Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành và quy định của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản thì tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự là một trong những loại tài sản phải bán thông qua đấu giá. Tuy nhiên, cả Luật Đấu giá tài sản hiện hành và dự thảo Luật hiện nay lại chưa có quy định thủ tục riêng cho việc đấu giá tài sản thi hành án. Điều này có thể gây khó khăn cho việc đấu giá.
Từ thực tế đấu giá tài sản thời gian qua, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) chỉ ra thực tế, để đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá thì thời gian thường kéo dài từ lúc kê biên, thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá. Trường hợp bán đấu giá không thành thì giảm giá tài sản để tiếp tục bán. Mỗi hành vi, công việc nêu trên của chấp hành viên, của các tổ chức, cơ quan đều có thể bị chủ tài sản, người phải thi hành án khởi kiện, tố cáo và quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo mất rất nhiều thời gian.
Nhiều trường hợp người dân sợ rủi ro khi mua tài sản thi hành án nên việc bán đấu giá tài sản thi hành án thường tổ chức rất nhiều lần mà chưa có người mua. Trong khi đó, ngay cả khi bán đấu giá thành thì không ít trường hợp người phải thi hành án, chủ tài sản chống đối bằng nhiều hình thức, dẫn đến chậm bàn giao tài sản cho người mua. Điều này kéo theo quyền lợi của người được thi hành án, người trúng đấu giá bị ảnh hưởng, cơ quan thi hành án đối mặt với nguy cơ khiếu nại, tố cáo và bồi thường nhà nước. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị.
Bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc thời gian qua. Còn nhớ, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8 vừa qua về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng thẳng thắn thừa nhận một thực tế: Tình trạng trong thi hành án dân sự bán đấu giá xong rồi, có người mua đã khó, mà lúc bán rồi không giao được tài sản là một thực tế. Thống kê cho thấy, chỉ gần 10 tháng năm 2023 trong số gần 5.000 vụ thì bán đấu giá thành công gần 2.000 vụ, trong số gần 2.000 vụ này thì mới giao được hơn 1.300, còn hơn 600 vụ chưa giao được - Bộ trưởng Lê Thành Long chia sẻ.
Thực tế cũng cho thấy, trong đấu giá tài sản thi hành án có những vụ bán đấu giá đến 6 lần nhưng vẫn không có người mua. Có nhiều nguyên nhân dẫn tình trạng khó khăn khi thực hiện đấu giá đối với loại tài sản này, trong đó có tâm lý e ngại việc mua tài sản thi hành án sẽ không may mắn, là dễ bị rủi ro, ngoại trừ giá phải rất “hời” thì người mua mới sẵn sàng xuống tiền để mua tài sản thi hành án. Ngoài ra, còn vướng mắc do trình tự, thủ tục đấu giá hiện hành chưa có quy định đặc thù cho tài sản thi hành án dân sự. Không chỉ khó khăn khi đấu giá mà ngay cả khi đấu giá thành công rồi thì việc bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá cũng gặp không ít khó khăn.
Trong hoạt động thi hành án dân sự, giai đoạn bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng nhưng mang tính chất quyết định để tổ chức thi hành án dân sự. Tài sản thi hành án dân sự là một trong những loại tài sản được đưa ra bán đấu giá bắt buộc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho quá trình đấu giá, cũng như bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án, người mua tài sản trong những trường hợp này, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án trong dự thảo Luật, tránh tình trạng bán tài sản cũng khó, người mua cũng gặp rủi ro.