Trao quyền gắn với giám sát

- Thứ Hai, 04/10/2021, 05:28 - Chia sẻ
Với các nghị quyết được ban hành trong vài tháng gần đây, Quốc hội đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho Chính phủ, trao cho Chính phủ và Thủ tướng nhiều quyền hạn đặc biệt để phòng, chống dịch hiệu quả. Như các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nêu, khi trao quyền lớn như vậy đương nhiên cần có giám sát, kiểm soát sự tuân thủ; Nghị quyết cho phép đến đâu chỉ được làm đến đấy.

Nghị quyết Kỳ họp đã giao Chính phủ báo cáo Quốc hội việc triển khai và kết quả thực hiện các biện pháp tại kỳ họp gần nhất. Quốc hội cần thảo luận công khai về báo cáo, chứ không chỉ gửi cho cá nhân ĐBQH tự nghiên cứu. Điều này đặc biệt cần thiết khi thực tiễn chống dịch đã có thay đổi lớn. Đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát khiến việc giãn cách xã hội diện rộng theo Chỉ thị 16 không còn phù hợp như với các đợt dịch lần trước. Giãn cách, phong tỏa diện rộng và kéo dài làm nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phá sản hoặc ngừng hoạt động; chuỗi cung ứng bị đứt gãy; người lao động mất việc làm; nông, ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Trong bối cảnh đó, cần có chiến lược, quyết sách mới phù hợp được xem xét, thảo luận và quyết định tại kỳ họp Quốc hội - diễn đàn tầm quốc gia lớn nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, trí tuệ của toàn thể Nhân dân. 

Bên cạnh đó, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có thể tiến hành giám sát chuyên đề, xem xét báo cáo, tổ chức các phiên giải trình chuyên sâu về một hoặc một số vấn đề trong phòng, chống dịch; ĐBQH chất vấn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, các bộ. Trong các nội dung giám sát, cần đặc biệt chú ý để việc thực hiện quyền lực đặc biệt được giao trong chống dịch nằm trong khuôn khổ hiến định, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; “sao kê” việc sử dụng ngân sách nhà nước và đóng góp của Nhân dân vào chi tiêu cho chống dịch, nhất là mua sắm trang, thiết bị y tế, kít xét nghiệm, vaccine bảo đảm minh bạch, hiệu quả, công bằng.  

Chẳng hạn, các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH có thể xem xét tính hợp pháp, hợp hiến của các biện pháp chống dịch trên toàn quốc thời gian qua. Một phiên giải trình sẽ nghe đại diện của chính quyền địa phương giải thích lý do vì sức khỏe cộng đồng của việc phá cửa, đột nhập, trói và đưa người phụ nữ F1 đi cách ly tập trung; hay phá khóa, vào nhà, dùng vũ lực áp giải một phụ nữ khác xuống sân xét nghiệm Covid. Ngược lại, chuyên gia pháp lý sẽ phân tích những điểm vi hiến, trái pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong hành động trên; rằng vì sức khỏe cộng đồng, nhưng không được trái Hiến pháp, trái luật. Đặc biệt, cơ quan tiến hành phiên giải trình có thể nghe những người dân trong các vụ việc đó bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc về nhân phẩm của mình. Từ những vụ việc điển hình như vậy, Ủy ban của Quốc hội sẽ còn nghe các bên trình bày về tính hợp hiến, hợp pháp của việc xử phạt hành chính, xử lý hình sự trong bối cảnh chống dịch, liệu căn cứ pháp lý đã thực sự vững chắc, có những rủi ro nào dẫn đến tình trạng tùy tiện? 

Không ai phủ nhận sự cần thiết của các biện pháp như cách ly tập trung; giãn cách toàn xã hội; hạn chế đi lại; đóng cửa sân bay, chợ búa, trường học; bắt buộc tạm ngừng kinh doanh… Mặt khác, các biện pháp đó hạn chế quyền tự do đi lại, quyền làm việc, quyền tự do kinh doanh, quyền có việc làm, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền riêng tư, và nhiều quyền con người, quyền công dân khác. Giám sát của Quốc hội có thể làm rõ một trong những vấn đề rất lớn được đặt ra ở bất kỳ nước nào trong chống dịch Covid-19, đó là làm thế nào để dung hòa giữa hiệu quả của chống dịch và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Trao quyền lực cho Chính phủ và các cơ quan chính quyền địa phương, Quốc hội có căn cứ và lý do để giám sát việc sử dụng quyền lực đó một cách đúng đắn, phù hợp, trong khuôn khổ được phép. Đã có sẵn những công cụ như giám sát chuyên đề, phiên giải trình, chất vấn, xem xét báo cáo. Cử tri trông đợi các ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội sẽ sử dụng các công cụ đó để giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống dịch, giúp Chính phủ điều chỉnh, để việc chống dịch đi đúng hướng, phòng tránh, xử lý kịp thời sự lạm quyền, làm sai, sự lợi dụng chính sách, các biện pháp đặc biệt để trục lợi. Cao hơn hết, giám sát để bảo vệ lợi ích của đất nước, quyền, lợi ích của Nhân dân.

Nguyễn Đức Lam