Tránh gây khó cho doanh nghiệp

- Thứ Tư, 20/01/2021, 06:47 - Chia sẻ

Nếu mạng xã hội có một trong các hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử và có người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí thì sẽ bị điều chỉnh theo quy định của sàn giao dịch điện tử. Đây là đề xuất của Bộ Công thương khi sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử.

Dù thực tế hiện nay nhiều mạng xã hội cũng lấn sang lĩnh vực thương mại điện tử bằng cách mở thêm các chức năng hỗ trợ người dùng đăng tải các thông tin thương mại thì tính hợp lý, khả thi của đề xuất này vẫn cần phải thảo luận thêm. Bên cạnh đó, còn một điều khác đáng nói ở đây là việc phân loại các dịch vụ trong nền kinh tế số đang “có vấn đề” ở chỗ trong khi Bộ Công thương muốn quản lý mạng xã hội như sàn giao dịch thương mại điện tử, thì theo Nghị định 72/2013 sàn giao dịch thương mại điện tử lại có thể được coi là mạng xã hội với nội dung tập trung vào thương mại.

Tương tự, vấn đề phân loại dịch vụ nghe nhạc, xem video trực tuyến cũng được đặt ra trong quá trình soạn thảo Nghị định 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Một bên cho rằng các website, ứng dụng cho phép nghe nhạc, nghe file ghi âm, xem phim, xem video (do quản trị website đó cung cấp, không phải do người dùng đóng góp) thì được coi là dịch vụ phát thanh, truyền hình trên internet và thuộc phạm vi của Nghị định 06/2016. Một bên lại khẳng định đây là dịch vụ nội dung thông tin trực tuyến (online content) và thuộc phạm vi của Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Chưa hết, còn có ý kiến cho rằng, riêng với nội dung phim thì cần được coi là dịch vụ phổ biến phim theo Luật Điện ảnh.

Một ví dụ điển hình khác là cuộc tranh luận gay gắt cách đây vài năm về loại hình dịch vụ kết nối vận tải (ứng dụng gọi xe). Cũng bởi cuộc tranh luận này mà quá trình ban hành Nghị định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mất rất nhiều năm mới đi được đến hồi kết (Nghị định 100/2020).

Do các dịch vụ trong nền kinh tế số đều khá mới, hình thức kinh doanh chưa thực sự rõ ràng và còn nhiều biến động nên việc các cơ quan nhà nước gặp khó khăn trong phân loại dịch vụ dẫn đến tranh luận chính sách thật dễ hiểu.

Tuy vậy, tốc độ phát triển của kinh tế số tại nước ta đang rất cao, theo ước tính của Google và Temasek trong Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á E-conomy năm 2020, có thể đạt khoảng 14 tỷ USD trong năm qua và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt 54 tỷ USD. Trong quá trình phát triển đó, không thể tránh khỏi những vấn đề mới nảy sinh và cần có sự can thiệp của Nhà nước - đặc biệt ở khía cạnh xây dựng và bảo đảm thực thi có hiệu quả hành lang pháp lý, để nền kinh tế số vận hành hiệu quả hơn và giảm các tác động tiêu cực đến xã hội.

Chính phủ đang có kế hoạch sửa đổi Nghị định 52/2013, Nghị định 72/2013 và Nghị định 06/2016. Đây là thời điểm quan trọng để có cái nhìn tổng thể về hệ thống pháp luật liên quan đến kinh tế số nói chung và các dịch vụ trên môi trường mạng nói riêng. Trong quá trình ban hành quy định mới quản lý các dịch vụ của nền kinh tế số, các cơ quan nhà nước cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm tính thống nhất, tránh tình trạng một doanh nghiệp phải đáp ứng quá nhiều các quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhau, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Có như vậy mới tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển nhanh, bền vững và lành mạnh cũng như giúp khiến nền kinh tế Việt Nam sớm bắt kịp tốc độ chuyển đổi số của khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN và thế giới.

Hà Lan