Tránh khiên cưỡng
“Sáng nay, đã có 40 ĐBQH đăng ký, đến bây giờ đã có 26 ĐBQH phát biểu và tranh luận, còn 14 ĐBQH đăng ký và 3 ĐBQH tranh luận. Chúng tôi đề nghị các ĐBQH vui lòng gửi lại ý kiến của mình cho Ban Thư ký Kỳ họp”. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã cho biết như vậy khi phát biểu kết thúc Phiên thảo luận sáng 31.5 về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Điều này cho thấy sự quan tâm cao độ của các ĐBQH với dự luật liên quan trực tiếp đến quyền được bồi thường thiệt hại của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp.
Tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH và nội dung của dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, song điều khiến không ít ĐBQH băn khoăn, đó là dự luật vẫn còn những điều khoản chưa phù hợp, thậm chí “khiên cưỡng” mà nếu được thông qua rất có thể sẽ dẫn tới sự né tránh trách nhiệm bồi thường của cơ quan tiến hành tố tụng.
Cùng nhìn vào quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để thấy rõ hơn lập luận của ĐBQH.
Đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước lần này được quy định “rộng hơn, rõ hơn và dứt khoát hơn”. Nếu theo Luật hiện hành, có 29 trường hợp Nhà nước bồi thường và công dân được bồi thường, thì đến bản dự thảo trình QH tại Kỳ họp thứ 3 này, con số này đã tăng lên 35 trường hợp. Nếu chúng ta so với một số nước như trong lĩnh vực về quản lý hành chính thì của Việt Nam chúng ta là 14, Trung Quốc là 9, Canada là 4 và tố tụng hình sự thì Việt Nam chúng ta là 9, Trung Quốc là 7, Bungari là 7. “Như vậy so với các nước chúng ta cũng rộng hơn”, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định.
Tuy nhiên, phân tích Khoản 5, Điều 18, về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận thấy, với quy định về thời gian bị tạm giam chấp hành hình phạt tù bằng hoặc ít hơn hình phạt phải thi hành thì dù một người nào đó bị oan về một tội hay nhiều tội cũng không được bồi thường, sẽ dẫn tới sự “né tránh” trách nhiệm bồi thường của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc khởi tố, truy tố, xét xử sai về những tội danh nào đó trong trường hợp một người phạm nhiều tội.
Thêm nữa, bản án quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội đã thể hiện và cho thấy một người đã bị oan về một tội, hoặc một số tội, nhưng vẫn không được bồi thường vì đã phạm tội khác. Đây là quy định mang tính “khiên cưỡng” mà “người bị oan không bao giờ có cơ hội được minh oan về những tội mình phải chịu oan”. Ví dụ, ông A bị tuyên án 5 tội, đã chấp hành hình phạt, sau đó cơ quan có thẩm quyền trong tố tụng hình sự ra quyết định và bản án xác định chỉ có 3 tội, còn 2 tội là bị oan. Tổng 3 tội của ông ấy là 10 năm tù nhưng ông ở 12 năm tù, trong thời gian đó thì chỉ bồi thường 2 năm. Tuy nhiên, trong bản án của tòa án khi tuyên ông ấy 5 tội thì 20 năm tù mà không quy định năm thứ nhất ông phải ở tội này, năm thứ hai phải ở tội kia, do đó còn 2 tội oan của ông ấy chưa được minh oan và chưa được bồi thường…
Trong bản dự thảo trình QH tại Kỳ họp thứ 3 này, phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được “khuôn lại”. Theo đó, những thiệt hại do cá nhân, tổ chức, do người thi hành công vụ gây ra trong quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án sẽ được bồi thường. Đây là luật về hình thức cho nên nội hàm tập trung như dự thảo là hoàn toàn đúng đắn. Một mặt, Nhà nước chịu trách nhiệm, bồi thường việc mình làm sai gây oan”. Nhưng mặt khác, cũng như nhiều ĐBQH, họ cũng mong muốn, các quy định của dự luật phải khả thi, người bị oan phải được bồi thường một cách nhanh chóng, thuận tiện. “Rộng hơn, rõ hơn và dứt khoát hơn” về phạm vi trách nhiệm trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.