Trao quyền gắn với trách nhiệm, lợi ích
Trước tình trạng tu bổ không đúng với hồ sơ đã được thẩm định hoặc xây dựng công trình trái phép trong vùng lõi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Về lâu dài, có ý kiến cho rằng, phải quan tâm tới cộng đồng sống xung quanh di sản, trong đó, trao quyền gắn với trách nhiệm và lợi ích của người dân.
Sức ép phát triển
Văn bản số 1125 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, kể từ khi Nghị định số 70/2012 ngày 18.9.2012 của Chính phủ và Thông tư số 18/2012 ngày 28.12.2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hiệu lực, đã đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả pháp lý và chuyên môn của hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số di tích tu bổ không hoàn toàn đúng với hồ sơ đã được thẩm định hoặc xây dựng công trình phục vụ bảo vệ, phát huy giá trị di tích khi chưa có ý kiến thẩm định, phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, như một số trường hợp xây dựng trái phép tại Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình); tam quan chùa Bổ Đà (Bắc Giang); tượng Bà Chúa Xứ tại Núi Sam (An Giang)...
![]() | |
Xây dựng trái phép tại Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An | Nguồn: ITN |
Trước tình trạng nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao tăng cường công tác quản lý nhà nước, chủ động kiểm tra, rà soát và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tu bổ di tích đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Thực tế, việc trùng tu, phục hồi và xây dựng thêm các công trình nhằm phát huy giá trị di tích phần lớn diễn ra ở những nơi mới được công nhận các danh hiệu di tích, thu hút đông khách du lịch. Đáng nói là việc xây dựng này không đúng với hồ sơ đã được phê duyệt, thậm chí chưa được phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền, gây ảnh hưởng không nhỏ tới di sản. Theo bà Phạm Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội: Thông thường, khi một di sản được công nhận ở các mức độ, đặc biệt là di sản thế giới, sức ép du lịch tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch về kinh tế - xã hội diễn ra rất sôi động, đặc biệt là việc sử dụng các tài nguyên trong khu di sản.
Khai thác bền vững
“Hiện nay hầu như các di sản thế giới đều có vấn đề phải bảo vệ, bảo tồn, đó là chưa nói đến các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và hàng nghìn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh... Di sản bị đe dọa khắp nơi. Do đó, trước hết phải bảo tồn tốt, rồi mới có thể phát triển và phục vụ du lịch bền vững”. PGS. TS. Tống Trung Tín |
Nhiều nơi trên thế giới đã giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn di sản và phát triển du lịch, như khu Di sản thiên nhiên thế giới ở núi Danxia (Trung Quốc), Jeju (Hàn Quốc). Tại hai di sản này, việc xây dựng các công trình được nghiên cứu kỹ lưỡng và có hệ thống giám sát sự thay đổi của thảm thực vật, xói mòn đất, tích tụ rác, số lượng và hành vi của khách du lịch... Họ quan tâm đánh giá khả năng chứa khách du lịch của các điểm tham quan, xác định số lượng tối ưu, tránh tình trạng quá tải bằng nhiều biện pháp...
Tại Việt Nam, Di sản thế giới Quần thể di tích cố đô Huế được đánh giá đã giải quyết tương đối tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, năm 2017, di sản này đón trên 2,5 triệu lượt khách, trong đó một nửa là khách quốc tế; doanh thu tăng gấp đôi so với 7 năm trước, phần lớn được đầu tư trở lại phục vụ tu bổ di tích. Hiệu quả, tính trên số du khách và doanh thu, là nỗ lực từ nhiều phía, từ chính sách quản lý, bảo tồn di tích, cảnh quan, phát triển dịch vụ...
Có thể thấy, sự đồng thuận trong chính sách quản lý có tác động lớn tới việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch của từng địa phương. Kết quả của quá trình đó quyết định sức hút điểm đến trong hiện tại và cả tương lai, khi những điểm du lịch khai thác bền vững sẽ có giá trị lâu bền, còn nơi bị khai thác quá mức, gây nguy hại tới di sản, dần dần sẽ mất sức hút...
Ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cần nâng cao vai trò của cộng đồng trong gìn giữ và phát huy di sản và phát triển du lịch. Bà Phạm Thanh Hường góp ý: Thực tế, không chỉ là câu chuyện của danh hiệu, hay quan điểm di sản quý thì cần gìn giữ, mà phải quan tâm tới cộng đồng ở khu vực xung quanh di sản. Trong trường hợp các di sản lẫn khu dân cư, có cộng đồng sinh sống quanh đó, cần trao quyền gắn liền với trách nhiệm, lợi ích cộng đồng thì mới gắn với việc bảo tồn, phát triển bền vững di sản đó. Bởi vậy, các khu di sản phải thúc đẩy sáng kiến của cộng đồng địa phương, tận dụng sức mạnh của cộng đồng để bảo vệ di sản.