Bài toán nào tháo “điểm nghẽn” trong tự chủ đại học?

- Thứ Bảy, 15/10/2022, 08:38 - Chia sẻ

Thực tiễn triển khai tự chủ đại học ở Việt Nam đã bộc lộ nhiều hạn chế vì chưa xây dựng được một lộ trình tự chủ đại học rõ ràng nên sau giai đoạn thí điểm thiếu những định hướng cụ thể để tiếp tục triển khai tự chủ đại học.

Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XI và 7 năm thực hiện Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP của Chính phủ, thực tế cho thấy, tự chủ đại học đã trở thành một nhu cầu tự thân, một xu thế tất yếu và có tính khách quan. Tự chủ đại học vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.

Trên cơ sở triển khai hiệu quả, quyết liệt đổi mới giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết 29, có thể thấy, tự chủ đại học đã đem lại những kết quả quan trọng, tạo động lực phát triển cho hệ thống giáo dục đại học nói chung và các cơ sở GDĐH công lập nói riêng.

Một số mô hình tự chủ đại học đã dần được định hình. Nhận thức về tự chủ đại học đã được nâng lên ở tầm cao mới; tự chủ đại học thực sự đã tạo ra một sức sống mới giúp các trường công lập nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời, hướng tới cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao hơn.

Bài toán nào tháo “điểm nghẽn” trong tự chủ đại học?  -0
PGS. TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương

Ở một số ngành nghề đào tạo, nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu khu vực và quốc tế. Vấn đề chuyển giao công nghệ và tri thức cũng có những chuyển biến tích cực. Công tác đảm bảo chất lượng, số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên và viên chức quản lý của các cơ sở giáo dục đại học nâng cao rõ rệt.

Mặc dù vậy, quá trình tự chủ đại học còn có những điểm nghẽn, những hạn chế trong nhận thức cũng như trong thực tiễn triển khai.

Chưa thống nhất được một mô hình tự chủ

Thực tiễn triển khai tự chủ đại học ở Việt Nam đã bộ lộ nhiều hạn chế vì chưa xây dựng được một lộ trình tự chủ đại học rõ ràng và còn thiếu những hướng dẫn cụ thể trong triển khai tự chủ đại học.

Bên cạnh đó, cơ chế thị trường để các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong đó có các cơ sở GDĐH tự chủ cạnh tranh bình đẳng với nhau chưa được hoàn thiện. Việc triển khai tự chủ đại học trong thời gian qua mới chỉ đề cập tới ở các trường đại học công lập và hầu như chưa đề cập tới các trường đại học tư thục.

Trong khi các cơ sở GDĐH công lập tự chủ chịu nhiều ràng buộc và bị kiểm soát theo các quy định hiện hành thì các trường tư thục hầu như vận hành theo cơ chế thị trường với ít ràng buộc hơn.

Điều này dẫn tới sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các cơ sở GDĐH. Những đòi hỏi như minh bạch thông tin, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… chưa được đáp ứng đầy đủ.

Bài toán nào tháo “điểm nghẽn” trong tự chủ đại học?  -0
Sinh viên trường Đại học Ngoại thương.

Hiện nay, các cơ sở GDĐH đang hoạt động dưới nhiều hình thức với mức độ tự chủ khác nhau trong thực tiễn như: các đại học quốc gia, các trường đại học quốc tế, các đại học vùng, các cơ sở GDĐH công lập thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77/2014/NQ-CP, các cơ sở GDĐH công lập chưa thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77/2014/NQ-CP, các cơ sở GDĐH tư thục, và các cơ sở GDĐH có 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Sau quá trình thí điểm tự chủ, chúng ta chưa xác định được một mô hình tự chủ phù hợp cho các cơ sở GDĐH công lập của Việt Nam. Mặc dù chúng ta đã chấp nhận sự tham gia của các cơ sở GDDH tư nhân, của các nhà đầu tư tư nhân trong GDĐH nhưng chưa hoàn thiện thể chế thị trường để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả cho các cơ sở GDĐH.

