Trao quyền cho thanh niên là mệnh lệnh của hiện tại

Quốc Đạt 01/09/2023 10:19

Tuổi trẻ là tương lai của bất kỳ nền dân chủ nhưng việc trao quyền cho thanh niên phải là hành động của hiện tại. Những người trẻ của ngày hôm nay là những nhà lãnh đạo của ngày mai, và họ có thể đưa ra những ý tưởng mới để giải quyết những vấn đề mà thế giới đang đối mặt. Tuy nhiên, với chỉ khoảng hơn 2% nghị sĩ trên thế giới dưới 30 tuổi, những người trẻ tuổi vẫn còn thiếu đại diện nghiêm trọng trong các cơ quan lập pháp cũng như trong các cơ quan ra quyết định của các quốc gia, điều này có thể ảnh hưởng đến tính hợp pháp và hiệu quả của thể chế. Trăn trở trước thực trạng đó, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy các quốc gia trao quyền nhiều hơn cho thanh niên.

Rào cản định kiến

Báo cáo của IPU cho thấy một nghịch lý, số thanh niên tham gia vào các thiết chế dân chủ như Nghị viện vẫn còn rất hạn chế trong khi thế giới ngày nay có nhiều người trẻ tuổi hơn. Theo dữ liệu của IPU năm 2023, chỉ có khoảng 2,8% nghị sĩ trên thế giới dưới 30 tuổi trong tổng số 198 cơ quan lập pháp tham gia IPU. Mặc dù còn hạn chế, con số này cũng đã có sự tiến bộ vượt bậc so với cuộc khảo sát năm 2018, thời điểm tỷ lệ này chỉ khoảng 2,2%.

Diễn đàn Nghị sĩ trẻ trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU lần thứ 146 ở Manama, Bahrain. Ảnh: IPU
Diễn đàn Nghị sĩ trẻ trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU lần thứ 146 ở Manama, Bahrain. Ảnh: IPU

Nghiên cứu của IPU cũng cho biết hơn 30% các Quốc hội đơn viện và các Hạ viện - cùng hơn 3/4 các Thượng viện không có nghị sĩ nào dưới 30 tuổi. Ở tất cả các độ tuổi, số nghị sĩ nam vẫn luôn chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với số nghị sĩ nữ trong cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng mừng là tỷ lệ nam và nữ nghị sĩ đang cân bằng hơn ở nhóm tuổi trẻ. Điều này cho thấy rằng sự tham gia gia tăng của thanh niên có thể là một phương tiện để đạt được bình đẳng giới thực sự trong chính trị.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu của IPU cũng chỉ ra một số rào cản mà thanh niên phải đối mặt trong tiến trình dân chủ. Mặc dù những điều này có thể khác nhau giữa các quốc gia, nhưng có một số thách thức chung như rào cản pháp lý ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn, 65% các quốc gia quy định độ tuổi tối thiểu để có thể giữ một chức vụ nào đó và độ tuổi này thường cao hơn tuổi bầu cử (thường là 18 tuổi). Trên toàn cầu, các quy định cho thấy những người trẻ phải chờ đợi trung bình 3,4 năm kể từ khi họ đủ điều kiện bỏ phiếu để có thể được bầu vào hạ viện. Còn ở thượng viện, thời gian chờ đợi dài hơn, ở mức 9,7 năm. Chính trị cũng thường được coi là không gian cho những người có kinh nghiệm. Kết quả là, những người trẻ tuổi bị gạt ra ngoài lề một cách có hệ thống vì những lý do như tuổi đời còn non trẻ, cơ hội hạn chế và thiếu kinh nghiệm. Ngoài ra, nữ nghị sĩ trẻ thường phải đối mặt với các rào cản như phân biệt đối xử về giới và các hình thức bạo lực khác.

