Tránh thất thu thuế
Kết quả tổng kết Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo cho thấy, doanh thu quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam 5 năm qua tăng gần 5 lần. Hoạt động quảng cáo trực tuyến chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí cho quảng cáo tại Việt Nam. Trong đó, Google, Facebook là 2 nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, Việt Nam lại không thể thu thuế các nguồn trên.
Theo số liệu thu thập từ thị trường quảng cáo cho thấy, năm 2019, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 830 triệu USD, trong đó quảng cáo trên Facebook khoảng 400 triệu USD, còn Google là 280 triệu USD. Trong khi đó, các doanh nghiệp/mạng quảng cáo trực tuyến trong nước như: VCCorp/Admicro, VNExpress/Eclick, 24H, Zing/Adtima... chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD. Như vậy, chỉ riêng Google và Facebook đã chiếm gần 82% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam trong năm 2019.
Điều đáng quan tâm là trong số gần 1 tỷ USD doanh thu quảng cáo từ 2 nền tảng nêu trên, chỉ khoảng 45% doanh thu quảng cáo trên Google, khoảng 30% trên Facebook là thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam (thường gọi là đại lý quảng cáo) và Nhà nước có thể thu được thuế (khoảng 5% thuế nhà thầu) đối với phần này. Còn lại, phần nhiều người quảng cáo sẽ ký hợp đồng trực tiếp với Google (55%) và Facebook (70%), với doanh thu khoảng 405 triệu USD. Theo tính toán, Nhà nước có thể bị thất thu thuế ít nhất khoảng 20 triệu USD (tương ứng 5% thuế nhà thầu).
Kể cả khi thông qua các đại lý quảng cáo thì vẫn tồn tại nhiều vi phạm về quảng cáo. Bởi, thực tế đại lý quảng cáo cũng không thể kiểm soát vị trí đặt/gắn sản phẩm quảng cáo, nên dẫn đến tình trạng phổ biến là nhiều thương hiệu nổi tiếng bị gắn vào các video có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam, thậm chí chống phá Đảng và Nhà nước trên Youtube.
Vấn đề đáng quan tâm hơn cả là các vi phạm quảng cáo trên mạng hiện nay chủ yếu từ các nền tảng của Facebook, Google, nhưng các công ty này lại không có trụ sở ở Việt Nam, vì lợi nhuận nên cho phép quảng cáo tràn lan các dịch vụ, sản phẩm bất hợp pháp, thậm chí vi phạm pháp luật nghiêm trọng như tiền giả, vũ khí, chất nổ, mại dâm, cờ bạc, buôn bán hàng giả, hàng cấm... Quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật cũng xuất hiện cả trên nhiều báo điện tử và trang tin điện tử tổng hợp, do các báo và các trang tin này hợp tác với các mạng lưới xuyên biên giới trên để bán vị trí hiển thị quảng cáo trên trang của mình, nhưng lại không sàng lọc tốt nội dung, để lọt nhiều quảng cáo vi phạm.
Theo phản ánh của các địa phương, bộ, ngành, một trong nguyên nhân là do Nghị định 181/2013/NĐ-CP chưa quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trong việc kiểm tra nội dung sản phẩm quảng cáo và vị trí đặt sản phẩm quảng cáo, trong khi đây lại là chủ thể quyết định việc đăng phát hay gỡ bỏ sản phẩm quảng cáo. Trong khi đó, việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo xuyên biên giới chưa rõ ràng, chồng chéo. Cụ thể, tại Điều 27, Nghị định 181/2013/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông được phân công quản lý quảng cáo trực tuyến, nhưng Điều 14, Nghị định 181/2013/NĐ-CP lại giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.