Từ thực tiễn cho thấy có nhiều xu hướng đối lập nhau trong quá trình tự chủ đại học. Nhiều trường chưa đủ năng lực thực hiện tự chủ, quen với cơ chế xin-cho, quen được cầm tay chỉ việc, không phát huy được tự chủ do "sợ làm sai".

Trong khi đó, cũng có trường lại nghĩ đơn giản "tự chủ nghĩa là muốn làm gì cũng được" không tuân thủ các quy định của pháp luật. Vẫn còn có sự khác biệt trong cách thức quản lý của cơ quan chủ quản đối với cơ sở giáo dục đại học. Có cơ quan chủ quản can thiệp quá sâu vào hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Những điều kiện ở trong nước, khu vực và trên thế giới định hình cơ chế thị trường và cạnh tranh trong giáo dục đại học đang thay đổi nhanh chóng. Điều này dẫn tới hình thức và mức độ cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH của Việt Nam với nhau và giữa các cơ sở GDĐH Việt Nam với các cơ sở GDĐH nước ngoài thay đổi.

Những lợi thế truyền thống bị thay thế bởi những yếu tố mới mà các cơ sở GDĐH công lập không có đủ cơ chế hoặc nguồn lực để có thể thay đổi nhanh chóng. Do vậy, việc lựa chọn một mô hình tự chủ đại học phù hợp ngày càng khó khăn hơn đối với các cơ sở GDĐH công lập.

Nhiều bất cập trong nhận thức

Về mô hình tự chủ hiện nay có nhận thức khác nhau về vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý đối với các cơ sở GDĐH.

Cụ thể, các cơ chế, chính sách hiện nay vẫn theo hướng cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát các cơ sở GDĐH. Các cơ quan chủ quản vẫn tồn tại và vẫn có thể can thiệp vào các công việc của các cơ sở GDĐH như thiết lập bộ máy quản lý, nhân sự và đầu tư.

Quyền tự quyết của các cơ sở GDĐH được đề cập nhưng trên thực tế các cơ sở này vẫn bị chế định trong mối quan hệ tương tác với các chủ thể khác trong xã hội. Trong khi đó, vẫn còn nhiều cơ sở GDĐH muốn được bao cấp kinh phí đầu vào trong khi muốn được quyền tự chủ quyết định các khoản chi đầu ra.

Nhận thức và kỳ vọng của các bên liên quan trong quá trình tự chủ các cơ sở GDĐH còn khác biệt, trong đó có cả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân.

Trong khi các cơ chế, chính sách, quy định vẫn tiếp tục duy trì sự kiểm soát của Nhà nước đối với các cơ sở GDĐH thì các nhà đầu tư tư nhân mong muốn các cơ sở GDĐH được vận hành theo cơ chế thị trường và các cơ sở GDĐH được quản trị như một doanh nghiệp.

Do vậy, còn có sự mâu thuẫn nhất định giữa cơ chế thị trường và cơ chế Nhà nước trong việc quản lý các cơ sở giáo dục đại học công lập được trao quyền tự chủ. Nói cách khác, thể chế hiện nay chưa được hoàn thiện để có thể thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư tư nhân. Có thể nói sự đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân vào GDĐH ở Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn: Ở giai đoạn thứ nhất (trước năm 2000), các trường đại học tư nhân đầu tiên ra đời với tên gọi là các trường đại học dân lập; Giai đoạn hai (2001-2013) đánh dấu sự tham gia của các trường đại học quốc tế; Giai đoạn ba (2014 đến nay) chứng kiến các hoạt động mua bán, sáp nhập và sự hình thành của một số cơ sở GDĐH tư nhân được đầu tư lớn.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến nay cả nước có 237 trường đại học (không tính các trường thuộc khối quốc phòng/an ninh), trong đó có 172 trường công lập (chiếm khoảng 72,5%) và 65 trường ngoài công lập (chiếm khoảng 27,5%). Trong đó có 5 trường 100% vốn đầu tư nước ngoài. Quá trình này cho thấy các nhà đầu tư tư nhân đã quan tâm nhiều hơn tới hệ thống GDĐH của Việt Nam. Tuy vậy, hầu như chưa có nhà đầu tư tư nhân nào đầu tư vào các cơ sở GDĐH công lập.

