Phát triển giáo dục nghề nghiệp: Ngân sách nhà nước phải là chủ đạo

- Thứ Sáu, 30/12/2022, 08:41 - Chia sẻ

Giáo dục nghề nghiệp đòi hỏi nhiều chi phí đầu tư nên rất khó thực hiện xã hội hóa. Do đó, để thúc đẩy công tác này, ngân sách nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo thông qua các chương trình, đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp.

Hướng thoát nghèo bền vững

Hộ gia đình anh Phan Văn Cẩn, xóm Đồng Bản, xã Bình Long, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên từng có cuộc sống bấp bênh. Năm 2018, sau khi tham gia khoá học về kỹ thuật chăn nuôi gia súc do Trung tâm Dạy nghề huyện Võ Nhai tổ chức, anh Cẩn chuyển sang nuôi dê theo hướng bán chăn thả, với tổng đàn thường xuyên duy trì gần 50 con. Hiện, mỗi năm gia đình anh bán ra thị trường khoảng 20 con dê, thu nhập tăng, cuộc sống dần ổn định.

Từ mô hình nuôi dê thành công của gia đình anh Cẩn, đến nay, cả xóm Đồng Bản đã có 30 hộ chăn nuôi dê số lượng lớn. Nhiều hộ nuôi dê thương phẩm nhờ đó đã thoát nghèo.

Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Võ Nhai Mông Thị Tuyết Nhung cho biết, toàn huyện hiện có trên 51.600 người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động. Đến nay đã có trên 19.400 người có việc làm đã qua đào tạo; số người có nhu cầu học nghề đến năm 2025 là khoảng 5.000 người. Riêng từ năm 2017 đến nay, huyện đã tổ chức 56 lớp dạy nghề cho gần 1.700 lao động nông thôn với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp: Ngân sách nhà nước phải là chủ đạo -0
Giảng viên Trung tâm dạy nghề Thái Nguyên hướng dẫn các học viên cách hái chè. Ảnh: ITN

Giáo dục nghề nghiệp đang giúp nhiều hộ gia đình nông thôn thoát nghèo bền vững, thay da đổi thịt nhiều vùng quê nghèo khó. Tại Thái Nguyên, nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục nghề nghiệp, từ nhiều năm qua, tỉnh đã rất quan tâm chú trọng. Chỉ tính riêng năm 2022, tỉnh Thái Nguyên kế hoạch đầu tư hơn 33,2 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó riêng vốn dành cho Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững là gần 11 tỷ đồng. Mục tiêu Dự án đặt ra là có 100% người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động và hỗ trợ tìm việc làm.

Từ thực tế triển khai cho thấy, các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần giảm nhanh hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,14% xuống còn 5,14% (giảm 1% so với năm 2021).

Không riêng Thái Nguyên, công tác đào tạo nghề nông nghiệp trong cả nước đã phát huy vai trò quan trọng trong giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2010 - 2020, số hộ nghèo và cận nghèo đã thoát nghèo tham gia học nghề nông nghiệp là 0,25 triệu hộ; số hộ có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng có thu nhập cao hơn sau khi được đào tạo nghề nông nghiệp là 0,2 triệu hộ (đạt 80% tổng số hộ nghèo và cận nghèo tham gia học nghề nông nghiệp).

Cần sự chung tay

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), toàn quốc hiện có trên 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó hơn 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Hằng năm, số lượng tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt khoảng 2,2 triệu người.

Hiện, cả nước có gần 84.000 nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đa số họ đều đạt chuẩn về trình độ và kỹ năng. Hệ thống kiểm định chất lượng độc lập được hình thành. Tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác chuyên môn được đẩy mạnh. Gắn kết với doanh nghiệp trong tất cả các khâu của thị trường lao động khá chặt chẽ và có hiệu quả.

Không những phát triển về số lượng mà chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động. Minh chứng là trên 80% người tốt nghiệp đã có việc làm. Tuy vậy, thực tế, công tác này vẫn còn một số hạn chế, khó khăn.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nêu rõ, quy mô giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ, cơ cấu ngành nghề, trình độ chưa phù hợp, chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới.

Bên cạnh đó, sự gắn kết Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong phát triển giáo dục nghề nghiệp chưa chặt chẽ. Hình thức tổ chức đào tạo chưa đa dạng, linh hoạt. Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động chưa được chú trọng và hiệu quả, chưa tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp: Ngân sách nhà nước phải là chủ đạo -0
Một lớp tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất lạc cho nông dân Nghệ An

Để thúc đẩy công tác giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới, theo các chuyên gia, cần phải xuất phát từ yêu cầu của thị trường lao động, thực tiễn kinh tế - xã hội, thực tiễn các vùng, miền và nhu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn để xác định những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình phù hợp.

Bên cạnh đó, phải bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Đây phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.

Cho rằng giáo dục nghề nghiệp là một hoạt động đòi hỏi nhiều chi phí đầu tư nên rất khó thực hiện xã hội hóa, các chuyên gia cho rằng, để đáp ứng được đào tạo nhân lực cho quốc gia, ngân sách nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo thông qua các chương trình, đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp.

Việc hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề nông nghiệp cho các lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập thập là vô cùng quan trọng, giúp cho người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập giúp công tác giảm nghèo thực sự bền vững.

Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV vừa qua (tháng 10.2022), ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, tỷ lệ đầu tư ngân sách cho giáo dục đại học cũng như giáo dục nghề nghiệp còn thấp so với khu vực và thế giới. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng chi cho lĩnh vực giáo dục chiếm 0,25% - 0,27% GDP; trong khi Indonesia là 0,57% GDP, Thái Lan 0,64% GDP, còn Singapore 1% GDP.

Do đó, tới đây, cần có lộ trình tăng tỷ lệ và mức đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tương đương với các nước trong khu vực hoặc trên thế giới, bảo đảm ngân sách 20% cho giáo dục, trong đó có giáo dục nghề nghiệp. Cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệ chất lượng cao, theo những lĩnh vực kinh tế trọng điểm, để bám sát chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bà Nga đề nghị.

Minh Châu