Cà phê phin

Trao cơ hội

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 06:46 - Chia sẻ
Tôi mong rằng những người làm công tác giáo dục hãy tiếp tục nhẫn nại hơn với sinh viên của chúng ta, các em đó có thể còn nghịch ngợm, còn láo lếu, thậm chí có thể hư hỏng, nhưng tất cả những gì các em ấy cần có đôi khi chỉ là sự chấp nhận để các em có cơ hội đi tiếp con đường mình đã chọn mà hoàn toàn đơn độc, thiếu vắng sự chỉ bảo của chúng ta...

Tuần vừa qua tôi có dịp tham gia phản biện đồ án tốt nghiệp Master ngành kiến trúc tại ĐH kiến trúc Dessau, nằm trong khu Bauhaus campus nổi tiếng của Đức. Mặc dù 3 học kỳ gần đây tôi thường tham gia hướng dẫn đồ án tốt nghiệp với vai trò người hướng dẫn thứ hai, nhưng đây là lần đầu tiên có dịp hướng dẫn tại một trường ở Đức. Việc có mặt tại Bauhaus campus lần này để lại cho tôi cảm giác đặc biệt hơn cả, nó có liên quan tới một kỉ niệm buồn (và cũng hơi buồn cười) nhưng chắc hẳn ta có thể học được từ nó ít nhiều. 

Chuyện này trên thực tế chẳng có liên quan gì đến đồ án của xưởng thiết kế này, mà là liên quan đến cá nhân tôi khi còn học ĐH ở  trong nước. Thời đó lớp tôi có một vài cô giáo hướng dẫn đồ án. Vì một lý do nào đó mà cho tới nay tôi không lý giải được, tôi không được lòng các cô giáo trong xưởng thiết kế lắm. Mặc dù phải nói trước rằng thái độ học tập môn đồ án chính khóa của tôi là rất nhẫn nại, nghiêm túc. Tất nhiên tuổi sinh viên, hiểu biết còn hạn chế nên có thể tôi đã từng mắc một sai lầm nào đó mà chính tôi cũng không biết được. 

Xưởng tôi có cô M, có một lần tôi được phân vào nhóm cô M. Mỗi lần trình bày bài, dù cho tôi có chuẩn bị kỹ lưỡng và cẩn thận đến thế nào, cô M cũng dành cho tôi những ánh nhìn rất mỉa mai hoặc những câu nhận xét không liên quan đến nội dung đồ án. Ban đầu tôi nghĩ có thể do mình hơi nhạy cảm, bởi vì thú thực là bây giờ khi hướng dẫn sinh viên làm tốt nghiệp ở nước ngoài, tôi cũng hay mỉa mai các em cho vui và để cho không khí bớt căng thẳng. Mặc dù vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cách cô M mỉa mai tôi là với cùng dụng ý đó. 

Điển hình là một lần nọ, cô M nói với tôi, nguyên văn như sau: "Cỡ như cậu thì tôi nghĩ cậu nên sang Bauhaus mà học, chứ ở đây ai mà hướng dẫn nổi?''. 

Tôi đã rất bất ngờ, khi về nhà, tôi tự vấn xem không biết mình đã từng làm gì để cô giáo phải nói thế. Hiển nhiên tôi là một sinh viên nghịch và không phải là loại con ngoan trò giỏi gì cho cam nhưng tôi chưa từng nghĩ rằng thái độ làm việc tại xưởng thiết kế của mình tệ đến mức để cô giáo phải từ chối hướng dẫn mình như vậy. 

Dù có vẻ ngoài láo lếu, gai góc nhưng trong lòng tôi là nỗi buồn vô hạn, tôi chợt thấy mình thật nhỏ nhoi; không chỉ đối với cô giáo tôi mà còn với cái trường Bauhaus gì đó tít trời Tây - mà có lẽ cả đời tôi cũng chẳng dám mơ được một lần đặt chân tới.   

Những ngày sau đó, tôi vẫn tiếp tục làm việc và tranh thủ xin ý kiến của một thầy giáo khác trong xưởng nhưng không dám thảo luận nhiều với cô M nữa. Cuối kỳ khi nộp đồ án, rất may, cô M vẫn chấm điểm khá cho tôi, dù hai cô trò không có điều kiện trao đổi thẳng thắn lắm. 

Kỷ niệm buồn ấy đã đeo đuổi tôi trong suốt quãng thời gian đi học và cả khi bắt đầu tham gia hướng dẫn giảng dạy sau này với sinh viên ở nước ngoài. Khi đến Đức, tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ đi tham quan Bauhaus campus ở Dessau - một campus nổi tiếng thế giới nhưng vừa rồi mới có dịp.

Xưởng thiết kế này là xưởng của giáo sư Vesta Nele, cũng là một nữ KTS có tiếng trong trường. Sau buổi trình bày đồ án và khi các thầy cô khác đã nhận xét xong là đến màn chấm điểm. Cô Nele gọi riêng tôi ra hành lang và đóng cửa lớp học lại để bảo đảm rằng những gì chúng tôi trao đổi riêng sẽ không đến tai sinh viên. 

