Bệnh viện cần cơ chế hơn cần tiền

- Thứ Hai, 14/11/2022, 22:10 - Chia sẻ

 Tại tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn” do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức chiều 14.11, các đại biểu cho rằng, điều kiện tiên quyết là phải hoàn thiện cơ chế và hành lang pháp lý để các giám đốc bệnh viện thỏa sức sáng tạo.

Nhiều vướng mắc, làm dễ sai

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện thời gian qua còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Bệnh viện K và Bạch Mai sau 2 năm thí điểm đã xin dừng tự chủ toàn toàn vì khó khăn bủa vây và chuyển sang tự chủ chi thường xuyên.

Giám đốc Bệnh viện K Lê Văn Quảng cho biết, thách thức bệnh viện phải đối mặt rất nhiều, ví dụ không có vốn để đầu tư; giá viện phí chưa được tính đúng tính đủ; bệnh nhân phải chi trả phí điều trị cao hơn; bệnh viện chịu áp lực phải nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và cạnh tranh với các bệnh viện tư nhân để thu hút bệnh nhân.

Theo ông Quảng, dù tự chủ hay không, bệnh nhân đến Bệnh viện K vẫn đông. Hiện số bệnh nhân tăng 30 - 40% so với trước dịch Covid-19 song nguồn thu giảm 1/3 so với trước và Bệnh viện K gặp khó khăn về tài chính. Bệnh viện đang xây dựng cơ sở K1, ở giai đoạn xây thô cần 1.020 tỷ đồng. Nếu tự chủ, bệnh viện không lo được nguồn vốn này. Trước đây bệnh viện có 9 máy xạ trị, nay chỉ có 5 máy hoạt động; có máy đã hết khấu hao, nên các máy còn lại hiện hoạt động hết công suất 23-24 tiếng/ngày, bệnh nhân thức cả đêm xạ trị. Hiện bệnh viện cần khoảng 10 máy nữa, giá một máy 130 tỷ đồng, để đầu tư cần rất nhiều tiền. “Bệnh viện mong Nhà nước đầu tư 3 - 5 năm nữa, sau đó chuyển sang tự chủ toàn diện sẽ không vấn đề gì. Còn hiện tại chuyển sang tự chủ chi thường theo nhóm 2 Nghị định 60 là phù hợp với bệnh viện trong giai đoạn này”, ông Quảng nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ, khó khăn lớn nhất ở thời điểm hiện tại là chênh lệch thu chi rất thấp. Mặc dù tự chủ toàn diện nhưng giá các dịch vụ hầu hết đều đúng bằng giá của bảo hiểm y tế. Bệnh viện tự chủ nhưng chưa bao giờ được tự chủ về giá mà phải thực hiện theo văn bản pháp quy. Trong khi đó, Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, trên 90% bệnh nhân là người hưởng bảo hiểm y tế, trong số này đa phần là người nghèo, người có công nên bệnh viện xác định không thu thêm bất cứ khoản phí nào. Do đó, dù rất đông bệnh nhân đến khám nhưng nguồn tài chính duy trì hoạt động đầu tư lại rất thấp.

Giám đốc bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, bệnh viện không ngại làm, không phải không dám làm, mà khó nhất là chưa có văn bản pháp quy rõ ràng nên rất dễ sai phạm. Ngoài ra, khung giá viện phí chưa hợp lý, chưa được tính đúng tính đủ trong khi nếu bệnh viện tự chủ toàn diện thì cần tự quyết cả 7 yếu tố cấu thành giá viện phí. Muốn tự chủ toàn diện chắc chắn phải xã hội hóa, cần liên doanh, liên kết các đơn vị song cơ chế này đang nhiều vướng mắc, thực hiện dễ sai. 

Các dại biểu tại tọa đàm; Ảnh Vũ quang
Các đại biểu tại tọa đàm. Ảnh: Vũ Quang

Chưa cơ sở nào đủ điều kiện tự chủ toàn diện

Tự chủ bệnh viện thất bại có 3 nguyên nhân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Bùi Sỹ Lợi nói. Đó là thể chế chưa đáp ứng được nhu cầu để tự chủ toàn diện; khâu tổ chức thực hiện có vấn đề và do cơ chế giá. “Qua giám sát về y tế, chưa có cơ sở y tế nào kể cả tuyến trên và dưới đủ điều kiện để tự chủ toàn diện. Nếu không cẩn thận cứ giao tự chủ mà không có đầu tư, không có phúc lợi xã hội sẽ rất nguy hiểm” ông Lợi nhấn mạnh.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang nhận định, tự chủ tài chính là nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, tự chủ bệnh viện phải dựa trên cơ sở đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe; đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh phải được nâng cao; đảm bảo các bệnh viện vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập tức là thực hiện chính sách an sinh cho xã hội. Chúng ta đang gặp vướng mắc về cơ chế pháp lý. Để các bệnh viện tự chủ hoàn toàn, cần có hành lang pháp lý đầy đủ để các giám đốc bệnh viện thỏa sức sáng tạo.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm đều cho rằng điều kiện tiên quyết để thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện là cần cơ chế chính sách hoàn thiện. Nguyên Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, bệnh viện cần cơ chế hơn cần tiền. Đồng thời, khẳng định chủ trương tự chủ là cần thiết, quan trọng, nhưng chỉ nên tự chủ ở mức 2 hoặc mức 3 là chi thường xuyên, chi một phần, không nên ở mức 1 là tự chủ toàn diện vì hiện chưa có văn bản, quy chế để thực hiện. Nếu tự chủ quá mức, cao nhất, thì sẽ dẫn đến tư nhân hóa bệnh viện công, sai định hướng.

Vũ Quang
#