Tránh giải ngân bằng mọi giá!

- Thứ Tư, 14/10/2020, 06:34 - Chia sẻ
Kết thúc tháng 9, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 269 nghìn tỷ đồng, bằng 57,2% so với kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm (470 nghìn tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương đạt 46,7% và vốn ngân sách địa phương đạt 66,2%.

Đây là một kết quả tích cực so với các năm trước, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt của đất nước, cho thấy ý chí và quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy giải ngân nhằm cứu vãn tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm nay là vô cùng khó khăn. Bên cạnh 6 bộ, cơ quan Trung ương và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 70% thì vẫn còn 31 bộ, cơ quan Trung ương và 12 địa phương giải ngân dưới 40%, trong đó 11 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương đã qua 9 tháng mới chỉ giải ngân được 20%.

Về các dự án quan trọng quốc gia, trong khi Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tỷ lệ giải ngân tương đối tốt (đạt 71,7% kế hoạch được giao) thì Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giải ngân rất thấp. Lũy kế đến nay, giải ngân ở dự án này chỉ đạt 16,18%, đặc biệt năm 2020 chỉ giải ngân được 224 triệu đồng trên 6.705 tỷ đồng kế hoạch.

Trong Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và dự kiến năm 2021 gửi đến Phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải ngân từ nay đến cuối năm. Các nhóm giải pháp khá đầy đủ, chi tiết, thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị. Trách nhiệm chính trị cũng được xác lập với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, theo đó phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trên thực tế, có dự án không thể giải ngân hết 100% kế hoạch vốn, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Giải ngân vốn nước ngoài 9 tháng đầu năm rất thấp, chỉ đạt 23,1% so với kế hoạch được Thủ tướng giao.

Dù giải ngân đầu tư công thường tăng tốc về cuối năm nhưng việc phải “tiêu” hết hơn 40% kế hoạch vốn của năm (201 nghìn tỷ đồng) trong 3 tháng tới thực sự có phần bất khả thi! Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế của năm nay. Nhưng, như nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh trong Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Kinh tế hôm 25.9: Năm 2020 là giai đoạn đặc biệt của cả thế giới, trong đó có Việt Nam, nếu đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo cách thông thường sẽ không logic. Lúc này đừng quá quan tâm tăng trưởng cao hay thấp, đừng quá đặt nặng cân đối thu chi ngân sách; thay vào đó, phải tính đến hiệu quả chi tiêu công và bảo toàn được lực lượng doanh nghiệp đang chịu tổn hại nặng nề vì dịch bệnh.

Bởi vậy Chính phủ cần thực hiện sớm và kiên quyết việc cắt, giảm vốn các dự án giải ngân chậm, điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm. Mặt khác, nên chấp nhận một kết quả mang tính khả thi, tránh gây sức ép giải ngân bằng mọi giá vì điều này vừa khiến dự án không bảo đảm chất lượng, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả vốn đầu tư, lại có thể là nguồn cơn của những sai phạm trong quản lý ngân sách.

Hà Lan