Trau dồi trí tuệ với Iliad và Odyssey

- Chủ Nhật, 05/01/2014, 08:54 - Chia sẻ
Sau 2 tác phẩm được coi là sách gối đầu giường của mọi chính trị gia: Cộng hòa (Plato) và Chính trị luận (Aristotle), tháng 11 này Alpha Books tiếp tục ra mắt 2 thiên sử thi kinh điển và là cột trụ của văn minh phương Tây: Iliad và Odyssey của đại thi hào Homer. Ngay cả các chính trị gia lỗi lạc như Plato, Aristotle hay bậc quân vương như Alexander Đại Đế cũng xem việc đọc 2 tác phẩm này là một cách trau dồi trí tuệ và đức hạnh.

IliadOdyssey, do Đỗ Khánh Hoan chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Hy Lạp, là những bản trường ca của binh lửa và giáo gươm. Ở đó những kẻ nhút nhát và rụt rè trước chiến trận mới chính là đối tượng bị dè bỉu. Nhưng Homer không cổ súy cho chiến tranh mà dùng chiến tranh để thử thách con người và dùng Cái Chết để bộc lộ đức hạnh của họ. IliadOdyssey còn là những suy tư và chiêm nghiệm của người Hy Lạp cổ đại về mối quan hệ vừa thân thuộc vừa xa lạ giữa con người và vũ trụ, của linh hồn và thế giới, của bên trong và bên ngoài.

Iliad gồm 24 khúc ca, kể một giai đoạn ngắn 50 ngày trong năm thứ 10 của cuộc chiến tranh thành Troy, với câu chuyện xoay quanh mối bất hòa giữa vị tướng kiệt xuất Achilles của Hy Lạp và thống soái Agamemnon. Đời sống xã hội Hy Lạp cổ đại cũng được phản ánh một cách chân thực trong tác phẩm, trong đó có thể thấy quá trình diễn biến từ chế độ thị tộc đến sự hình thành bang của chế độ nô lệ, đồng thời ca ngợi các nhân vật anh hùng kiệt xuất của phía Hy Lạp như Achille, của phía Troy như Hektor.

Nếu Iliad là bản hùng ca chiến trận thì Odyssey là bức tranh hoành tráng, hào hùng của người Hy Lạp trong cuộc chinh phục thiên nhiên và di dân mở đất. Tác phẩm gồm hơn 12.000 câu thơ, chia làm 24 khúc ca, kể lại hành trình gian nan của Odyssey trên đường trở về quê hương sau khi quân Hy Lạp hạ được thành Troy. Chủ đề của Odyssey là sự tiếp nối, kế thừa và phát triển của Iliad, thể hiện qua tinh thần chế ngự hoàn cảnh của các nhân vật...

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Quân, phương Tây xem trọng hai bản trường ca này vì chúng là biên niên sử của quá trình tiến hóa của ý thức con người, nhất là ý thức về thời gian. Nhưng điều đặc biệt và thú vị hơn cả là sự tương tác giữa thần và người trong hai thiên sử thi này. Các vị thần Hy Lạp mang hình dáng con người, khác với các nền văn minh đương thời như Ai Cập hay Mesopotamian. Họ không phải là những đấng toàn năng vô biên, lại còn mang đầy đủ những thói hư tật xấu như con người. Nhưng điều này lại chính là ý tưởng đột phá vĩ đại: vũ trụ mang vẻ đẹp và huyền bí của con người. Con người chính là trung tâm của vũ trụ. Trong quá trình đọc, hẳn độc giả sẽ tìm thấy cho mình những hữu ích từ tương đồng và dị biệt giữa hiện tại và quá khứ.

Iliad Odyssey nằm trong Tủ sách Omega của Alpha Books, nhằm mang đến cho độc giả những tác phẩm kinh điển giá trị - những ly nước tinh khiết nhất đã được chắt lọc qua thời gian. Ngoài 2 tác phẩm trên, Tủ sách Omega hiện đã có: Cộng hòa - Plato (Đỗ Khánh Hoan dịch), Chính trị luận -Aristotle (Nông Duy Trường dịch), Ngũ Luân Thư - Musashi Matsumoto (Bùi Thế Cần dịch ), Catalonia - Tình yêu của tôi - George Orwell (Phạm Nguyên Trường dịch) và Khế ước xã hội - Rousseau (Dương Văn Hóa dịch). Với mỗi bản dịch khác nhau, mỗi văn phong dịch khác nhau, các nhân vật lại hiển hiện trong trang sách với những màu sắc rất khác và đó là lý do những tác phẩm kinh điển vẫn sống mãi và con người ta cứ đọc, cứ tìm hiểu, cứ yêu thích và mỗi lần đọc lại là một lần vỡ ra được điều gì đó rất khác.

Bảng chữ cái Hy Lạp cổ bắt đầu bằng ký tự a (alpha) kết thúc bằng ký tự w (omega). Hai ký tự này còn hàm ý khởi đầu và kết thúc. Alpha Books đầu tư công phu với nhiều tâm huyết cho Tủ sách Omega (viện dẫn ký tự cuối cùng của bảng chữ cái Hy Lạp với hàm nghĩa sự phát triển sau cùng), để làm sống lại những nền văn hóa cổ xưa từng một thời rực rỡ huy hoàng thông qua các tác phẩm kinh điển được xem là tinh hoa của nhân loại.

Hà Việt