Trang phục - vật gia bảo của người Tây Tạng

- Thứ Hai, 27/01/2014, 08:53 - Chia sẻ
Trang phục của người Tây Tạng thường thêu hoa lá, gắn đá quý. Đó vừa là cái để mặc, để khoe và cũng là vật gia bảo người lớn giữ gìn rồi truyền lại cho con trẻ.

Tây Tạng là vùng đất cao bậc nhất thế giới, xung quanh là núi cả năm sương khói, ẩm ướt. Khí hậu ở đây rất lạnh, mùa hè tương ứng với mùa thu ở những vùng khác, còn mùa đông nhiều nơi tuyết rơi trắng xóa. Người Tây Tạng thường mặc những bộ đồ dày, to bản làm bằng len, dạ, nỉ và lông thú có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt.


Người Tây Tạng thường mặc những bộ đồ dày
Trang phục của người Tây Tạng rất đẹp, thường thêu hoa lá, gắn đá quý. Đó vừa là cái để mặc, để khoe và cũng là vật gia bảo người lớn giữ gìn rồi truyền lại cho con trẻ. Mỗi vùng có một kiểu trang phục và cách mặc riêng, nhưng đều phản ánh rõ nét văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, cá tính và sự giàu có của những người dân trên cao nguyên.

Trang phục gồm có áo choàng thường phục - áo dài đến gót và áo sơ mi - áo ngắn mặc trong người và khoác ngoài. Người Tây Tạng nào cũng mặc áo choàng. Đây là loại áo có thân trước rộng, tay dài, tay trái dài hơn tay phải và có thể tháo rời khi trời nóng để tiện cho việc đồng áng, chăn thả gia súc. Áo làm từ da cừu, lông, len và không có túi. Áo choàng cũng không có khuy mà được thắt dây lưng, vạt trái đáp lên vạt phải, chia thân áo thành hai khoang nhờ đó thân trước sẽ xổ xuống ở ngang eo làm một cái túi đựng được những vật cần thiết như bát đĩa, bao bột, thậm chí địu cả một đứa trẻ. Dây lưng của nam giới được làm bằng lụa xanh, vàng, đỏ, còn của nữ giới là lụa hồng. Trên đó, nam giới sẽ đeo hộp thuốc lá, đá lửa và một con dao, phụ nữ treo những cái móc bạc hoặc đồng hình hoa sen, chim, bướm… vừa để trang điểm vừa làm vật cạo gió khi cần thiết. Người ta quấn dây lưng quanh eo hai lần rồi thắt nút, riêng trong trang phục lễ tang sẽ thắt nút ở phía trước. Với áo tốt, cổ áo và riềm áo sẽ được làm bằng chất liệu đặc biệt, như ở nam giới là lông báo hay cáo, ở phụ nữ là vải đỏ hay nhung kẻ.

Về áo sơ mi, nam giới mặc áo sơ mi trắng, cổ cao, có khuy. Còn nữ giới mặc áo sơ mi cổ bẻ, không có khuy, và tay áo có thể dài qua ngón. Khi làm việc, phụ nữ thường xắn tay áo song khi nhảy múa lại để nguyên cho tay áo dài phấp phới, góp phần giúp cử động duyên dáng.

Tùy vào lối sống, hoạt động và địa phương mà có nhiều kiểu áo và kiểu vải khác nhau. Người ở đô thị có áo choàng làm từ len dệt máy, người ở vùng trồng trọt có áo từ len dệt tay pulu, người trên đồng cỏ có áo lông cừu hay da động vật giúp chống lại cái lạnh và làm chăn.


Thiếu nữ Tây Tạng
Ở phía bắc Tây Tạng, khí hậu lạnh nhất. Nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, và đa số người dân sống kiểu du mục chăn thả nên họ mặc áo choàng lông quanh năm, và vào đêm thường khoác thêm một lớp áo choàng nữa để làm chăn.

Ở phía nam Tây Tạng, khí hậu nóng ẩm nên người dân mặc trang phục mỏng hơn, áo có khuy cài về bên phải. Cổ áo, cổ tay, các mép trước và sau ở trang phục nam giới được viền vải màu.

Ở Lhasa và Sơn Nam, khí hậu ấm hơn nên nam giới mặc áo choàng hai lớp khi nóng tiện cởi bớt và khi lạnh mặc thêm, còn phụ nữ mặc áo ngắn tay bó sát thân thể. Riêng phụ nữ đã có chồng còn đeo thêm một cái tạp dề ngang eo.

Người Tây Tạng đội khá nhiều kiểu mũ. Mùa hè là mũ len, mùa xuân là mũ nỉ và mùa đông là mũ lông. Phụ nữ nhà giàu còn đội mũ bazhug đính ngọc trai, san hô, đá quý và một vật trang điểm trước ngực gọi là kawu. Trong các loại mũ, mũ thêu là tiêu biểu nhất, được làm từ nỉ và thêu hoa dùng chỉ vàng và bạc. Mũ có bốn vành, lót da thỏ hay rái cá. Hai vành trước và sau lớn hơn hai vành còn lại. Phụ nữ thường gập hai vành lớn vào trong mũ chỉ để hai vành nhỏ bên ngoài. Nam giới thường gập ba vành ở phía sau và hai bên, chỉ để vành trước trán. Người già thường để có bốn vành tự nhiên.

Họ cũng đi nhiều loại giầy dép như songba, jialou, douzha, sục chân vào, sau đó buộc từ gót lại. Những người trên thảo nguyên còn có loại ủng dài cao hơn gối bằng da bò và cừu hoặc đi giày da và len, có quai mềm, đế cứng và gót phẳng. Phụ nữ luôn đeo hai loại tạp dề - một có kẻ sọc to màu sắc rực rỡ như cầu vồng và một có kẻ sọc nhỏ màu hài hòa, mát mắt.

Ngoài giữ ấm và làm đẹp, trang phục của người Tây Tạng còn có ý nghĩa tâm linh to lớn vì người dân theo đạo Phật. Vào thế kỷ VII, vị anh hùng dân tộc Songstan Gampo của Tây Tạng đã thành thân với công chúa Văn Thành đời Đường Trung Hoa và một công chúa người Nepal, cả hai bà đều theo đạo Phật và mang tới Tây Tạng một bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Từ đó đạo Phật truyền khắp Tây Tạng và chuyển biến thành Phật giáo Tây Tạng trong hàng thế kỷ, không chỉ ảnh hưởng tới quan điểm, cách xử sự của người dân mà còn cả khiếu thẩm mỹ, trang phục và cách trang điểm. Người dân coi màu trắng là biểu tượng của sự thanh bạch, nên trong đời sống luôn trang hoàng nhà cửa với màu trắng, thích mặc áo ngắn màu trắng hay viền áo bằng màu trắng. Họ cũng dùng màu đỏ, vàng mà rõ nhất là ở trang phục các nhà sư như guru Rinpoche đội mũ đỏ, sư Tsongkhapa đội mũ vàng.


Trang phục của phụ nữ Tây Tạng
Người Tây Tạng thích trang trí quần áo bằng những đồ quý bởi tin rằng nó sẽ giúp mọi người liên hệ với thần linh, tránh điều dữ. Những đồ trang sức thường to, nặng, phức tạp và giá trị được căn cứ theo màu sắc, kích cỡ nhiều hơn là về mặt kim loại hay đá quý. Phần lớn đồ trang sức của nữ giới đều bằng vàng, bạc, đồng, san hô, hổ phách, đá mã não và lam ngọc. Đặc biệt phụ nữ rất thích đeo kawu - một chiếc hộp bạc đựng bùa hộ mệnh bên trong, được treo vào một sợi dây chuyền. Còn nam giới luôn đeo gươm và hộp đựng đá lửa. Nam nữ còn đeo tràng hạt hoặc những chiếc cối kinh của Phật giáo để làm bùa hộ mệnh.

Thời gian đẹp nhất để ngắm các trang phục Tây Tạng là vào dịp Tết, lễ hội - lúc có nhiều cuộc đua ngựa và hội chợ. Chẳng hạn, vào lễ hội hàng năm ở thị trấn Naggu phía bắc Tây Tạng, nam giới sẽ mặc áo choàng lông màu đen, lam hoặc vàng, giắt dao nhíp, đeo hộp đựng thuốc lá và những đồng bạc ngang lưng. Phụ nữ cũng diện áo choàng dài hình quả chuông, tết tóc thành các lọn nhỏ, gài quanh bím tóc những đồng xu bằng vàng, bạc và đồng, đeo khuyên tai, đeo vòng cổ, đội mũ gắn đá quý. Những người đua ngựa mặc áo màu lam đậm, quần chẽn đỏ, đen và đi ủng da... Nhiều bộ đồ diêm dúa có giá trị hàng triệu nhân dân tệ.

Thanh Bình