Trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng giữa Việt Nam và Thái Lan

- Thứ Năm, 21/01/2021, 23:55 - Chia sẻ
Ngày 21.1, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) đã phối hợp với Quỹ Toyota tổ chức Hội thảo trực tuyến: “Liên quốc gia về Du lịch cộng đồng - Nâng cao năng lực quản trị và tiếp cận thị trường - trao đổi kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thái Lan”.

Hội thảo nằm trong Dự án Phát triển du lịch gắn với lợi ích cộng đồng dân tộc thiểu số, được thực hiện tại Việt Nam với đơn vị triển khai dự án là: Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng - CSIP và Sapa O’Châu; tại Thái Lan là Change Fusion và Local Alike. Hướng đến việc nâng cao năng lực cho những đơn vị, cá nhân làm du lịch cộng đồng, dự án tập trung chia sẻ những thành công điển hình, tạo nền tảng nâng cao năng lực và hỗ trợ tiếp cận thị trường. Giám đốc CSIP Phạm Kiều Oanh cho biết: Trong hai năm 2019 và 2020, được sự hỗ trợ của Quỹ Toyota (Nhật Bản), CSIP đã nâng cao năng lực cho các đơn vị, cá nhân làm du lịch cộng đồng. Những kinh nghiệm từ dự án đã thúc đẩy quá trình vận động chính sách và các đối tác trong việc tạo dựng một môi trường thuận lợi phát triển du lịch cộng đồng, từ đó tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương ở cả hai nước.

Toàn cảnh hội thảo
Ảnh: Thanh Bình

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá: Du lịch cộng đồng trong thời gian qua đã mở ra hướng phát triển mới cho ngành du lịch, song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Sự phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam còn mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch cộng đồng chưa đa dạng; chưa thu hút được lượng khách có khả năng chi trả cao để tăng doanh thu du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Một vài địa phương quá chú trọng đến yếu tố phát triển kinh tế nên tổ chức còn manh mún, chưa chú trọng đến vấn đề giữ gìn, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống…

Tại đầu cầu trực tuyến phía Thái Lan, Tiến sĩ Morakot Ditta - apichai cho rằng: Cần có sự phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bài bản, có sự quản lý chặt chẽ từ nhà nước. Bên cạnh đó, lồng ghép những yếu tố bảo tồn văn hóa địa phương tại mỗi khu du lịch cộng đồng. Những điểm du lịch cộng đồng cần có sự khởi xướng từ người dân bản địa, tìm nguồn hỗ trợ từ chính quyền và công ty du lịch. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra phức tạp sẽ tiếp tục tạo ra thách thức cho ngành du lịch nói chung cũng như du lịch cộng đồng nói riêng. Do vậy, cần tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch và định hướng lại đối tượng du khách không phụ thuộc quá nhiều du khách nước ngoài...

Thanh Bình