Từ Nghị quyết “Sự tham gia của thanh niên vào tiến trình dân chủ”…

Trước tình hình đó, năm 2010 IPU đã thông qua Nghị quyết "Sự tham gia của thanh niên vào tiến trình dân chủ" tại Đại hội đồng IPU lần thứ 122 ở Thái Lan. Nghị quyết nhấn mạnh “sự tham gia của những người trẻ tuổi trong quá trình ra quyết định về chính sách công mang lại những cơ hội quan trọng cho thanh niên được giáo dục, học hỏi về chính trị, từ đó, củng cố trách nhiệm xã hội của những người trẻ tuổi và phát triển năng lực giao tiếp, kỹ năng đàm phán và khả năng giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình và phản biện”. Nghị quyết kêu gọi các nghị viện, Chính phủ và các đảng phái chính trị thực hiện hành động pháp lý và chính sách toàn diện để tăng cường sự tham gia của thanh niên vào chính trị: chẳng hạn: đề nghị các Quốc hội hoặc nghị viện thành lập các cơ quan chuyên trách để lồng ghép các vấn đề về thanh niên trong quá trình ra quyết định; đề nghị các nghị viện áp dụng các biện pháp thiết thực (như có thể áp dụng hạn ngạch cho thanh niên trong các cuộc bầu cử) để tăng cường sự tham gia của thanh niên vào quốc hội và các cơ quan đại diện khác; khuyến nghị các nghị viện điều chỉnh độ tuổi bầu cử và ứng cử tối thiểu phù hợp để bảo đảm sự tham gia nhiều hơn của thanh niên vào nghị viện. Đặc biệt, Nghị quyết yêu cầu các cơ quan lập pháp cung cấp hỗ trợ về tài chính và chính sách, đặc biệt là ngân sách hoạt động đầy đủ, để thành lập nghị viện thanh niên, hội đồng thanh niên hoặc các cơ quan tương đương mạnh mẽ và củng cố các cơ quan hiện có, từ đó tạo thêm cơ hội cho nhiều người trẻ hơn trở nên tích cực trong việc ra quyết định và định hình cuộc sống của họ.

Vào ngày 12.8, Ngày Quốc tế Thanh niên 2023, IPU đã kỷ niệm 13 năm sự ra đời của Nghị quyết “Thanh niên tham gia vào tiến trình dân chủ”. Trong hơn một thập kỷ, nhiều biện pháp được đề xuất trong nghị quyết - từ hạn ngạch thanh niên đến hạ thấp tuổi đủ điều kiện ứng cử - đã được các thành viên IPU tích cực hưởng ứng. Để đáp lại cuộc tham vấn của IPU gần đây, nhiều nghị viện cũng đã chia sẻ thêm các ví dụ về thực tiễn đổi mới để khuyến khích sự tham gia của thanh niên, chẳng hạn như thành lập nghị viện thanh niên; thành lập các nhóm nghị sĩ trẻ trong nghị viện, tổ chức các nhóm nghị sĩ trẻ trong các phái đoàn tham dự các cuộc họp quốc tế; và thúc đẩy thế hệ trẻ tham gia vào các vấn đề đương đại như biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số…

… đến Diễn đàn Nghị sĩ trẻ

Sự ra đời của Nghị quyết "Sự tham gia của thanh niên vào tiến trình dân chủ" cũng đặt nền móng cho việc thành lập Diễn đàn Nghị sĩ trẻ của IPU sau đó vào năm 2013. Diễn đàn đã trở thành một cơ quan theo luật định của IPU cam kết trao quyền cho thanh niên.

Diễn đàn chịu trách nhiệm làm việc với các các nghị viện thành viên, Liên Hợp Quốc, nghị viện thanh niên, các tổ chức xã hội dân sự khuyến khích sự tham gia của thanh niên vào tiến trình dân chủ bằng cách:

- Giám sát tính đại diện của thanh niên, ban hành hướng dẫn chính sách và pháp lý để thúc đẩy sự tham gia của thanh niên; hỗ trợ các nghị viện tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận với quá trình ra quyết định chính trị, trao quyền cho các nghị sĩ trẻ và thanh niên nói chung, đồng thời đưa quan điểm của thanh niên vào các chính sách.

- Cung cấp cơ hội kết nối giữa các nghị sĩ trẻ thông qua Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2014. Sự kiện quy tụ khoảng 200 nghị sĩ trẻ, các tổ chức quốc tế, hiệp hội thanh niên và xã hội dân sự.

- Phát động các chiến dịch nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động nhằm tăng cường sự tham gia của thanh niên.

Trong gần 10 năm kể từ khi IPU bắt đầu thu thập dữ liệu về sự tham gia của thanh niên vào các cơ quan lập pháp, xu hướng toàn cầu đang chuyển dần theo hướng tích cực.

Tỷ lệ nghị sĩ trẻ dưới 30 tuổi tăng từ 1,6% năm 2014 lên 2,2% năm 2018, và tính đến tháng 8.2023, tỷ lệ này là 2,8%.

Tỷ lệ nghị sĩ trẻ dưới 40 tuổi tăng từ 12,9% năm 2014 lên 15,5% năm 2018 và tính đến tháng 8.2023 là 18,7%.

Tỷ lệ nghị sĩ trẻ dưới 45 tuổi tăng từ 28,63% năm 2018 lên 31,9 năm 2023.

Tỷ lệ nghị sĩ trẻ dưới 30 tuổi ở châu Á và châu Âu cao nhất thế giới với lần lượt là 3,9% và 3,6%.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trao quyền cho thanh niên là mệnh lệnh của hiện tại
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO