Tranh luận để tìm chân lý

- Thứ Năm, 21/01/2021, 08:25 - Chia sẻ

TS. Bùi Ngọc Thanh

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Những năm gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã có bước chuyển mạnh từ thảo luận, quán triệt, sang Quốc hội tranh luận để tìm ra chân lý. Nghiên cứu lịch sử Quốc hội từ Khóa I năm 1946 cho đến nay, tôi nhớ đến một câu kinh điển mà V.I. Lenin đã đúc kết: Mọi sự vật, sự việc, con người đều mang đầy dấu ấn qua thời gian: dấu tích của quá khứ, cơ sở của hiện tại và mầm chồi của tương lai.

Đấu tranh để bảo vệ bản Hiến pháp đầu tiên

Năm 1946, Quốc hội Khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng ta biết rằng, cấu trúc, thành phần đại biểu Quốc hội Khóa I rất phức tạp. Ngoài đại biểu Quốc hội là đảng viên Đảng Cộng sản còn có thành viên của các đảng, các phe nhóm khác, cho nên việc tranh luận trên nghị trường tại Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội Khóa I diễn ra rất gay gắt, phải nói là đấu tranh để bảo vệ được Hiến pháp.

Ngày 2.11.1946, khi phiên bản thứ 3 của dự thảo Hiến pháp được công bố, một số đại biểu là thành viên của Việt Quốc, Việt Cách nói rằng, ở Việt Nam không thể chấp nhận được Quốc hội một viện, vì dân chúng Việt Nam chưa được học chính trị nhiều nên Quốc hội một viện là không phù hợp. Một đại biểu khác của Việt Quốc nói: Phải là Quốc hội hai viện vì Quốc hội một viện chính là độc tài của đa số.

Ngay sau đó, một loạt đại biểu Quốc hội đã đứng lên phát biểu, tranh luận lại. Như đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Dục chỉ rõ: Quốc hội Việt Nam trong Hiến pháp đã thể hiện rất rõ, rất đầy đủ tính tự do dân chủ, đã phản ánh được thời cuộc, cuộc sống của Nhân dân, đã nói lên được nguyện vọng của Nhân dân. Đại biểu Quốc hội Khuất Duy Tiến khẳng định: Hiến pháp của nước Việt Nam là bản Hiến pháp cấp tiến, chế độ chính trị của Việt Nam tập quyền nhưng có phân công rành mạch và thuận lợi để điều hành đất nước trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng lúc đó.

Một đại biểu của Việt Cách lại phản bác: Nhìn lại trong một năm cầm quyền của Chính phủ cho thấy Chính phủ lâm thời chưa cho người dân được hưởng quyền tự do như dự thảo Hiến pháp. Ngay lập tức, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Đồng chỉ rõ: Chỉ trích này là không đúng. Trong một năm vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã hết sức cố gắng, đấu tranh quyết liệt để bảo vệ nền độc lập “trứng nước” của nước Việt Nam mới.

Cuộc tranh luận sôi nổi đó đã khiến các đại biểu Quốc hội bừng bừng khí thế, tất cả đứng lên hướng về lá Quốc kỳ và hát 2 lần bài "Tiến quân ca". Sáng 9.11.1946, Quốc hội thông qua Hiến pháp với sự tán thành của 240 trên tổng số 242 đại biểu Quốc hội có mặt. Cả Quốc hội đã nhiệt liệt ủng hộ và tán thành Hiến pháp năm 1946.

Nhìn lại cuộc tranh luận trên đây của Quốc hội năm 1946 và tranh luận trên diễn đàn của Quốc hội những khóa gần đây thì có điểm chung là sự thẳng thắn, sôi nổi, nói như ngôn ngữ bây giờ là làm nghị trường “nóng” lên. Nhưng điểm khác, như đã nói ở trên là cấu trúc đại biểu Quốc hội Khóa I rất phức tạp, còn đại biểu Quốc hội hiện nay là thống nhất, đoàn kết, tất cả chung một ý chí vì đất nước, vì Nhân dân, nên tranh luận của Quốc hội ngày nay là tranh luận để tìm đến sự chuẩn xác, tìm ra chân lý, phương án tuyệt vời nhất, tốt nhất cho mỗi vấn đề.

Người làm luật phải xếp vào diện “lao động nặng nhọc”

Trong công tác lập pháp của Quốc hội, tôi có ấn tượng sâu sắc về thời kỳ đổi mới, khi Quốc hội xây dựng hệ thống luật về kinh tế.

Chúng ta biết rằng, đổi mới kinh tế mà đổi mới từ một nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy sang một nền kinh tế sản xuất có nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường và có sự quản lý, điều tiết vĩ mô của Nhà nước, sau đó nói ngắn gọn là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có thể nói, hệ thống pháp luật về kinh tế sau năm 1986 phải làm lại hoàn toàn. Có những luật trước đây chúng ta chưa bao giờ đụng chạm đến thì bây giờ phải làm. Trong khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng phải bắt tay vào làm và phải làm nhanh. 

Như Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư, trước đây với nền kinh tế kế hoạch hóa thì chúng ta nhận viện trợ của nước ngoài cộng với vốn liếng có bao nhiêu thì đưa vào kế hoạch và làm theo kế hoạch. Bây giờ hòa nhập khu vực, hội nhập quốc tế thì thu hút đầu tư là việc tối quan trọng để phát triển đất nước. Do đó, chúng ta phải làm luật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài. Luật phải đủ mạnh để thu hút được nguồn vốn lâu dài, khối lượng lớn phục vụ cho phát triển kinh tế trong nước.

Hay với Luật Cạnh tranh, đối với nền kinh tế kế hoạch hóa thì không có chuyện cạnh tranh, chỉ có thi đua sản xuất. Bây giờ cạnh tranh thì như thế nào? Và phải là cạnh tranh lành mạnh chứ không phải cạnh tranh để triệt tiêu nhau. Những vấn đề như vậy, dù chưa có kinh nghiệm nhưng bằng trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, trước yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong tiến trình đổi mới, phát triển, Quốc hội đã bàn thảo kỹ lưỡng và thông qua được các đạo luật mang tính chất nền tảng.

Cho đến nay, hệ thống pháp luật của nước ta đã phủ khắp các lĩnh vực của đời sống và ngày càng hoàn thiện, phù hợp với các chuẩn mực của luật pháp quốc tế nhưng công tác xây dựng luật vẫn luôn là công việc nặng nhọc. Tôi cho rằng, những người làm luật phải được xếp vào diện “lao động nặng nhọc”. Nặng nhọc là bởi công tác xây dựng luật hao tổn về trí tuệ, công sức, phải dày công nghiên cứu mà phải hoàn thành trong khoảng thời gian rất ngắn, lại có phạm vi tác động và điều chỉnh rộng trong xã hội.

Nguyễn Bình lược ghi