Tránh tình trạng “áng chừng lại… trúng”
Đây là yêu cầu được nhiều ĐBQH đưa ra tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) sáng qua. Theo các đại biểu, cốt lõi của việc sửa đổi Luật Thống kê lần này phải đạt cho được yêu cầu chất lượng và tính chính xác của số liệu trong hoạt động thống kê, hạn chế tình trạng chênh lệch con số giữa các bộ, ngành, địa phương, hoặc chạy theo thành tích, cốt có “con số đẹp” để báo cáo.
![]() | |
ĐBQH thảo luận tại Hội trường | Ảnh: Vũ Quang |
Không chạy theo thành tích
Có lẽ không phải chờ đến Kỳ họp thứ 9, khi QH cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật Thống kê (sửa đổi) thì những hạn chế như sự chênh lệch quá lớn về số liệu thống kê giữa Tổng cục Thống kê với bộ, ngành và giữa Trung ương với địa phương. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do luật hiện hành chưa quy định chặt chẽ về nội dung, phương pháp tính, nguồn số liệu của các chỉ tiêu thống kê. Thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, sản xuất, sử dụng thông tin thống kê. Cùng với đó là việc thực thi luật chưa nghiêm, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định cụ thể trách nhiệm về hệ thống thông tin thống kê nhà nước, hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Các quy định này sẽ bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động thống kê từ khâu thu thập các dữ liệu hành chính, tổng hợp, xử lý, công bố thông tin thống kê và thống nhất về khái niệm, nội dung, phương pháp tính. Dự thảo Luật cũng quy định rõ các nguyên tắc cơ bản về hoạt động thống kê tại Điều 5. Tuy vậy, theo ĐBQH Trương Văn Vở (Đồng Nai), để khắc phục được tình trạng làm đẹp con số, chạy theo thành tích mà nhiều ĐBQH đã phản ánh, thì ngoài các nguyên tắc cơ bản quy định tại Điều 5, Dự thảo Luật cần bổ sung một nguyên tắc quan trọng từ thực tiễn, đó là phải bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ. Đây sẽ là cơ sở để nhận diện đúng bản chất thực trạng kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như từng địa phương, từng lĩnh vực. Lý lẽ cho đề nghị này là bởi chất lượng số liệu thống kê vốn mang tính hệ thống, dây chuyền. Do vậy, dù chỉ một trong các khâu lệch chuẩn, kết quả số liệu cuối cùng chắc chắn không thể khẳng định là bảo đảm tính chính xác. Ngược lại, nếu các khâu ở đầu vào đúng, nhưng khâu cuối cùng lệch chuẩn thì số liệu sẽ bị lệch theo.
![]() | |
ĐBQH thảo luận tại Hội trường | Ảnh: Quang Khánh |
Thông tin thống kê sai, phải chịu trách nhiệm
Trên cơ sở tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các ĐBQH từ Kỳ họp trước, cơ quan soạn thảo đã rà soát và chốt danh mục chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ở con số 185 chỉ tiêu, chia thành 20 nhóm. Đồng tình với nội dung tiếp thu, chỉnh lý này, song nhiều đại biểu còn băn khoăn về sự cần thiết cũng như tính hình thức của một số chỉ tiêu như chỉ tiêu về hệ số ICOR, chỉ số lao động - việc làm... Đơn cử, với số liệu về lao động có việc làm trong nền kinh tế, đây có phải là số việc làm mới tạo ra trong một năm hay không? Sở dĩ nêu câu hỏi như vậy, theo ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) là bởi tính chất quan trọng của chỉ tiêu này, nó liên quan đến việc đánh giá được tổng đầu tư xã hội tạo ra bao nhiêu việc làm mới. Ví dụ, thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội có khá nhiều biến động, do ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nhưng gần như năm nào chỉ tiêu lao động - việc làm cũng khoảng 1,5 - 1,6 triệu. Đây có phải là số việc làm mới được tạo ra hằng năm không? Chưa có câu trả lời chính thức cho câu hỏi này, nhưng từ thực tế làm công tác phân tích mối quan hệ giữa việc làm mới và đầu tư, khi tính trên con số này bằng toán học, ĐB Trần Du Lịch nhận thấy nó không chính xác. Tuy nhiên, khi chuyển sang phương pháp AC, tức là áng chừng, thì lại trúng (?). Cho rằng, nếu đưa ra con số thống kê theo kiểu áng chừng là rất nguy hiểm, ĐBQH Bùi Quang Vinh (Lai Châu) cho rằng, khi đưa ra chỉ tiêu thì phải có khả năng thống kê, đo đếm được bằng phương pháp khoa học, chứ không phải cứ đưa ra xong lại ngồi phác thảo thì tệ hại hơn. Đã đưa ra chỉ tiêu là phải có người chịu trách nhiệm, phải giải trình được hệ thống đo đếm, kiểm soát từ cơ sở, để thành hệ thống chỉ tiêu của quốc gia.
