Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (1989 - 2024) và 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024).
Cuộc thi được phát động từ ngày 8.6.2023 - 31.10.2024 nhằm phát hiện, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu là bộ đội đang công tác trong Quân đội; cựu chiến binh, cựu quân nhân có những cống hiến, đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Qua hai vòng chấm, Ban tổ chức đã lựa chọn 35 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, gồm: 1 giải Đặc biệt, 3 giải A, 8 giải B, 11 giải C và 12 giải Khuyến khích. Tổng giá trị giải thưởng là 820 triệu đồng.
Thông tin tại gặp gỡ báo chí sáng 2.12, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, Phó Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi, Đại tá Lê Ngọc Long cho biết, số lượng và chất lượng tác phẩm dự thi đều tăng so với các năm trước. Sau hơn 1 năm phát động, Ban tổ chức nhận được gần 1.000 tác phẩm dự thi ở thể loại phóng sự, bút ký, ký chân dung... Báo Quân đội nhân dân đã lựa chọn gần 400 tác phẩm tiêu biểu đăng tải trên các ấn phẩm: Quân đội nhân dân hằng ngày, Quân đội nhân dân Cuối tuần, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng và Báo Quân đội nhân dân Điện tử.
Cũng theo Đại tá Lê Ngọc Long, đây là năm đầu tiên cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” có giải đặc biệt. Cùng với tôn vinh các tác giả, tại lễ trao giải, Ban tổ chức còn tôn vinh các nhân vật trong các tác phẩm đoạt giải.
Đáng chú ý, trong số 35 nhân vật được tôn vinh lần này có 14 người là tướng lĩnh, trong đó có 6 vị tướng đang công tác, 8 vị tướng đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục có nhiều đóng góp cho xã hội. Nhiều nhân vật trong các bài viết, được tôn vinh là những người nổi tiếng như: Đại tướng Phạm Văn Trà; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước; Đại tá, nhà văn Chu Lai; Đại tá, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh…
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Đại tá, nhà văn Chu Lai khẳng định, hình tượng người lính không chỉ tỏa sáng trong thời chiến, mà càng tỏa sáng trong thời bình. Nhân vật người lính là một “siêu đề tài”, muôn thuở, bất tận, càng “đào” càng sâu, càng khai thác càng tỏa sáng. Lòng yêu nước không là độc quyền của riêng ai, mà của mọi thế hệ, tỏa sáng, kết thành “hạt kim cương” về lòng tự hào dân tộc, dựng nên “bức tường thành nhân văn”, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, để mọi thế hệ của dân tộc Việt Nam luôn sẵn sàng đứng lên cầm súng, trở thành người lính bảo vệ Tổ quốc, quê hương, bờ cõi.
Tham gia cuộc thi, tác giả Nguyễn Thị Bạch Dương cho biết, nhân vật trong tác phẩm "Như xương rồng trong nắng, gió Phan Rang" của chị là Đội trưởng Đội chống khủng bố thuộc Lữ đoàn Đặc công Nước 5, Binh chủng Đặc công. "10 ngày trực tiếp quan sát bộ đội huấn luyện, rèn thể lực, hành quân, dựng lán trại trong rừng, triển khai đội hình diễn tập, tôi cảm nhận được công việc của các anh thật sự khắc nghiệt, khó khăn và đầy gian khổ, hiểm nguy. Đây là tấm gương đặc biệt trong một lực lượng đặc biệt: giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có nhiều sáng kiến nhân văn, từng 2 lần hoãn cưới vì quá đam mê với công việc, lịch trình dày đặc, luyện tập khắt khe"...
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 15 sẽ diễn ra vào 20h ngày 6.12 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội. Dịp này, Ban tổ chức sẽ phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm ảnh chủ đề “Bác Hồ với Quân đội nhân dân - 80 năm vang mãi bản hùng ca” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Bằng những hình ảnh chân thực, triển lãm sẽ kể lại câu chuyện về tình cảm, sự quan tâm của Bác Hồ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Quân đội nhân dân Việt Nam; sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta gắn liền với sự phát triển của đất nước.