Tránh bẫy thu nhập trung bình - hành động thay vì bàn quanh
Nước ta đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa đã trở thành đề tài thu hút nhiều ý kiến tranh luận sau Hội thảo Tránh bẫy thu nhập trung bình của Ban Kinh tế TƯ. Nhưng, có hai điều không cần phải bàn cãi nữa. Một: nước ta vẫn thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp và khoảng cách đối với nhóm thu nhập trung bình cao (chừng 4.300 USD/năm) là rất lớn. Hai: nếu cứ bàn quanh thay vì hành động, có thể sẽ mất hàng chục năm để thu hẹp khoảng cách này.
Nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình
Đây là kết quả thảo luận được rút ra tại Hội thảo Tránh bẫy thu nhập trung bình do Ban Kinh tế TƯ cùng Ban Tuyên giao TƯ vừa tổ chức. Theo đó, kinh tế nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm đang phát triển có mức thu nhập trung bình (thấp) từ năm 2008 với thu nhập trung bình đầu người là 1.068 USD, năm 2013 là 1.960 USD. Song một quốc gia khi đạt được mức thu nhập trung bình cũng đồng nghĩa với việc có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, và nước ta không phải là một ngoại lệ. Theo đánh giá của World Bank (WB) đối với 124 nền kinh tế trên thế giới, có 52 nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình thì đã có 35 nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Về khái niệm bẫy thu nhập trung bình, mặc dù cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chính xác nhưng theo Trưởng ban Kinh tế TƯ Gs. Ts Vương Đình Huệ, có thể hiểu đơn giản là một tình trạng trong phát triển kinh tế khi một quốc gia phát triển chững lại hay thậm chí là trì trệ sau khi đã đạt được mức thu nhập trung bình. Vấn đề thường nảy sinh với các nền kinh tế đang phát triển khi mức lương tăng lên trong khi tính cạnh tranh về giá cả hàng hóa giảm xuống, khó có thể cạnh tranh với các nền kinh tế đã phát triển về công nghệ hiện đại hay với các nền kinh tế có mức lương thấp hơn trong việc sản xuất hàng hóa giá rẻ.
Cụ thể, từ năm 2008 đến nay, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta đã trải qua nhiều xáo động về kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm rõ rệt. Nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng, bao gồm ba yếu tố là vốn, lao động và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) chiếm tỷ lệ thấp và có xu hướng giảm sút nhanh trong giai đoạn gần đây. Ngoài ra, tăng trưởng nghiêng về yếu tố vốn hơn yếu tố lao động trong khi năng lực sản xuất những năm qua có xu hướng giảm. Nếu kéo dài tình trạng này, tăng trưởng kinh tế sẽ rất hạn chế, thiếu bền vững; chất lượng tăng trưởng không được cải thiện; cuối cùng sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Sớm tìm ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng
Tham dự Hội thảo này, Gs Kenichi Ohno thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản kể lại: vào năm 2008, khi ông tham vấn cho Chính phủ Việt Nam xây dựng kế hoạch 5 năm, ông đã đề cập đến bẫy thu nhập trung bình. “Lúc đó tôi chỉ nói bẫy thu nhập trung bình là khả năng xảy ra trong tương lai xa. Nhưng giờ tôi có thể nói Việt Nam đang bắt đầu rơi vào bẫy thu nhập trung bình”.
Mặc dù chưa tán thành với nhận định nước ta đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình, song lo lắng nguy cơ này là có thật, các chuyên gia kinh tế trong nước đồng ý với quan điểm của Gs Kenichi Ohno: từ năm nay, Việt Nam nên hành động để tránh bẫy thu nhập trung bình. Và, điều này quan trọng hơn là cứ ngồi đây tranh luận Việt Nam đã mắc bẫy hay chưa?
Vị chuyên gia này cho rằng Việt Nam cần phải có những giải pháp căn cơ hơn trong việc dịch chuyển mô hình kinh tế mở rộng về số lượng sang nâng cao về chất lượng, để có thể lấp đầy những khoảng trống trong lợi thế so sánh. Các cuộc thảo luận chính sách bất tận như hiện nay cần phải được chuyển sang các kế hoạch hành động và có giám sát cụ thể với thời hạn rõ ràng. Từ đó, ông Ohno kiến nghị Chính phủ đi vào hoàn thiện các phương pháp chính sách tập trung năng suất lao động, chuyển giao công nghệ trong liên kết đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đồng thời áp dụng các công cụ chính sách, cấu trúc và cơ chế thủ tục chính sách tiêu chuẩn.
Ở góc nhìn khác, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, quan trọng nhất để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình là những đổi mới về thể chế kinh tế. Một cách đơn giản, ông nói, chúng ta đã chuyển sang kinh tế thị trường rồi thì phải làm thật, tránh tình trạng phát triển méo mó như hiện nay.
Nước ta đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa - chắc chắn sẽ còn là đề tài thu hút sự chú ý của người đọc và nhiều ý kiến tranh luận. Nhưng, có hai điều không cần phải bàn cãi nữa. Đó là, nước ta vẫn thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp, và khoảng cách đối với nhóm thu nhập trung bình cao (chừng 4.300 USD/năm) là rất lớn. Hơn nữa, nếu đà tăng trưởng kinh tế không được cải thiện, nước ta sẽ mất hàng chục năm để thu hẹp khoảng cách này.