Khách cần sản phẩm nghỉ dưỡng biển, khám phá văn hóa, ẩm thực
- Từ tháng 5 đến đầu tháng 9 hàng năm là mùa thấp điểm khách du lịch quốc tế. Theo ông, trong thời điểm này cần làm gì để tăng khách quốc tế đến Việt Nam?
- Theo kinh nghiệm nhiều năm đón khách quốc tế, mùa này chúng ta nên tranh thủ thị trường khách gần như Australia, New Zealand. Đây là những thị trường có khả năng chi trả khá tốt và gần đây chúng tôi nhận được phản hồi tích cực từ du khách các nước này sau khi đến Việt Nam. Với họ, Việt Nam có nhiều điểm du lịch văn hóa, lịch sử đặc trưng. Hiện là mùa đông của hai quốc gia này nên người dân muốn tìm điểm nắng ấm để nghỉ ngơi. Hơn nữa, các hãng hàng không lớn của Việt Nam đều bay tới Australia.
Đa dạng thị trường, tập trung thị trường nguồn, tạo cơ chế, chính sách... là những việc cần làm ngay để hướng tới xúc tiến, quảng bá. Ví dụ, sắp tới cần “mở” hơn chính sách thị thực, cụ thể với Australia, New Zealand, nên chăng miễn thị thực để thu hút 40 triệu dân của 2 quốc gia này.
- Sản phẩm du lịch cho đối tượng này nên xây dựng theo hướng nào, thưa ông?
- Khách Australia, New Zealand cần những sản phẩm nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, khám phá ẩm thực hấp dẫn… Như vậy doanh nghiệp và các địa phương cần nghiên cứu sản phẩm cho từng thị trường này, tức là có chiến lược và chiến thuật. Mỗi thị trường cần có cách tiếp cận khác nhau dựa trên nghiên cứu về nhu cầu, sở thích khách hàng.
Nhìn sang Thái Lan, chúng ta thấy họ có chiến lược rất dài hơi nhưng cũng có chiến thuật rất nhanh, với các chính sách mới, phù hợp và linh hoạt. Ví dụ, nhằm thúc đẩy du lịch, đặc biệt là thu hút thêm khách quốc tế, Thái Lan mở rộng danh sách các quốc gia miễn thị thực, từ 57 lên 93 quốc gia, đồng thời chấp thuận thời gian lưu trú dài hơn cho khách du lịch, sinh viên và người lao động ở xa. Hoặc xây dựng các hoạt động kinh tế đêm, hoạt động vui chơi giải trí, sáng tạo để thu hút du khách. Đây là những điểm chúng ta cần học tập để thích ứng nhanh và thay đổi để thu hút khách quốc tế.
Làm cho điểm đến đáng đến hơn
- Cụ thể thì ngành du lịch cần tập trung vào những ưu tiên nào để tăng lượng khách quốc tế?
- Tôi nghĩ sau dịch Covid-19, các nước nhanh chóng thay đổi chính sách kích cầu du lịch trong khi chúng ta quá chậm. Năm 2023, Chỉ số Phát triển du lịch (TTDI) của Việt Nam tụt 7 bậc so với năm trước, xếp sau Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan, cho thấy chúng ta có thể nỗ lực, song chưa đủ. Đáng chú ý, chúng ta tụt hạng ở mục phát triển bền vững và cơ sở hạ tầng trong khi muốn phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế thì hạ tầng phải đi trước, như cảng biển, kết nối giao thông… Vì vậy, đương nhiên chúng ta cần ưu tiên điểm này.
Ngoài ra, phát triển du lịch bền vững sẽ tạo việc làm tốt cho cư dân địa phương đồng thời làm cho điểm đến ngày càng đẹp hơn, đáng đến hơn. Tuy nhiên, hiện nay việc giữ gìn các điểm đến của chúng ta chưa tốt.
- Ông đang nhấn mạnh đến yếu tố quản lý điểm đến của địa phương?
- Du lịch của chúng ta đang có nhiều vấn đề. Vì không có chiến lược dài hạn dẫn đến việc chúng ta chắp vá chiến lược từ các địa phương. Bài toán chúng ta từng nói cách đây 30 năm thì nay vẫn nói như vậy, như chia sẻ của nguyên Cục trưởng Cục Hàng không, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh tại một diễn đàn mới đây; ông Thanh từng nghe câu du lịch và hàng không được ví như “đôi cánh” cùng góp phần phát triển kinh tế từ khi mới vào ngành hàng không, đến nay ông sắp nghỉ hưu mà không biết đôi cánh bay đến đâu!
Việc quản lý điểm đến của các địa phương vẫn rời rạc, thiếu vắng biện pháp thiết thực và nhất quán khi áp dụng du lịch bền vững. Hoặc có địa phương quá nhiều khách, dẫn đến rác thải nhiều, thiếu nguồn nước, khách chỉ có thể đến 1 lần và không quay lại. Hiện tại, các địa phương cũng thiếu cơ quan quản lý để điều tiết khách, phát triển các điểm đến xanh sạch đẹp, bền vững cho nhiều thế hệ mai sau… Đây là những điểm cần sớm khắc phục.
- Xin cảm ơn ông!