Với hoạt động thống kê, có lẽ chưa cần đi sâu vào chuyên môn, bởi thực tế đã chỉ ra rằng, chất lượng số liệu giá trị tuyệt đối của số liệu thống kê phụ thuộc nhiều vào phương pháp tính và người tính. Nếu trong Dự thảo Luật lần này quy định thống nhất một phương pháp tính để áp dụng từ Trung ương xuống địa phương thì chắc chắn sẽ không xảy ra sai lệch. Dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc về tính chính xác của con số thống kê, nhưng để tránh những hiện tượng chạy theo thành tích, cần bổ sung hành vi bị cấm: cấm báo cáo và công bố, phổ biến thông tin thống kê sai sự thật, trái thẩm quyền - ĐBQH Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị. Khi rõ về thẩm quyền, xác định được trách nhiệm của các cấp, các ngành, ai cung cấp thông tin thống kê sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thì mới hạn chế, tiến tới xóa bỏ bệnh thành tích trong hoạt động thống kê. Bên cạnh đó, cần xóa bỏ tình trạng vì mục đích, quyền lợi nào đó như tranh thủ đầu tư hoặc tranh thủ các chương trình, dự án, chính sách mà đưa ra số liệu khác với thực tế để báo cáo, nhất là ở cấp tỉnh, cấp huyện.
ĐBQH BÙI QUANG VINH (Lai Châu): Bệnh thành tích nặng nề Tôi làm Chủ tịch (UBND tỉnh) bao nhiêu năm, Cục Thống kê của tỉnh lúc nào cũng cãi nhau với các huyện về năng suất lúa. Huyện nào cũng muốn năng suất của mình cao hơn, trong khi người gặt mẫu bảo chỉ được 48 tạ, nhưng huyện nào cũng cãi là 53 - 55 tạ. Mâu thuẫn nhau thường xuyên, cho nên bệnh thành tích hơi nặng nề. ĐBQH BÙI SỸ LỢI (Thanh Hóa): Số liệu không chính xác nhưng vẫn phải dùng Dự thảo Luật quy định rất cụ thể về thẩm định hệ thống thống kê của các bộ, ngành, tại các Điều 20, 26, 32, 36, 46, 48, 49, 53 và 54. Tuy nhiên, đối với số liệu thông tin thống kê do cơ quan thống kê Trung ương tiến hành điều tra công bố thì Dự thảo Luật không quy định cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm thẩm định và đánh giá chất lượng của cơ quan thống kê này. Như vậy, phải chăng số liệu thống kê của cơ quan thống kê Trung ương đã hoàn toàn chính xác không cần có đánh giá thẩm định? Hằng năm chúng ta vẫn nhận được rất nhiều số liệu thống kê quốc gia do Tổng cục Thống kê điều tra công bố, nhưng dư luận xã hội và người dân vẫn rất băn khoăn. Ví dụ chỉ tiêu về thất nghiệp và chỉ tiêu GDP hằng năm của quốc gia. Số liệu thống kê các doanh nghiệp hiện nay cũng có vấn đề. Đăng ký khoảng 600 nghìn doanh nghiệp, hoạt động là 525 nghìn doanh nghiệp, nhưng nộp thuế chỉ có 320 nghìn doanh nghiệp và đóng bảo hiểm xã hội chỉ khoảng 170 nghìn doanh nghiệp (?). Thực tế, đã có không ít trường hợp dù biết được số liệu thống kê chưa chính xác nhưng vẫn phải dùng, vì số liệu thống kê mới có tính pháp lý. |