Nhận thức về quản trị, quản lý và vai trò đại diện của các cơ sở đại học công lập được trao quyền tự chủ còn nhiều hạn chế. Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới giáo dục đại học đã quy định cần phải “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập”.

Theo quy định này, khi đã đưa vào Hội đồng trường đại diện của Bộ chủ quản thì sự quản lý của Bộ chủ quản phải thông qua đại diện này. Nghị quyết 89/NQ-CP năm 2016 đã nhấn mạnh cần phải “Giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng sang chế độ tập thể lãnh đạo (Hội đồng trường)”. Mặc dù vậy, những nhận thức này còn chưa được thực hiện đầy đủ và triệt để.

Bất cập trong cơ chế, chính sách

Về cơ chế, chính sách, cũng còn có một số hạn chế, bất cập nhất định. Hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa ban hành được một hệ thống các quy định, chính sách riêng để quản lý các cơ sở GDĐH công lập tự chủ mà các cơ sở GDĐH công lập tự chủ vẫn bị ràng buộc bởi các quy định chung cho mọi cơ sở GDĐH. Sự bất cập của hệ thống quy định, chính sách làm giảm hiệu quả điều tiết thị trường của Nhà nước.

Nhiều quy định luật pháp mâu thuẫn với nhau trong quá trình các cơ sở GDĐH triển khai thực hiện tự chủ: Luật GDĐH như Luật Tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Viên chức, Luật Lao động…

Mối quan hệ Nhà nước – Nhà trường – Xã hội chưa được xử lý hiệu quả khi các chính sách còn thiếu và chưa đi vào nhiều vấn đề trọng tâm của tự chủ đại học.

Mặc dầu chúng ta chấp nhận sự tham gia của các cơ sở GDDH tư nhân, cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư tư nhân cho GDĐH nhưng chúng ta lại chưa quan tâm tới xây dựng thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cho GDĐH, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở GDĐH.

Nguyên nhân của những bất cấp, hạn chế trong tự chủ GDĐH hiện nay là chưa có sự nhận thức đồng bộ, thống nhất và từ đó đi đến thống nhất hành động về tự chủ đại học trong toàn bộ hệ thống chính trị. Nhận thức về tự chủ đại học ở xã hội, trong từng cơ sở GDĐH cũng còn chưa thống nhất; thiếu những đột phá về chính sách, về quy định liên quan đến tự chủ đại học; thiếu chính sách và quy định để hình thành thể chế thị trường đồng bộ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các cơ sở GDĐH; thiếu đồng bộ, nhất quán trong hệ thống luật và các văn bản quy phạm pháp luật luật liên quan đến tự chủ đại học và việc triển khai thực hiện trên thực tiễn.

Một trong những nội dung quan trọng có thể coi là nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trên là việc tổng kết và đánh giá kết quả thí điểm tự chủ đại học còn chưa toàn diện, chưa đi vào thực chất.

Cho đến nay chưa có một khảo sát, điều tra đánh giá một cách khoa học, được lượng hóa và toàn diện về kết quả của quá trình tự chủ đại học đến giai đoạn hiện nay (sau khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đi vào cuộc sống). Do vậy, những nhận định hiện nay vẫn còn có thể mang tính phiến diện, chưa sâu sắc.

