Hàng nghìn giáo viên nghỉ việc, liệu chăng “giọt nước tràn ly”?

- Thứ Bảy, 01/10/2022, 08:59 - Chia sẻ

Việc công chức, viên chức ngành giáo dục nghỉ việc đang diễn ra là thực trạng đáng báo động. Trong đó các nguyên nhân tiềm ẩn đã lâu. Tuy nhiên lúc này như là “giọt nước tràn ly” khi tác động của dịch bệnh, áp lực thích ứng với đổi mới, những cung cách quản lý lạc hậu chi phối…

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến hết năm học 2020-2021, cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên, chủ yếu là giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới và giáo viên mầm non ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện tượng giáo viên xin nghỉ việc đang là vấn đề đáng bàn bởi nhiều địa phương giáo viên xin nghỉ việc lên tới hàng nghìn người.

Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội về thực trạng, nguyên nhân vì sao hàng nghìn giáo viên xin nghỉ việc.

Giáo sư Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Là lãnh đạo “cái nôi” đào tạo giáo viên của cả nước, ông nhìn nhận giáo dục hiện nay như thế nào?

GS.TS Nguyễn Văn Minh: Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai (năm 1996) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000 đã nhấn mạnh: “Thực sự coi giáo dục - đào tạo, là quốc sách hàng đầu. Nhận thức sâu sắc giáo dục - đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là nhân tố quyết định tǎng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, đầu tư cho giáo dục - đào tạo là đầu tư phát triển. Thực hiện các chính sách ưu tiên ưu đãi đối với giáo dục - đào tạo, đặc biệt là chính sách đầu tư và chính sách tiền lương. Có các giải pháp mạnh mẽ để phát triển giáo dục.”

Nghị quyết 29 NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, ngày 4/11/2013 cũng nhấn mạnh: “Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.”

Trong suốt thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp đối với sự nghiệp giáo dục nói chung và nhà giáo nói riêng. Giáo dục, đào tạo đã có những thành quả đáng ghi nhận, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Trong đó, có vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ nhà giáo.

Tuy nhiên, giáo dục, đào tạo vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém như đã được chỉ ra trong Nghị quyết số 29. Nhiều chủ trương lớn của Đảng chưa thể chế hóa kịp thời, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa thật sự đồng điệu, bản thân nội tại của ngành vẫn có những lúng túng, khiến các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước chậm đi vào thực tiễn.

Trước thời kỳ đổi mới, do những khó khăn của kinh tế, xã hội tình trạng nhà giáo chuyển nghề, bỏ việc đã từng xảy ra. Tuy nhiên, gần đây, xu hướng này đang trở nên đáng báo động, nhất là sau khi dịch bệnh diễn ra.

Các địa phương như TP.HCM, từ ngày 1/1/2020 đến 20/6/2022, cả thành phố có 5.501 viên chức thôi việc, trong đó lĩnh vực giáo dục là 2.436 người. Tỉnh Đồng Nai có hơn 1200 giáo viên nghỉ việc, Bình Dương có hơn 500 giáo viên nghỉ việc trong năm qua. Nhiều địa phương thiếu, không tuyển được giáo viên… đặt ra nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, trong thực tiễn một lực lượng đông đảo nhà giáo đang tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề, chấp nhận khó khăn vẫn đang thầm lặng thực hiện nghĩa vụ cao đẹp của mình vì sự nghiệp giáo dục, vì tương lai của thế hệ trẻ. Mặt khác, trong thời đại ngày nay, việc dịch chuyển nghề nghiệp diễn ra như một tất yếu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, cũng cần nhìn nhận các hiện tượng này trên những cơ sở toàn diện.

Chưa đánh giá đúng lao động nhà giáo

Tình trạng nhà giáo xin nghỉ việc khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên bởi trở thành nhà giáo đứng trên bục giảng phải trải qua nhiều thử thách, bởi nghề giáo là nghề đặc thù - dạy người. Theo ông nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?

