Tranh luận và thuyết phục

30/06/2007 00:00

Ở nhiều nước trên thế giới, sự vận hành trong Nghị viện thể hiện sự tương tác của các nhóm lợi ích khác nhau ngoài xã hội. Ở nước ta, mặc dù trong cơ chế một đảng lãnh đạo, sự tương tác giữa các đại biểu, giữa nhóm đại biểu này với nhóm đại biểu khác trong Quốc hội không đến mức kịch liệt, loại trừ, nhưng đã là ĐBQH thì không thể nói rằng mình cùng lúc đại diện cho toàn bộ các nhóm lợi ích xã hội được, lại càng không thể nói mình đứng ngoài hệ thống lợi ích đó.

      Nếu một đại biểu nói rằng tôi đại diện cho toàn dân, nghĩa là đại diện cho toàn bộ cơ cấu lợi ích của xã hội, thì có nghĩa là người đó không đại diện cho ai cả. Đơn giản là vì xã hội luôn tồn tại các nhóm lợi ích khác nhau. Đại biểu chỉ có thể đại diện cho một vài nhóm lợi ích, đến nghị trường để “mặc cả” với những đại biểu thuộc các nhóm lợi ích khác để từ đó “đẻ” ra các chính sách và pháp luật. Đây là đặc điểm cơ bản nhất của hoạt động nghị trường.
      Quốc hội quyết định các vấn đề theo nguyên tắc đa số. Nếu quan điểm của một đại biểu không được phần lớn các đại biểu khác ủng hộ thì có nghĩa là đại biểu đó thất bại. Khi một đại biểu đưa ra quan điểm của mình mà không nhận được sự ủng hộ từ các đại biểu khác trong Quốc hội thì đại biểu đó cũng "mất điểm" (mất phiếu) từ cử tri. Vì vậy, mục tiêu của một đại biểu chính là việc thuyết phục người khác nghe theo mình. Sự thành công thể hiện ở chỗ một đại biểu sẽ thuyết phục được bao nhiêu người tán đồng với quan điểm của mình. Muốn có được sự tán đồng của những người khác, thì phải có kỹ năng tranh luận và thuyết phục. Khi đưa một vấn đề ra Quốc hội thì quan điểm đó luôn đứng trước nguy cơ bị phản bác. Trong tình thế đó, người đại biểu đưa ra quan điểm đó phải tranh luận với các quan điểm đối lập, thuyết phục các nhóm đại biểu còn trung dung để họ chấp nhận quan điểm của mình. Tranh luận tốt thì bảo vệ được quan điểm của mình, bẻ gãy được quan điểm đối lập. Tranh luận tốt thì thuyết phục, lôi kéo được những người còn phân vân "đứng giữa ngã ba đường" tán thành với quan điểm của mình. Để tranh luận và thuyết phục được người khác, bản thân các ĐBQH phải là những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực mình đưa ra quan điểm. Nhưng chỉ là chuyên gia giỏi thì chưa đủ, cái mà cần hơn là khả năng diễn thuyết, hùng biện trước Quốc hội.
      Nhìn vào thực tế hoạt động Quốc hội nước ta những khóa gần đây, thẳng thắn mà nói thì không nhiều đại biểu có khả năng hùng biện giỏi. Quốc hội có gần năm trăm đại biểu, nhưng cứ nhìn trên truyền hình, thông qua các phiên thảo luận và chất vấn, thì số đại biểu thường xuyên xuất hiện và diễn thuyết một cách thuyết phục, chỉ là hàng chục. Còn phải kể đến một tình trạng là trong những đại biểu hay nói thì không phải ai cũng nói được thuyết phục. Có người rất nhiệt tình, có khẩu khí, nhưng khi đứng lên nêu vấn đề chỉ toàn nói theo báo đài, nói theo những thông tin nhận được từ điện thoại của cử tri. Báo đài, mối liên lạc với cử tri là những kênh thông tin rất quan trọng nhưng không phải là tuyệt đối tin cẩn. Đại biểu có thể nắm bắt những thông tin qua báo đài, cử tri để nêu vấn đề trước Quốc hội, nhưng phải có trách nhiệm thẩm định thông tin. Thông tin chỉ thực sự thuyết phục người khác khi đại biểu có đủ bằng chứng để chứng minh. Vì đại biểu ít thông tin và thông tin thiếu sự thẩm định nên có những phiên chất vấn và trả lời chất vấn mang nặng tính hỏi - đáp. Có những đại biểu khi đưa một vấn đề ra trước Quốc hội, khi được hỏi thì trả lời rằng “báo viết thế” hay “cử tri gọi điện cho tôi nói thế”, rất thiếu thuyết phục. Cũng thiếu thuyết phục không kém là những đại biểu yếu kỹ năng hùng biện. Có nhiều đại biểu rất am hiểu vấn đề, thậm chí là có học hàm học vị cao, cũng muốn đóng góp trí tuệ của mình cho Quốc hội bằng việc tranh luận trước hội trường, nhưng khả năng diễn đạt được đám đông của họ lại yếu. Thực tế, có không ít đại biểu đã nhờ đại biểu khác phát biểu hộ. Tất nhiên, thiếu thuyết phục hơn cả là những người biết mà không nói, họ ngồi cả nhiệm kỳ mà vẫn im như thóc, số này không phải là không có.
      Một Quốc hội vận hành hiệu năng thì mỗi một ĐBQH đều phải làm việc, đều phải tham gia vào quá trình tương tác. Nếu chỉ có một số đại biểu thường xuyên tham gia thảo luận, chất vấn thì hoạt động của Quốc hội cũng sẽ kém sôi động và sẽ đơn điệu. Tính đại diện của từng đại biểu trong Quốc hội không cao thì tính đại diện của tập thể Quốc hội cũng không cao. Tất nhiên, tranh luận là kỹ năng và ĐBQH chỉ có thể có được kỹ năng đó thông qua rèn luyện. Ngay đến cả những nước có tính chuyên nghiệp hóa cao trong hoạt động nghị viện và các nghị sỹ của họ cũng là nghị sỹ chuyên nghiệp, họ cũng vẫn tích cực tham gia các lớp học về hùng biện, diễn thuyết trước đám đông và quan hệ công chúng.

Trùng Dương

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tranh luận và thuyết phục
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO