Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay thuộc lĩnh vực tư pháp cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ: việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Như vậy, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết lại một lần nữa được nhắc đến trong báo cáo của Chính phủ!
Còn nhớ, cách đây 1 năm, tình trạng ban hành chậm, nợ văn bản quy phạm pháp luật cũng đã từng “nóng” ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng thẳng thắn thừa nhận, việc nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết đã có từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Liên quan đến vấn đề này, trong Nghị quyết số: 853/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của UBTVQH Khóa XV đã nêu rõ: “kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành”. Đáng tiếc là, dù đã có nghị quyết của UBTVQH nhưng tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn vẫn tiếp tục tái diễn. Tính đến ngày 5.5.2024, đã ban hành được 37 văn bản với 17 nghị định, 20 thông tư. Tuy nhiên, vẫn còn 12 văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong 6 luật, nghị quyết của Quốc hội đã có hiệu lực chưa được ban hành. Điều đó cho thấy, kết quả thực hiện Nghị quyết của UBTVQH vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn không chỉ thể hiện việc chưa tuân thủ nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mà vô hình trung còn tạo khoảng trống pháp luật. Điều này gây khó khăn cho cơ quan thực thi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Thực tế cho thấy, trong quá trình xây dựng dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, nếu cơ quan soạn thảo quy định cụ thể các nội dung trong các dự thảo văn bản thì luật, pháp lệnh, nghị quyết sau khi ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ giảm được số lượng văn bản quy định chi tiết phải ban hành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng số lượng nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng quy định chi tiết trong các dự thảo luật trình Quốc hội rất nhiều.
Một tồn tại khác cũng đã được nhắc đến nhiều thời gian qua, đó là theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết phải có đủ các dự thảo văn bản quy định chi tiết để ngay khi luật, pháp lệnh, nghị quyết có hiệu lực thì các văn bản hướng dẫn đều có thể được hoàn thiện để trình ký ban hành. Có như vậy mới tránh tạo ra “độ trễ” trong chuẩn bị, ban hành văn bản quy định chi tiết. Tiếc rằng, luật quy định là vậy nhưng thực tế cho thấy nhiều hồ sơ dự án luật trình Quốc hội còn thiếu dự thảo văn bản quy định chi tiết, hoặc văn bản quy định chi tiết chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Thậm chí có tình trạng dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm theo dường như cho đủ thủ tục.
Để khắc phục “độ trễ” của các văn bản quy định chi tiết cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan liên quan; trong đó, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội kịp thời giám sát việc triển khai thi hành đối với các luật, pháp lệnh, nghị quyết ngay sau khi được Quốc hội ban hành, nhất là đối với việc ban hành các văn bản quy định chi tiết để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ nâng cao chất lượng soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đặc biệt cần chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các sai phạm trong công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan để xảy ra trình trạng ban hành chậm, nợ văn bản hướng dẫn.
Cử tri, Nhân dân mong rằng, các giải pháp hữu hiệu sẽ được đưa ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này của UBTVQH, qua đó sẽ khắc phục được triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng để không tạo ra “khoảng trống” pháp luật trong thời gian tới.