Tranh dân gian Việt Nam
Với ý nghĩa đề cao văn hóa dân gian Việt Nam và góp phần bảo tồn di sản tư liệu viết, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO), Cơ quan Phát triển Pháp và Trung tâm Văn hóa Pháp đã phối hợp giới thiệu triển lãm Tranh dân gian Việt Nam - Tranh bộ ba với công chúng Thủ đô Hà Nội.
![]() |
Tranh dân gian Việt Nam - Tranh bộ ba trưng bày 16 pano giới thiệu những hình ảnh tiêu biểu được chọn lọc từ ba tài liệu về tranh dân gian Việt Nam của các học giả Pháp, gồm: công trình nghiên cứu Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger, bộ sách tranh Imagerie Populaire Vietnamienne của tác giả Maurice Durand và bản thảo chưa từng công bố về tác phẩm Lục Vân Tiên. Ông Oliver Tessier, đại diện EFEO tại Việt Nam cho biết: tác phẩm Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger là kết quả của một nghiên cứu hoàn toàn mới về văn minh vật chất của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Từ năm 1908 - 1909, tác giả đã đi khắp các phố phường Hà Nội và vùng ngoại thành nhằm thống kê và tìm hiểu kỹ sự đa dạng của các ngành thủ công mỹ nghệ. Ông đã thu thập hơn 4.200 tài liệu dưới dạng hình vẽ và ký họa (của 3 - 4 họa sỹ Việt Nam), nói về cách thức, cử chỉ, công cụ và các sản phẩm thủ công gắn liền với tên gọi của chúng, trong đó có nghề khắc gỗ và in tranh trên giấy dó.
Trong khi đó, bộ sưu tập Tranh dân gian Việt Nam với khoảng 400 bức tranh được Maurice Durand thu thập từ những năm 1950 với sự giúp đỡ của Trần Văn Giáp, Trần Huy Bá, Louis Bezacier và Paul Lévy. Đặc điểm chung của các bức tranh này là không phải minh họa cho sách hay tranh in khuôn quý giá mà đơn giản là tranh của nhóm thị dân nhỏ lẻ, thường được sản xuất với số lượng lớn và tùy thuộc vào giá cả mà chúng được sản xuất nhanh hoặc chậm. Theo Gs Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, đây là bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam đa dạng và phong phú về nhiều đề tài: cuộc sống thường nhật, những ngành nghề nhỏ, chúc tụng và những tấm bùa hộ mệnh, tôn giáo và tín ngưỡng, lịch sử, văn học, giáo hóa, tục ngữ...
![]() Những bức tranh chưa từng được công bố trong bản thảo Lục Vân Tiên |
Đặc biệt triển lãm lần này cũng giới thiệu bản thảo truyện tranh chưa từng công bố Lục Vân Tiên, dày 300 trang kèm theo 1.200 hình vẽ màu minh họa theo lối tranh dân gian Việt Nam và những ghi chú thông tin trong quá trình dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp. Tác phẩm được Eugène Gibert - lính thủy Pháp thuê một họa sỹ của triều đình Huế vẽ minh họa cho truyện thơ này vào đầu những năm 1890. Sau khi trở về Pháp, Gibert tặng lại tác phẩm cho Viện hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp (1899). Trong suốt 100 năm qua, tài liệu này được lưu giữ và ngủ quên trong thư viện Viện hàn lâm, đến năm 2011, Gs Phan Huy Lê mới tình cờ phát hiện ra sự tồn tại của tư liệu quý này. Theo ông Pascal Bourdeaux (EFEO tại TP Hồ Chí Minh), bản thảo truyện tranh Lục Vân Tiên là “tác phẩm hoàn hảo về hội họa, một bộ tranh và chữ viết tay độc bản quý giá”, có giá trị lớn trong nghiên cứu mỹ thuật, lịch sử, đời sống xã hội, đạo đức tư tưởng con người Nam Bộ thế kỷ XIX. Được sinh ra từ mối quan hệ Pháp - Việt, rõ ràng đây là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, một tài sản đã bị giấu kín trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Đây là lần thứ 3, triển lãm được tổ chức tại Việt Nam (trước đó là TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), nhằm giới thiệu di sản văn hóa dân gian Việt Nam đang được bảo tồn ở Pháp. Tranh dân gian là di sản văn hóa quý của dân tộc Việt Nam. Một số làng tranh nổi tiếng bởi sự phong phú và tinh xảo về họa tiết cũng như kỹ thuật tô màu, như: Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội), làng Sình (Phú Vang, Thừa Thiên Huế)... Thời kỳ hoàng kim, những bức tranh này rất phổ biến trong đời sống tinh thần của nhân dân, đi vào tục ngữ, ca dao... Đặc biệt, ở khu vực miền núi phía Bắc, tranh dân gian còn được làm tranh thờ, tranh treo ngày Tết. Tuy nhiên, hiện nay, cuốn theo nhịp sống hiện đại, di sản này đang mai một. Nghệ nhân làm tranh Đông Hồ còn rất ít, tranh Hàng Trống thì chỉ còn duy nhất một gia đình còn gắn bó với nghề, nhân dân cũng không còn thói quen treo tranh ngày Tết...
Theo Gs Phan Huy Lê, để bảo tồn tranh dân gian Việt Nam cần tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu cả trong và ngoài nước; có chế độ đãi ngộ hợp lý để khuyến khích các nghệ nhân tranh dân gian tiếp tục gắn bó với nghề và truyền nghề. Kỹ thuật làm tranh cũng phải được nghiên cứu chuyên sâu để lưu truyền và phát triển. Bên cạnh đó, muốn tranh dân gian tồn tại, phải phát triển nó thành sản phẩm du lịch, tạo ra nhu cầu xã hội và thị trường cho tranh dân gian. Ông Pascal Bourdeaux - đại diện EFEO tại TP Hồ Chí Minh cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác với những người bạn Việt Nam để nghiên cứu chuyên sâu hơn và quảng bá rộng rãi tư liệu quý này.
_____________
* Triển lãm Tranh dân gian Việt Nam - Tranh bộ ba diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, đến hết ngày 28.2.