Tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy"

- Thứ Hai, 10/05/2021, 06:58 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến rất phức tạp và khó lường như hiện nay, việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 4 tháng ước đạt 32,07 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái là kết quả rất đáng ghi nhận. Vậy nhưng, thời gian tới, chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải sớm có giải pháp, tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sang quý II, mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta là trên 9,7 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, sản lượng các mặt hàng nông sản như lúa cần đạt khoảng 9,5 triệu tấn; sản lượng thịt lợn hơi cần đạt khoảng 865 triệu tấn; sản lượng thịt gia cầm khoảng 368 triệu tấn; tổng sản lượng thủy sản cần đạt 2,4 triệu tấn; sản lượng khai thác gỗ cần đạt khoảng 4,85 triệu mét khối. Trong điều kiện hiện nay, có thể về mặt sản lượng không có nhiều vấn đề phải quan ngại mà cái chính vẫn là thị trường.

Thực tế, không chỉ khi dịch Covid-19 bùng phát mà ngay cả trong điều kiện bình thường, những điểm yếu của thị trường nông sản nước ta đã bộc lộ rõ. Đó là những đợt giải cứu cả trên diện rộng và diện hẹp với nhiều loại nông sản. Điều đáng nói là những đợt giải cứu này hầu hết đều mang tính tự phát, từ đó đặt ra câu hỏi về vai trò của chính quyền địa phương, các ngành chức năng trong việc tổ chức sản xuất như thế nào để có thể giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người sản xuất.

Điểm yếu nữa khiến đầu ra cho nông sản chưa thực sự vững chắc là công nghệ sản xuất lạc hậu, manh mún; sản phẩm chế biến chủ yếu ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Đặc biệt, công tác nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường hạn chế dẫn đến việc người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời. Và cũng bởi thiếu hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo của các cơ quan chức năng nên người dân vẫn sản xuất hàng hóa kiểu tự phát hoặc theo phong trào chứ không có định hướng, chiến lược cụ thể.

Để giải quyết những bất cập này, có ý kiến cho rằng về lâu dài, đã đến lúc cần có hệ thống phân tích dự báo thị trường để bảo đảm cân đối cung cầu trong nước trước, ngoài nước sau ở mức an toàn nhất, từ đó đưa ra các quy hoạch về vùng nuôi, trồng và cần có chính sách để kiểm soát được tình hình sản xuất, tránh tình trạng thừa - thiếu. Ngoài ra, cần hướng tới hệ thống dự trữ an toàn bằng kho tàng hoặc các vùng sản xuất chuyên biệt tại các địa phương để nếu cần có thể sản xuất thêm hoặc giảm sản lượng. Bên cạnh đó, phải giải quyết được vấn đề tập trung đất đai để hình thành cánh đồng lớn, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp...

Về ngắn hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các đơn vị tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương, đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Theo dõi tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ.

Với thị trường quốc tế, Bộ yêu cầu các đơn vị chuẩn bị sớm để tổ chức hội thảo trao đổi các quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản liên quan đến Hiệp định EVFTA và UKVFTA; trao đổi thông tin và các quy định về thị trường xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam như Trung Quốc và một số thị trường trọng điểm.

Khánh Ninh