong 60 ngày, bạn đã có thể xong bản thảo đầu tiên. Con dao không bao giờ cho đi có 112.900 từ và mất khoảng 7 tháng để có bản thảo thô. Sau đó tôi dành nhiều thời gian để chỉnh sửa lại. Đó là điều thú vị, vì cuốn sách thực sự mở đầu đúng như bạn nhìn thấy”...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trẻ em cần không gian riêng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO