Rút ngắn quy trình thủ tục, sớm đưa dự án vào triển khai
Nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C từ HĐND các cấp cho UBND các cấp, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng: các dự án nhóm B, nhóm C đã nằm trong danh mục các dự án đầu tư công trung hạn hoặc hàng năm đã được HĐND thông qua, việc HĐND tiếp tục thông qua chủ trương đầu tư đối với từng dự án chỉ là vấn đề thủ tục.
Do đó, việc phân cấp này sẽ tháo gỡ về mặt trình tự, thủ tục nhằm đẩy nhanh quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư, giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, sớm đưa dự án vào triển khai. Đặc biệt, khi phân cấp quyết định chủ trương dự án từ HĐND cho UBND là tạo điều kiện cho UBND chủ động trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện…
Ví dụ, trong điều chỉnh chủ trương đầu tư, phù hợp với điều kiện thực tế và quan điểm “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền” với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
“Trong trường hợp này, HĐND cần tăng cường công tác giám sát theo quy định của pháp luật đối với các dự án này là phù hợp”, đại biểu Trần Nhật Minh nêu rõ.
Nhất trí với việc HĐND có thể họp các phiên chuyên đề để quyết định chủ trương đầu tư, song đại biểu Trần Nhật Minh nêu thực tế: Đối với một địa phương như Nghệ An (diện tích lớn nhất nước, huyện xa nhất cách trung tâm thành phố hơn 300km với điều kiện giao thông khó khăn), thì việc triệu tập đại biểu HĐND họp chuyên đề để quyết định chủ trương đầu tư đối với một dự án là hết sức khó khăn, tốn kém...; còn nếu chờ tổng hợp nhiều nội dung để tổ chức kỳ họp chuyên đề sẽ mất thêm thời gian chuẩn bị, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Cũng theo đại biểu, việc quy định HĐND giao quyền cho UBND về bản chất không khác nhiều với việc giao thẩm quyền. Nếu thẩm quyền được quy định trong luật thì bảo đảm tính chủ động, chịu trách nhiệm toàn diện cao hơn cho UBND.
Hơn nữa, quy định này không bảo đảm tính thống nhất trong cả nước… “Tôi cho rằng quy định này là rất cần thiết, nhất là khi chúng ta đang chuyển đổi tư duy, phương thức quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, từ “quản lý” sang “quản lý kiến tạo phát triển”, đại biểu nhấn mạnh.
Tạo cơ sở phê duyệt, bảo đảm tính sẵn sàng của dự án
Cũng theo đại biểu Trần Nhật Minh, Luật Đầu tư công năm 2019 quy định hạn mức chuyển tiếp cho những dự án thực hiện sang giai đoạn sau là 20% là căn cứ pháp lý để quyết định chủ trương đầu tư các dự án chuyển tiếp qua 2 kế hoạch trung hạn, tạo điều kiện để sớm bố trí vốn cho các dự án ngay trong giai đoạn này…
Tuy nhiên, thực tế triển khai thời gian qua ở một số địa phương cho thấy: hạn mức 20% là không đủ để quyết định chủ trương đầu tư các dự án quy mô lớn, có phần chuyển tiếp sang giai đoạn sau lớn nhưng cần bố trí vốn ngay trong giai đoạn này.
Hiện nay, một số ý kiến cũng cho rằng, nên bỏ hạn mức 20%, tức là mở ra để địa phương phê duyệt dự án theo nhu cầu.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Nhật Minh, quy định của pháp luật phải vừa kiến tạo cho phát triển nhưng cũng phải vừa bảo đảm yêu cầu về quản lý, tránh “nới lỏng” quá mức dẫn đến tuỳ tiện, tràn lan, không bảo đảm nguồn lực.
Do đó, đại biểu ủng hộ đề xuất này của Chính phủ là nâng hạn mức chuyển tiếp cho các dự án thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp từ 20% lên 50% kế hoạch đầu tư công trung hạn (khoản 3 Điều 98)…
“Như vậy, một mặt vẫn giữ nguyên hạn mức 20% để bảo đảm khả năng cân đối, không dùng hết vốn của giai đoạn sau, nhưng mặt khác cũng cho phép linh động lên đến 50% trong những trường hợp thực sự cần thiết, có sự cho phép của cấp có thẩm quyền, tạo cơ sở để phê duyệt, bảo đảm tính sẵn sàng của các dự án”, đại biểu Trần Nhật Minh nói.
Dẫn các quy định tại khoản 24 Điều 4; khoản 6 Điều 17; các điểm b khoản 4, điểm b khoản 5 Điều 55, điểm đ khoản 1 Điều 73; khoản 16 Điều 109…, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, quy định nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) như vậy sẽ có một số bất cập.
Ví dụ như: Ưu tiên bố trí nợ đọng phát sinh trước ngày 1.1.2015 nhưng khái niệm nợ đọng XDCB chỉ quy định đối với các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn, mà thực tế thời điểm trước 2015 chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn (kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn đầu tiên là 2016-2020); gây nợ đọng XDCB là hành vi bị nghiêm cấm nhưng được ưu tiên bố trí vốn trong giai đoạn trung hạn; dự án thực hiện qua 2 kỳ trung hạn có thể triển khai xây dựng để giá trị khối lượng thực hiện nghiệm thu vượt kế hoạch trung hạn giai đoạn trước được giao…
Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thống nhất các quy định về nợ đọng XDCB và bố trí trả nợ.