Cần khảo sát, đánh giá toàn diện hơn nữa về tự chủ đại học

Để giải bài toán cho các vấn đề tắc nghẽn trên thì cần có sự thống nhất về về tự chủ GDĐH và triển khai thực hiện tự chủ GDĐH trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước cần tập trung rà soát, đánh giá để từ đó hoàn thiện hành lang pháp lý cho các cơ sở GDĐH phát triển. Vấn đề quan trọng trước mắt là phải nhanh chóng hoàn thiện và đồng bộ hóa hệ thống pháp luật về tự chủ đại học, khắc phục ngay những bất cập, mâu thuẫn trong các quy định pháp lý đang điều chỉnh các cơ sở GDĐH công lập được tự chủ.

Nguyên tắc chung trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý phải là chuyển từ Nhà nước kiểm soát sang Nhà nước giám sát các cơ sở GDĐH. Đồng thời, hành lang pháp lý cần tạo ra khung khổ cho cơ chế thị trường khi thực hiện tự chủ đại học hoạt động một cách hiệu quả, đáp ứng các định hướng, mục tiêu của Nhà nước.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải xây dựng các chính sách mới, các văn bản pháp luật mới có tính chất dẫn dắt quá trình tự chủ đại học trong đó tập trung vào các chính sách để khắc phục thất bại của cơ chế thị trường trong quá trình tự chủ đại học.

Theo đó cần tập trung vào các chính sách: Xây dựng cơ chế đầu tư phát triển có trọng điểm, hiệu quả cho các cơ sở GDĐH công lập tự chủ; tăng cường cơ chế đặt hàng trong đào tạo và nghiên cứu; cấp kinh phí cho đối tượng cần dịch vụ giáo dục đại học để các cơ sở GDĐH cạnh tranh thu hút; Chú trọng đầu tư nguồn nhân lực quản trị đại học; Đảm bảo bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các mô hình tự chủ đang được triển khai. Nếu còn tiếp tục triển khai thí điểm tự chủ đại học, cần chấp nhận ở mức độ nào đó những việc phá cách, vượt rào để hướng tới mô hình mới.

Đồng thời, Nhà nước cần đảm bảo định hướng thị trường để phát triển các cơ sở GDĐH. Bộ GD và ĐT cần triển khai một nghiên cứu quy mô, khảo sát và đánh giá toàn diện quá trình thực hiện và kết quả thí điểm tự chủ đại học tại Việt Nam trong thời gian qua.

Nghiên cứu cần đánh giá lại cơ chế chủ quản đối với các cơ sở GDĐH, việc tách quản lý Nhà nước ra khỏi vận hành các cơ sở GDĐH, tiến tới xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng, Nghị quyết 14/2005/NQ-CP và Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đánh giá quá trình thực hiện và kết quả thí điểm tự chủ đại học tại Việt Nam trong thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện các mô hình tự chủ đại học trong đó làm rõ vấn đề quản trị đại học, sở hữu đại học công lập. Việc phân chia quyền lực giữa cơ quan chủ quản và cơ sở GDĐH cần được thực hiện một cách khoa học và tường minh. Nhà nước cần có những tuyên bố rõ ràng về sự phân chia quyền lực này. Nhà nước cần từ bỏ tư duy ban phát, đánh đổi, ra điều kiện với các cơ sở GDĐH và nên căn cứ vào năng lực để trao quyền tự chủ.

Bên cạnh đó, chìa khóa để thành công trong tự chủ đại học đó là các cơ sở GDĐH cần phải có được nhận thức đúng đắn về tự chủ đại học. Các cơ sở GDĐH cần đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết giữa các thiết chế Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu trong quản trị đại học. Tùy vào tình hình cụ thể của cơ sở GDĐH mà các vị trí này cần phải được bố trí, sắp xếp một cách phù hợp, khoa học, đảm bảo sự gắn kết, hỗ trợ, kiểm soát lẫn nhau vì mục tiêu phát triển chung của cơ sở GDĐH.

PGS. TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương
#