Tranh trừu tượng - bản hòa ca màu sắc

Trang Thanh Hiền 19/05/2014 08:41

Ngày nay tranh trừu tượng không còn xa lạ với số đông công chúng yêu nghệ thuật. Nhưng vào những năm đầu thế kỷ XX, chúng đã gây sốc cho cả những người sành sỏi nghệ thuật nhất, bởi sự mù mờ của các lớp ý nghĩa biểu thị.

Ngẫu nhiên phát hiện ra nghệ thuật trừu tượng vào năm 1911, lúc đó Wassily Kandinsky là thủ lĩnh nhóm Kỵ sỹ xanh ở Đức với nhiều nhân tố cách tân ảnh hưởng từ trường phái Dã thú trước đó. Trở về nhà, đột nhiên cảm thấy mình đứng trước một bức tranh đẹp khôn tả, chẳng có gì rõ ràng, tôi không tìm thấy hình thù gì xác định, chỉ những đốm màu nổi bật. Đến gần, hóa ra đó là một tác phẩm dở dang bị treo ngược trên giá vẽ. Lúc đó, tôi chợt nhận ra rằng sự mô tả thế giới khách quan có lẽ không còn cần thiết đối với hội họa nữa. Trừu tượng ra đời. Những tác phẩm với cái tên Bố cục được đánh số thứ tự theo tiến trình thực hành tác phẩm hầu như đã thay đổi toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của Kandinsky. Cho đến ngày nay, cách thức này đã trở thành lối đặt tên của rất nhiều nghệ sỹ đương đại.

Bố cục 7, sơn dầu, sáng tác năm 1913, hiện lưu tại Gallery Tretyakov, Nga
Bố cục 7, sơn dầu, sáng tác năm 1913, hiện lưu tại Gallery Tretyakov, Nga
Không còn liên hệ với hình ảnh thế giới bên ngoài, tác phẩm của Kandinsky sau đó chỉ còn là những bản hòa ca bằng sắc màu thuần túy. Chỉ đến lúc đó người ta mới nhận ra, màu sắc có giá trị tự thân, cũng như những nốt nhạc hay ca từ trong bài hát. Lý thuyết về màu sắc và sự kết nối trực tiếp với thế giới tinh thần được Kandinsky khám phá như một hệ quả tất yếu. Điều này đã được ông đề cập và đúc kết thành những công thức trong cuốn sách Tinh thần của nghệ thuật xuất bản ở Bauhaus năm 1912, trong đó ông đưa ra những ví von: sắc vàng như tiếng kèn trompet chói tai; sắc tím mang lại nỗi buồn thanh tao; xanh lam u uất; màu đỏ như giục giã… Sự kết hợp giữa đặc tính của màu với các dạng hình thể cũng tạo ra những cảm thức nhất định. Vuông - tĩnh, tròn - vận động, tam  giác - gai góc… Màu, hình hỗ trợ, tương tác lẫn nhau để tác động vào cảm xúc con người, khơi gợi nỗi buồn, niềm vui, ký ức mà không cần đến hình thể hiện thực. Với Kandinsky, bức tranh cũng giống như bản nhạc, mà thang âm chính là sự lưu đọng của cảm xúc. Con người chỉ có thể cảm chứ không thể rạch ròi cho ý nghĩa. Điều đó cũng khiến cho mỗi bức tranh trừu tượng, mỗi người xem tự tìm ra ý nghĩa cho riêng mình, không ai giống ai.

Bức Bố cục 7 - bản hòa ca của màu sắc và hình thể được Kandinsky hướng đến những bài dân ca Nga, những kinh nghiệm thần thoại về cái chết và sự tái sinh, hay Khải huyền trong Kinh thánh về ngày tận thế. Những màu sắc, hình thể như cuộn trào, dâng cao thành bão tố xoáy xiết vào từng vùng. Các nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, bức tranh này nằm trong loạt tranh của Kandinsky mang đầy dự cảm về Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, diễn ra ngay sau đó chừng 1 năm (1914).

Không chỉ biểu thị sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hình và màu, tiến trình trừu tượng hóa các tác phẩm của Kandinsky còn song song với quan điểm triết học về bản chất của nghệ thuật chịu ảnh hưởng của thuyết thần trí và chủ nghĩa thần bí rất thịnh hành thời bấy giờ. Ngày nay, lý thuyết về màu sắc, hình khối và sức biểu cảm do Kandinsky khởi đầu đã trở thành lý thuyết căn bản của giáo dục nghệ thuật thế giới. Trừu tượng - Kandinsky đã mở ra con đường mới mà hội họa trước đó chưa từng chạm đến.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tranh trừu tượng - bản hòa ca màu sắc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO