Hướng tới kỷ niệm ngày Quốc tế Trẻ em gái 11.10, sự kiện nhằm khẳng định cam kết của các bên liên quan trong việc thúc đẩy quyền tham gia và lãnh đạo của trẻ em, tạo điều kiện cho các em thể hiện năng lực bản thân cũng như đóng góp tiếng nói trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới chính mình.
Hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Dự án sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2 (2023 – 2025) do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng tổ chức Plan International Việt Nam triển khai thực hiện tại Hà Nội, với sự tài trợ của AstraZeneca.
Được thiết kế theo hình thức một buổi họp giả định của Ban Quản lý dự án, tại sự kiện, 5 em gái đã được lựa chọn đóng vai đại diện Bộ Giáo dục, tổ chức Plan International Việt Nam và nhà tài trợ AstraZeneca để đặt câu hỏi và cùng tham gia thảo luận, chia sẻ ý kiến xung quanh hai chủ đề chính: phòng ngừa bệnh không lây nhiễm như thuốc lá, thuốc lá điện tử và cải thiện dịch vụ y tế thân thiện với thanh thiếu niên. Hoạt động ý nghĩa này không chỉ là cơ hội cho các em trải nghiệm vai trò lãnh đạo, mà còn góp phần tạo không gian để các em có thể đóng góp tiếng nói trong các vấn đề liên quan đến sức khỏe và giáo dục.
Trong vai Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, em N.B.Ngọc (sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đặt câu hỏi cho đại diện các trường về thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong môi trường học đường. Em N.H.Giang, đóng vai Hiệu trưởng giả định trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, cho biết tình trạng này hiện nay đang gia tăng một cách đáng báo động. Trước đây hầu hết đối tượng sử dụng rơi vào học sinh lớp 8-9, nhưng hiện nay, nhiều em lớp 6 và 7 cũng đã và đang dễ dàng tiếp cận. Học sinh có thể không hút ở lớp mà chuyền tay nhau sử dụng vào giờ ra chơi hoặc sau giờ học, nhiều em đã lén lút ra sau lớp hoặc vào nhà vệ sinh để sử dụng.
Xoay quanh chủ đề cải thiện chất lượng dịch vụ y tế học đường, em N.M.Hùng trong vai trò điều phối viên giả định của Dự án dức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam, nhấn mạnh “Để phòng y tế học đường đáp ứng sự hài lòng của học sinh, cần đảm bảo các tiêu chí như đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, công khai thủ tục, bảo mật thông tin và có thái độ nhân viên thân thiện, chu đáo. Nhân viên y tế cần được đào tạo kỹ năng chuyên môn và giao tiếp với học sinh, cùng với việc thiết lập quy định làm việc rõ ràng.”
Phát biểu tại sự kiện, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo TS Nguyễn Nho Huy nhận định: “Chủ đề và nội dung mà các em tuyên truyền viên dự án Sức khỏe thanh thiếu niên nêu rất đúng và rất trúng. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ghi nhận và sẽ tổng hợp, xem xét tất cả các ý kiến đóng góp ngày hôm nay trong quá trình xây dựng chính sách liên quan. Đối với nội dung thuốc lá thế hệ mới, bên cạnh việc kiểm soát hoạt động nhập khẩu, mua bán, thì việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá với học sinh, cả trên phương diện sức khỏe và ý thức chấp hành pháp luật, là vô cùng quan trọng. Trong đó, Bộ Giáo dục và đào tạo lắng nghe chia sẻ của các em về mô hình truyền thông hiệu quả của dự án. Đây là điểm sáng cần nhân rộng không chỉ trong hệ thống 29 trường dự án mà trong toàn bộ hệ thống giáo dục toàn quốc. Đồng thời mong muốn của các em về một phòng y tế trường học thân thiện là một mong muốn chính đáng. Tới đây, Vụ Giáo dục thể chất sẽ tiếp tục phối hợp với Plan International Việt Nam và các đối tác để xây dựng hướng dẫn kỹ thuật này để thí điểm trong dự án và làm cơ sở nhân rộn trong toàn quốc.”
Sự kiện là lời khẳng định cam kết của tất cả các bên liên quan trong việc không ngừng nỗ lực để thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của trẻ em vào các vấn đề xã hội, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho các em phát triển kỹ năng, tự tin khẳng định bản thân để trở thành những nhân tố tích cực trên hành trình tạo nên sự thay đổi.