Cuộc trao đổi diễn ra như sau, và để lại ấn tượng đặc biệt cho tôi. Cô hỏi ý kiến của tôi về sinh viên của tôi ra sao, tôi trình bày chủ yếu che đi các lỗi nhỏ và làm nổi bật các tìm kiếm thú vị của đề tài. Sau đó cô hỏi tôi rằng bây giờ tôi và cậu cùng chấm nhé, cái booklet này cậu định chấm bao nhiêu (là cuốn sách báo cáo đồ án mà sinh viên in ra nộp - bao gồm toàn bộ nội dung nghiên cứu suốt một năm). Tôi nói rằng đồ án này nên chấm điểm giỏi, vì đây là một đề tài rất khó và được thực hiện trong một điều kiện thông tin rất khan hiếm. Cô giáo đồng ý luôn. Tôi khấp khởi mừng thầm. 

Tiếp theo, chúng tôi thảo luận về phần trình bày vấn đề của sinh viên tại buổi bảo vệ. Để đỡ mang tiếng thiếu khách quan, ở phần này, tôi nghĩ có thể đưa ra nhận xét hà khắc một chút. Tôi đề xuất điểm ở mức trung bình khá với lý do sinh viên trình bày bị dài quá và chưa biết cách tóm lược vấn đề ở những thời điểm thích hợp, dẫn tới việc đồ án có vẻ bị dàn trải...

Đến đây cô Nele phản biện lại luôn, theo hướng ngoài mong đợi của tôi. Cô nói rằng sinh viên này, mặc dù như chúng ta đều biết, có phần trình bày hơi quá dài nhưng cậu là một sinh viên có ''study curve'' (biểu đồ tiến bộ trong học tập) tốt nhất trong cả khóa và cô ấy muốn điểm tổng của cậu phải nằm trong top 3 sinh viên giỏi nhất khóa này. Cậu sinh viên này quả thật hồi đầu chỉ đạt điểm mức tối thiểu nhưng cho đến nay đã đi được một chặng đường dài và dài hơn bất kỳ sinh viên nào trong xưởng, kể cả sinh viên xuất sắc nhất. 

Tôi rất bất ngờ khi cô ấy đưa ra nhận xét về study/learning curve, điều đôi khi không được chú trọng lắm đối với các thầy giáo. Cuối cùng chúng tôi chốt điểm của bài thuyết trình cao hẳn lên điểm khá, khi nhân hệ số và cộng lại, chắc chắn em sinh viên sẽ là một trong 3 sinh viên có điểm tốt nhất. Tôi rất phấn khởi. Cô giáo sau đó mở cửa vào lớp, công bố điểm cho sinh viên cùng những lời động viên mà cả đời này tôi chưa chắc đã nghĩ ra được. Cô hẹn em sinh viên sẽ tiếp tục thảo luận với em về bức thư giới thiệu mà cô sẽ viết cho em khi đi xin việc hoặc các đầu mối liên hệ mà cô có thể giúp để em tiếp tục theo đuổi con đường học thuật sau này. 

Điều đó khiến tôi nhớ lại kỉ niệm thời sinh viên của mình, khi cô M của tôi nói rằng tôi nên đến trường Bauhaus mà học, thì đúng là lúc ấy, tôi ước rằng tôi có được một giáo viên hướng dẫn như giáo sư Nele - một người mà tôi biết rằng sẽ làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy từng cá nhân sinh viên theo những cách rất tích cực, bất kể khởi đầu của các em ở trong xưởng có tệ đến như thế nào. 

Tôi mong rằng những người làm công tác giáo dục hãy tiếp tục nhẫn nại hơn với sinh viên của chúng ta, các em đó có thể còn nghịch ngợm, còn láo lếu, thậm chí có thể hư hỏng, nhưng tất cả những gì các em ấy cần có đôi khi chỉ là sự chấp nhận để các em có cơ hội đi tiếp con đường mình đã chọn mà hoàn toàn đơn độc, thiếu vắng sự chỉ bảo của chúng ta. Chúng ta có thể nặng lời, có thể vẫn buông ra những câu đe dọa, đay nghiến, có thể vẫn phải đánh trượt đồ án khi cần (vì đó là nghề của chúng ta) nhưng đừng bao giờ từ chối các em, nếu điều đó xảy ra, nó sẽ là một tổn thương lớn tới mức mà tôi khẳng định rằng sẽ không bao giờ có thể xóa đi được. 

Cá nhân tôi đã học được nhiều điều từ phiên làm việc này và chắc rằng nó sẽ giúp tôi dần hoàn thiện con người mình. Đến đây, có thể nói nó là một kỷ niệm đẹp trong đời.

KTS Lê Quang (từ Berlin)