Tránh lối mòn

Hồng Hà 14/10/2017 08:08

Nhiếp ảnh nghệ thuật đang trải qua giai đoạn khó khăn và đầy thách thức trước sự phát triển hàng ngày của công nghệ số. Điều này càng đòi hỏi nhiều hơn đối với mỗi nhiếp ảnh gia trẻ, nếu quá trình sáng tạo nghệ thuật của họ chỉ dừng ở đam mê.

Tự bứt phá

“Tuổi trẻ là lúc chúng ta cần vươn lên, đặt nền móng cho sự sáng tạo, tươi mới chứ không thể cứ mãi chạy theo những mô tuýp đã cũ. Để có được một bức ảnh đẹp vô cùng khó khăn, cả về trang thiết bị như ống kính, máy ảnh cũng như khả năng của người chụp. Với đòi hỏi ngày càng khắt khe của nghệ thuật trong xã hội hiện nay, để có được thành công, mỗi nhiếp ảnh gia trẻ có khi sẽ phải đánh đổi cả tuổi trẻ của mình để đi, trải nghiệm và sáng tạo, từ đó mới cho ra đời được những tác phẩm đẹp, ý nghĩa”.

Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt, Huy chương Vàng Cuộc thi ảnh Nghệ thuật Quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam năm 2017

Festival Nhiếp ảnh trẻ 2017 hội tụ hàng trăm tác giả đến từ 62 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cuộc thi đã tạo cơ hội cho các nhà nhiếp ảnh thể hiện sự sáng tạo trong kỹ thuật, tư duy, bên cạnh những hạn chế từ rất nhiều cuộc thi trước đó, như chưa bứt phá, lạm dụng photoshop trong khâu xử lý hậu kỳ. Từng làm giám khảo nhiều cuộc thi ảnh, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Festival Nhiếp ảnh trẻ 2017, cho biết: “Không chỉ riêng cuộc thi này, thật đáng buồn là chủ đề cũ trong nhiều cuộc thi được các tác giả sử dụng lặp đi lặp lại, vô tình gây ra sự nhàm chán, khiên cưỡng. Vẫn dòng sông, bến nước, con thuyền, rồi ruộng bậc thang… Đất nước chúng ta đâu chỉ có như thế? Còn nhiều điều có thể khai thác chứ, ví như những lễ hội, công trình hay nét đẹp của con người mới trong xã hội hiện nay, sao ta không khai thác mà cứ quanh những lối mòn cũ?”.

Từ thực tế sáng tác, nhà nhiếp ảnh trẻ Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng) cho rằng có nhiều trở ngại trong việc tìm kiếm chủ đề mới. Chẳng hạn như các công trình xây dựng tuy dễ tiếp cận nhưng rất khó để sáng tác những bức ảnh đẹp, lạ. Tất nhiên, người trẻ phải học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật của thế hệ trước nhưng không thể làm theo, mà chỉ nắm những điều cơ bản. “Thông qua quá trình sáng tác, tôi phải tự tìm tòi những chủ để mới, lạ để chụp, thành ra lại càng khó hơn để có được một bức ảnh đạt đủ yêu cầu của xã hội đương đại”.

Đa số nhiếp ảnh gia trẻ hiện nay cho rằng, họ cần thời gian dài tự thân tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu và tích lũy kiến thức về nhiếp ảnh. “Bản thân tôi không qua bất kỳ trường lớp chính thống nào, mọi kiến thức có được về nhiếp ảnh đều là tự học, tự tìm hiểu và trải nghiệm ở mọi thể loại nhiếp ảnh, từ chân dung, phong cảnh, thiên văn, đường phố, thể thao, thiên nhiên hoang dã, đời thường, thậm chí cả nude art... Tôi nghĩ rằng mình đã may mắn khi không chịu ảnh hưởng của bất kỳ ai và tự định hình được phong cách riêng”, nhiếp ảnh gia trẻ Trần Tuấn Việt (Hà Nội) chia sẻ.

Tác phẩm “Tạp chí cuộc sống” của Huỳnh Văn Truyền, giải Ba Festival Nhiếp ảnh trẻ 2017
Tác phẩm “Tạp chí cuộc sống” của Huỳnh Văn Truyền, giải Ba Festival Nhiếp ảnh trẻ 2017

Đi, trải nghiệm và sáng tạo 

Học hỏi trên một sân chơi nghệ thuật là vô cùng khó khăn, và không phải nhiếp ảnh gia trẻ tuổi nào cũng có được đam mê để vượt qua những khó khăn ấy. Nói về khó khăn chung của nhiếp ảnh trẻ hiện nay, nhiếp ảnh gia Nguyễn Quang Huy (Nam Định) cho biết: “Có nhiều ràng buộc trong cuộc sống mà chúng tôi gặp phải, công việc, thời gian, sức khỏe và cả tài chính”. Nhiếp ảnh gia cần phải đi nhiều, chụp nhiều mới có thể ra được tác phẩm ưng ý, chứ chưa nói đến đẹp. Tài chính là vấn đề khiến các nhà nhiếp ảnh trẻ phải suy nghĩ nhiều, bởi họ chưa có điều kiện để đầu tư máy móc hay trang thiết bị để được hỗ trợ hiệu ứng tốt nhất cho một tác phẩm nghệ thuật.

Nhiếp ảnh nghệ thuật đang trải qua một giai đoạn khó khăn và đầy thách thức đối với sự phát triển hàng ngày của công nghệ. Điều này càng đòi hỏi nhiều hơn đối với mỗi tác giả. Để cho ra đời một tác phẩm đẹp, được giới chuyên môn ghi nhận, nghệ sĩ có khi phải đánh đổi cả thanh xuân của mình. Nhiếp ảnh gia trẻ Nguyễn Quang Huy trăn trở: “Nhiếp ảnh đối với tôi vừa là công việc, vừa là đam mê và là nguồn sống. Công việc cần nhiều tới sự sáng tạo, nên khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải là không đủ thời gian đi được nhiều nơi, gặp gỡ được nhiều người để sáng tác”.

Với Huỳnh Văn Truyền cũng vậy: “Trong mọi công việc, trên mỗi bước chân, tôi đều mang theo máy ảnh. Đôi khi là sự tình cờ không báo trước, nhưng cũng có những lúc chủ định lưu lại những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Nhiều khi, bản thân tôi cũng không thể lý giải nổi có những bức ảnh chỉ vô tình chụp được vào một khoảnh khắc rất tự nhiên nhưng lại trở thành tác phẩm tuyệt vời. Vậy nên, với nhiếp ảnh cần phải đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều chuyện mới có thể nâng cao được tay nghề và cho ra được những bức ảnh đẹp”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tránh lối mòn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO