
Thứ nhất, về thẩm quyền ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Điểm a và điểm c khoản 1 Điều 21 quy định: "HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định a. chính sách, biện pháp nhằm đảm bảo thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; c. biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, ngân sách quốc phòng - an ninh ở địa phương".
Theo đại biểu Lã Thanh Tân, quy định này chưa có sự thống nhất với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Theo đó, điểm đ, điểm d khoản 1 Điều 16 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), HĐND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, quyết định cơ chế, chính sách, biện pháp để phát triển các lĩnh vực tài chính, đầu tư, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đất đai, tài nguyên môi trường, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, hành chính tư pháp, nội vụ, lao động, ngoại vụ, văn hóa, thông tin và du lịch, thể dục thể thao của địa phương theo quy định của pháp luật.
Điểm a khoản 2 Điều 16, HĐND thành phố trực thuộc Trung ương được bổ sung thêm nhiệm vụ quyền hạn sau: "Quyết định chiến lược, cơ chế, chính sách, biện pháp để phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị, các ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật".
Đại biểu đề nghị xem xét chỉnh lý cho thống nhất giữa dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh trong dự thảo luật này.
Thứ hai, dự thảo luật không quy định cụ thể các trình tự, thủ tục cơ bản trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương mà giao cho Chính phủ quy định. Đề nghị xem xét thêm vì phạm vi điều chỉnh của luật được xác định tại Điều 1 dự thảo là: "luật này quy định xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số nội dung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật".
Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định các bước cơ bản của trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL. Những nội dung này sẽ bảo đảm công khai, minh bạch, thống nhất trong quá trình xây dựng văn bản QPPL, bảo đảm quyền của công dân tham gia vào quá trình quản lý nhà nước thông qua việc tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản QPPL và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Tránh “khoảng trống” pháp luật trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là đối với các địa phương trong điều kiện hiện nay, việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ.
Thứ ba, Điều 52 quy định: "Khi được Bộ Chính trị đồng ý và trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp hoặc xảy ra sự cố, thảm họa theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự hoặc sự kiện bất khả kháng hoặc các vấn đề cấp bách, quan trọng của đất nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt", là chưa có sự phân biệt giữa các trường hợp ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1 Điều 50. Theo đó:
a. Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, trường hợp đột xuất, cấp bách trong phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ.
b. Trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Đại biểu đề nghị quy định rõ hơn để tránh trùng lặp về các trường hợp được ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn và trong trường hợp đặc biệt.
Thứ tư, tại các Điều 63, 64 dự thảo luật quy định về kiểm tra, xử lý văn bản; về rà soát hệ thống hóa văn bản QPPL nhưng mới chỉ quy định về thẩm quyền. Theo đại biểu Lã Thanh Tân, để triển khai các hoạt động này, cần có các quy định cụ thể hơn; trường hợp luật không quy định cụ thể, đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết để có căn cứ tổ chức thực hiện.