GS.TS Nguyễn Văn Minh: Theo tôi có nhiều yếu tố nhưng yếu tố quan trọng nhất là chậm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng rất kịp thời và đúng đắn, tạo ra sự phấn khởi đối với ngành giáo dục nói chung, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng: “Thực hiện các chính sách ưu tiên ưu đãi đối với giáo dục - đào tạo, đặc biệt là chính sách đầu tư và chính sách tiền lương.” (NQ TW 2, khóa VIII); “Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục… Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.” (NQ 29). Tuy nhiên, các Nghị quyết này chậm đi vào thực tiễn một cách thực sự.

Thứ nhất, chưa đánh giá đúng lao động nhà giáo. Lao động nhà giáo không phải là làm việc hành chính thông thường, không thuần túy là công việc cơ học mà liên quan đến giáo dục con người, chứ không chỉ dạy chữ.

Theo quy định hiện hành, giáo viên THCS là 19 tiết/tuần; THPT là 17 tiết/tuần; chưa tính đến các nhiệm vụ khác. Riêng đối với giáo viên tiểu học, mầm non thì gần như cả ngày, vừa dạy vừa dỗ, vừa chăm lo sức khỏe kiêm luôn cả bảo mẫu. Nếu nhìn nhận số giờ làm việc mỗi ngày đã rõ, nhưng nếu nhìn nhận về phương diện giáo dục thì mỗi học sinh là một thế giới; giáo viên phải dành không ít sức lực, trí tuệ, tình cảm cho bài soạn, còn phải tìm giải pháp cho từng khối, từng lớp và thậm chí cho từng học sinh, tìm cách phối hợp với phụ huynh…

Ngoài ra, các công việc hành chính như sổ sách, giấy tờ, họp hành… cũng chiếm không ít thời gian. Chưa có một đánh giá khoa học, căn cơ đối với lao động nhà giáo nên khi xây dựng các chế độ, chính sách chúng ta tạo ra một sự bình quân cho mọi đối tượng.

Đối với nhà giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vai trò của họ còn nặng nề và nhọc nhằn hơn nhiều. Dù đã có những ưu đãi, nhưng quá ít ỏi. Từ nhà ở, điều kiện sinh hoạt, điều kiện đi lại, sống xa nhà… khiến không ít thầy cô tâm huyết, nhưng “lực bất tòng tâm” nên dần dà họ cũng không thể kiên trì theo nghề.

Trong thực tế, những nhà giáo chân chính, họ đều thấu hiểu tình hình thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước và họ không yêu cầu những gì vượt quá khả năng của của đất nước, nhưng điều họ cần là đánh giá đúng lao động và tương ứng với nó là có chế độ, chính sách phù hợp. Bác Hồ đã từng chỉ rõ: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”.

Thứ hai, những thay đổi của xã hội, có nhiều điều tiến bộ; nhưng có lúc có những giá trị bị “xê dịch”. Trong cơ chế thị trường, sự chi phối của đồng tiền không nhỏ. Quan niệm về nhà giáo, về bản chất vẫn được tôn trọng, nhưng những giá trị cao quý, đâu đó dường như đang không chỉ bình thường mà thậm chí tầm thường hóa; như là một nghề kiếm cơm thuần túy.

Sự tôn trọng của xã hội đối với nhà giáo đang suy giảm. Tất nhiên, cũng không loại trừ các nguyên nhân chủ quan. Vẫn có nơi, những hành vi bạo lực đã diễn ra ngay trong nhà trường khiến sự an toàn trường học đáng lo ngại. Những vấn nạn trò đánh thầy, phụ huynh đánh cô giáo… hình như trong lịch sử giáo dục hiếm thấy.

Lương thấp cũng là một hệ quả khiến nghề giáo không còn sức hấp dẫn?

GS.TS Nguyễn Văn Minh: Đúng. Trước đây, việc điều chỉnh tăng lương được thực hiện hằng năm. Lần điều chỉnh tăng lương cơ sở áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức gần nhất là từ 01/7/2019, tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng. 

Tuy nhiên chúng ta đã có 3 năm liên tiếp giữ nguyên mức lương cơ sở nhằm huy động nguồn lực ngân sách cho việc phòng, chống dịch Covid-19, cho các chính sách an sinh xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh… Khi lương cơ sở không tăng đồng nghĩa với việc cán bộ, công chức, viên chức không được điều chỉnh tăng lương, phụ cấp, trong khi đó vật giá lại leo thang, chi phí tăng trở lại làm cho đời sống cán bộ, công chức, viên chức; trong đó có công chức, viên chức ngành giáo dục, càng gặp nhiều khó khăn.

Nhà giáo làm một nghề không dễ chuyển đổi, khi cuộc sống khó khăn, không thể đáp ứng các trang trải tối thiểu, bắt buộc phải tìm giải pháp khác, dẫu sao “có thực mới vực được đạo” vẫn không thể trốn tránh được.

Hàng nghìn giáo viên nghỉ việc, liệu chăng “giọt nước tràn ly”? -0
Tiết học của cô trò Trường tiểu học Nghi Xuân (Huyện Nghi Lộc, Nghệ An) (Ảnh: Báo GDTĐ).

Quan liêu hóa hệ thống quản lý nhà trường

Nhiều ý kiến cho rằng, một nền quản trị nhà trường còn lạc hậu, kém nhạy bén dẫn đến nhiều giáo viên không thực sự gắn bó với nhà trường, với tập thể sư phạm. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

GS.TS Nguyễn Văn Minh: Trong nhà trường, nhiều vấn đề về mặt quản lý mà lỗi là do hệ thống cũng có, lỗi do con người cũng có. Đáng suy ngẫm nhất là ngày càng quan liêu hóa hệ thống quản lý nhà trường. Chưa phân định rõ ràng trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, phân công giáo viên giữa phòng/Sở Giáo dục và phòng/Sở Nội vụ, tình hình này trở thành một thứ gì đó bên ngoài nhà trường, thậm chí không loại trừ có thể có tiêu cực chi phối.

Những hạn chế, yếu kém mà Nghị quyết 29 chỉ ra, trong đó có nêu: Việc phân định giữa quản lý nhà nước với hoạt động quản trị trong các cơ sở giáo dục, đào tạo chưa rõ vẫn chưa được khắc phục.

Giải pháp “tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo (xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và trách nhiệm quản lý theo ngành, lãnh thổ của các bộ, ngành, địa phương. Phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo)” thực hiện chưa hiệu quả.

Về mặt quản lý nhà nước cũng không/chưa coi trọng vai trò nhà trường cũng như vai trò tham mưu của nhà trường. Chẳng hạn, tuyển chọn, bổ nhiệm hiệu trưởng trường MN, TH, THCS do huyện quyết định; tuyển chọn, bổ nhiệm hiệu trưởng trường THPT do tỉnh quyết định, sau đó phân công, cũng không biết hiệu trưởng đó có uy tín đến mức nào? Có uy tín đối với ai? Trong bối cảnh mà người giỏi, người tốt thì/nhiều khi không được đối xử xứng đáng.

Trong khi đó, Nghị quyết 29 đã chỉ rõ: “Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác”. Có thể hiểu cụ thể hơn, đánh giá giáo viên là đánh giá bằng sản phẩm giảng dạy, giáo dục và hưởng theo mức độ đạt được của sản phẩm, nhưng thực tế chưa làm được. Điều này làm giảm động lực đối với giáo viên và cán bộ quản lý gắn bó với ngành giáo dục.

Việc điều động giáo viên còn bất cập. Trước đây có chế độ luân chuyển. Ngày nay, việc này hầu như bỏ ngỏ khiến không ít thầy cô không muốn đến các địa bàn công tác xa gia đình của họ. Điều này đặt ra vấn đề là, sau một thời gian sẽ diễn ra tình trạng “địa phương hóa” đội ngũ giáo viên và đáng lo hơn là những thầy cô có năng lực tốt thiếu vắng ở các địa bàn khó khăn, xa xôi.

Nhìn chung, vận hành của trường học hiện tại khá giống với những cơ quan hành chính thông thường. Trong khi đó, vận hành của trường học là vận hành phát triển. Không ít nơi, thầy cô chỉ là những người tuân thủ, mà lẽ ra họ là những người sáng tạo.

Các biểu mẫu, hồ sơ, giáo án dường như không thay đổi kịp với đổi mới, đội ngũ quản lý áp đặt những cái, thậm chí đã cũ, rập khuôn để nhận định, phán xét trước những kết quả đáng trân trọng của thầy cô.

Có những nơi thiếu dân chủ, thiếu minh bạch và thầy cô không được tôn trọng. Thực tiễn đã chứng minh rằng, nơi nào hiệu trưởng năng động, sáng tạo, tiếp cận tốt tinh thần đổi mới, dân chủ thì ở đó thầy cô hào hứng làm việc, và ngược lại.

Bệnh thành tích chi phối

Thưa ông, bệnh thành tích trong giáo dục đã chấn chỉnh nhiều năm nay, nhưng e chừng khó chuyển biến và ngày càng biến tướng, khó khắc phục?

GS.TS Nguyễn Văn Minh: Đây là căn bệnh chi phối khá lớn trong hệ thống giáo dục. Chính nó tác động làm lệch việc “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Điều đó khiến những nhà giáo có lương tâm tỏ ra bất lực, an phận và dẫn đến chán nản, mất động lực, tâm huyết và cuối cùng là muốn xa rời công việc.

 Không ít cơ sở giáo dục chỉ lấy kết quả điểm số làm thước đo cho thành tích thầy cô mà lẽ ra lấy sự tiến bộ của người học để đánh giá; cũng không loại trừ có sự “chỉ đạo” để có những con số đẹp đẽ.

Kết quả thi tốt nghiệp và kết quả học bạ trong các kỳ thi phổ thông trong những năm qua ở một số địa phương là một bằng chứng đáng suy ngẫm. Điều này cũng diễn ra trong quan niệm hệ thống quản lý chính quyền đối với giáo dục.

Nhiều giáo viên cho rằng, nghề giáo hiện nay quá áp lực cùng với những đòi hỏi đổi mới khiến họ mệt mỏi, không tha thiết với nghề?

GS.TS Nguyễn Văn Minh: Một giáo viên hiện tại, nếu tận tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì gần như đầu tư toàn bộ thời gian, tâm sức cho công việc, nhất là trước đòi hỏi của đổi mới giáo dục và ứng dụng công nghệ thông tin. Giáo viên mầm non, tiểu học thậm chí không còn thời gian để chăm sóc gia đình.

Một số giáo viên hợp đồng đã lâu không được thi tuyển, không biết tương lai của mình nên dù có đam mê cũng đành dừng bước.

Lí do đáng suy nghĩ là những yêu cầu mới, thậm chí là phức tạp của đổi mới CTGDPT 2018 làm cho một số thầy cô với vốn kiến thức và năng lực được đào tạo ở trường sư phạm trước đây không kịp thích ứng với những yêu cầu thực tiễn triển khai CTGDPT 2018, làm cho một số người vốn đã không yêu nghề, vốn đã bấp bênh thì bây giờ dễ dẫn đến quyết định nghỉ việc.

Việc công chức, viên chức ngành giáo dục nghỉ việc đang diễn ra là thực trạng đáng báo động. Trước thực trạng trên, ông có đề xuất gì để cải thiện được tình trạng khó khăn về đội ngũ giáo viên hiện nay?

GS.TS Nguyễn Văn Minh: Trước hết, cần một lần nữa khẳng định, đa số nhà giáo đang miệt mài, trách nhiệm, tận tâm, tiếp cận cái mới để làm tốt nhất trọng trách giáo dục cao cả của mình. Tuy nhiên, hiện tượng công chức, viên chức ngành giáo dục nghỉ việc đang diễn ra cũng cần tìm hiểu kỹ càng để giải quyết, tránh các hiệu ứng không mong muốn.

Việc công chức, viên chức ngành giáo dục nghỉ việc đang diễn ra là thực trạng đáng báo động. Trong đó các nguyên nhân tiềm ẩn đã lâu.

Tuy nhiên lúc này như là “giọt nước tràn ly” khi mà tác động của dịch bệnh gây ra rất nhiều khó khăn; áp lực thích ứng với đổi mới, khi mà những cung cách quản lý lạc hậu chi phối; khi mà quan niệm xã hội về nghề nghiệp đang có những lo ngại, khi mà môi trường giáo dục bị chi phối bởi không ít các yếu tố khác.

Các yếu tố đó làm cho không ít nhà giáo lung lay cả niềm tin, và khó khăn về cuộc sống khiến họ phải nghỉ việc. Nguyên nhân thì có cả khách quan và chủ quan. Vì vậy, khi đã xác định “giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu” thì cần có những chính sách tương xứng với “quốc sách”; người vận hành “quốc sách” phải được đối xử, trước hết là đúng với năng lực của họ trong điều kiện thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước.

Do đó, tôi đề nghị sớm thể chế hóa các Chủ trương, Nghị quyết của Đảng về giáo dục đào tạo nói chung, về nhà giáo nói riêng bằng các văn bản của Chính phủ, vai trò trách nhiệm của các Bộ, ngành trong một lộ trình cụ thể.

Nâng cao vai trò tự chủ, chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo gắn với trách nhiệm giải trình.

Quản trị nhà trường phải được tiếp cận mới mẻ hơn. Nhà trường phải là một tổ chức tự chủ, nhưng phải gắn với một hệ thống giám sát quyền lực bằng Hội đồng quản trị của nhà trường, và xác lập một sự quản trị tốt (Ví dụ ở Mỹ, Hội đồng học khu quyết định những vấn đề chiến lược của nhà trường, đồng thời giám sát hoạt động nhà trường).

Có thể hình dung hiệu trưởng nhà trường là hành pháp; Hội đồng quản trị nhà trường là lập pháp. Chính vì vậy, thành lập Hội đồng quản trị rất quan trọng. Lúc đó Hiệu trưởng và bộ máy hành chính của nhà trường không thể là một hệ thống quan liêu vì chịu sự quản trị, giám sát của Hội đồng trường.

Hội đồng này bao gồm các lực lượng/cá nhân hiểu biết và đứng đắn gồm: Đại diện cho GV, đại diện CMHS, đại diện cho lãnh đạo của địa phương và những người có uy tín về mặt GD ở địa phương.

Như vậy, Hội đồng này vừa có tiếng nói về chuyên môn, vừa có tâm, vừa có quyền lực và đủ sức mạnh để buộc bộ máy hành chính nhà trường vận hành tốt, hướng tới mục tiêu tối thượng là lợi ích và sự phát triển của người học.

Nói chung rất nhiều vấn đề về mặt quản lý và quản trị cần phải được quan tâm nghiên cứu và đổi mới. Điều này đã được Nghị quyết 29 chỉ đạo“đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục-đào tạo”.

Chính vì vậy, cần đổi mới mạnh mẽ về mặt quản trị, quản lý như: Phân định rõ ràng hơn về vai trò quản lý nhà nước giữa ngành giáo dục và các ban ngành liên quan, nhất là trong các khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ nhà giáo. Chú ý đến sự chi phối của Luật Viên chức khi áp dụng đối với nhà giáo.

Nghiên cứu một cách khoa học, thực tiễn lao động nhà giáo để có các chế độ, chính sách phù hợp; cụ thể là lương và phụ cấp tối thiểu đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt tại nơi làm việc; có chế độ đặc thù, ưu đãi đối với nhà giáo xuất sắc, nhà giáo công tác ở các vùng khó khăn. Chỉ có vậy, mới kỳ vọng nâng cao dân trí, bảo đảm công bằng tiến cận giáo dục của mọi người dân.

Xây dựng môi trường học đường văn minh. Việc này đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội.

Nhanh chóng cải tổ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu đổi mới. Thực hiện bồi dưỡng giáo viên một cách thực chất, hiệu quả nhằm đáp ứng chương trình mới.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)
#