Tranh màu nước Việt Nam - Malaysia - Thái Lan

Lê Thủy 03/04/2015 08:25

Lần đầu tiên các họa sĩ Việt Nam, Malaysia và Thái Lan tổ chức triển lãm chuyên đề về tranh màu nước, nhằm khuyến khích các họa sĩ dùng nguyên liệu thuốc nước thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn, thay vì chỉ để phác thảo tranh hoặc dùng trong thiết kế.

Vịnh Hạ Long - tranh màu nước của Direk Kingnok (Thái Lan)
Vịnh Hạ Long - tranh màu nước của Direk Kingnok (Thái Lan)
Từ lâu đời, người phương Đông đã dùng các loại màu nước tự nhiên để vẽ tranh. Người Việt Nam dùng các màu có nguồn gốc cây cỏ và đá như vàng từ hoa hòe, đen từ than lá tre, xanh từ cây chạm và son từ đá đỏ… Những loại màu đó đều có chất kết dính tự nhiên, có thể vẽ trên giấy và lụa. Tuy nhiên, khi người phương Tây sang, đem theo loại thuốc nước được chế sẵn, gọi là water colour, các họa sĩ hiện đại không cần tìm kiếm màu tự nhiên nữa, dù màu thuốc nước công nghiệp khác so với màu thuốc nước tự nhiên. Ở Việt Nam sau năm 1960 cho đến nay, các họa sĩ dùng phổ biến màu thuốc nước của Nga, mang nhãn hiệu Leningrat. Theo họa sĩ Phan Cẩm Thượng, thời chiến tranh, họa sĩ Việt Nam dùng thuốc nước vẽ tranh ký họa và trực họa tại thực tế rất phổ biến. Nhiều họa sĩ vẽ hoàn chỉnh ngay tại nơi vẽ, vượt lên ý nghĩa của một ghi chép thông thường. Sau năm 1975 và 1980, các họa sĩ có điều kiện hơn trong sáng tác và không còn yêu cầu đi vẽ thực tế chiến đấu, sản xuất, nên tranh ký họa thuốc nước giảm hẳn, ít họa sĩ dùng chất liệu này thường xuyên, trừ một số họa sĩ đồ họa dùng màu nước để thiết kế. Tuy nhiên, cũng có nhiều người dùng theo lối kết hợp: vẽ mực Nho, màu nước, phấn màu, bút chì, màu tự nhiên, bột màu… cùng lúc tùy theo yêu cầu bức họa, hình thành thứ tranh giấy đa phương tiện.

Triển lãm Giao lưu tranh màu nước Việt Nam - Malaysia - Thái Lan tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra đến ngày 7.4, trưng bày 47 tác phẩm của 22 họa sĩ, trong đó có 21 tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam. Đây là chuyên đề về tranh màu nước đầu tiên của họa sĩ Việt Nam, Malaysia và Thái Lan. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng nhận định: xem tranh của các họa sĩ Malaysia và Thái Lan, có thể thấy hội họa hiện thực được tôn trọng và làm cơ sở cho việc vẽ tranh thuốc nước. Với những cảnh lớn, rộng và có nhiều hoạt động tốc độ, họa sĩ có thể chụp ảnh và vẽ theo ảnh theo cảm quan riêng. Đó cũng là một cách mới. Họa sĩ Việt Nam vẫn thích vẽ tùy hứng theo suy nghĩ và tưởng tưởng hơn là vẽ thực tế nên có sự khác biệt rõ nét về kỹ thuật vẽ thuốc nước. Còn theo họa sĩ Phạm Huy Thông: “Triển lãm cho thấy sự đa dạng của tranh màu nước. Các nghệ sĩ với kỹ thuật, quan điểm và phong cách sáng tác khác nhau, mang đến cho người xem cái nhìn rộng hơn về thể loại tranh này. Nếu so sánh, có thể thấy họa sĩ Malaysia, Thái Lan có kỹ thuật vẽ tranh điêu luyện. Trong khi đó, họa sĩ Việt Nam ít dùng màu nước như chất liệu chính. Chính vì vậy, các họa sĩ Việt Nam học hỏi được rất nhiều từ triển lãm này, đặc biệt là cách xử lý màu nước”.

Triển lãm chuyên đề về tranh màu nước xuất phát từ ý tưởng của các họa sĩ Malaysia. Họa sĩ Chow Chin Chuan cho biết: nhóm họa sĩ 3 quốc gia tham gia triển lãm này từ lâu đã là những người bạn, sau các workshop, trại sáng tác được tổ chức tại Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Trước đây, nhóm từng có triển lãm chung, nhưng là tổng hợp tranh trên các chất liệu. Khoảng 1 năm nay, các thành viên trong nhóm đã chuẩn bị cho triển lãm tranh màu nước, một chất liệu rất thông dụng trong khu vực hiện nay. Sau triển lãm tại Hà Nội, tháng 9 tới, nhóm sẽ mở trưng bày tương tự tại Malaysia. Hoạt động này nhằm khuyến khích các họa sĩ dùng nguyên liệu thuốc nước thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn, thay vì chỉ dùng để phác thảo tranh hoặc dùng trong thiết kế, bởi hiện nay trên thế giới, bản thân tranh thuốc nước cũng có giá trị như những tác phẩm hội họa riêng biệt.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tranh màu nước Việt Nam - Malaysia - Thái Lan
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO