Trân quý tri thức bản địa

Thái Minh - Hồng Nhung 01/01/2017 10:20

Tri thức bản địa là kho tàng quý báu được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Các hoạt động giao lưu, quảng bá nhằm tôn vinh đa dạng văn hóa và tầm quan trọng của tri thức bản địa không chỉ góp phần thúc đẩy sự thấu hiểu lẫn nhau, mà còn là động lực để mỗi dân tộc phát huy bản sắc của mình.

Tự tin khoe sắc

“Ngày xưa, dân tộc Pà Thẻn sống trên rừng núi đá cao, ít khi được gặp nhau nên dựng lên những bài múa hát này để kể về những ngày tháng vất vả làm lụng, nỗi nhớ thương nhau và niềm vui mùa vụ mới…”, cô Phù Thị Lan hào hứng chia sẻ về điệu múa “Mừng lúa mới” mang đến chương trình “Tri thức bản địa: Mạch sinh nguồn sống” năm 2016.

Mỗi tiết mục trong chương trình đều chứa đựng những câu chuyện toát lên thông điệp nhân văn. Như dân tộc Thái với điệu Xên Khoăn chúc cha mẹ sống lâu, với bài hát “chuyện tình Pha Dua” thổ lộ tình cảm trai gái tràn đầy sắc hương núi rừng… Nếp văn hóa thể hiện đời sống tinh thần, tâm linh trong nghi lễ như múa Xì-dăm của người Khmer để dâng áo cà sa và dâng bông cho các nhà sư tạ ơn trời đất ban sự sống cho muôn loài; lễ cúng cầu người sống lâu của dân tộc Giáy… Hay những nghi lễ, quan niệm hòa hợp thiên nhiên, ví dụ: múa Chim K’lang thể hiện lòng tôn trọng chim đại bàng của dân tộc Pa Koh, múa chuông tái hiện hoạt động bảo vệ, chăm chút rừng của người Dao... Nét đặc sắc này hầu hết được khởi phát và tái hiện các hoạt động thường ngày, minh chứng tầm quan trọng của văn hóa, tri thức bản địa trong đời sống sản xuất và tinh thần của người dân tộc.

Múa hội mừng vụ mùa của dân tộc M’nông, Đắk Nông Ảnh: Lê Thư
 Múa hội mừng vụ mùa của dân tộc M’nông, Đắk Nông Ảnh: Lê Thư

“Làm thế nào để bảo tồn văn hóa các dân tộc? Tôi cho rằng, bất cứ dân tộc nào, thiểu số hay đa số, nếu thấy văn hóa của mình đẹp thì sẽ có ý thức gìn giữ, bảo tồn. Và không có cách nào tốt hơn là để người dân tự lựa chọn, tự làm, tự bảo tồn và phát huy theo cách của mình. Điều quan trọng nhất là khi họ yêu, được tạo điều kiện để tự hào với vốn văn hóa của mình, họ sẽ có rất nhiều cách mà không cần trông chờ vào dự án hay bất cứ hỗ trợ nào...”.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (isee) Lương Minh Ngọc

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) Nguyễn Thị Bích Tâm: “Tri thức bản địa là những điều được tích lũy nhiều năm qua phương pháp thử - sai. Nghĩa là bà con trong quá trình làm, lựa chọn và truyền từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác thông qua thực hành”. Khác với tri thức khoa học là truyền qua viết lách, ứng dụng trên diện rộng nhưng không sâu, tri thức bản địa được truyền qua cách nhìn và học nên phù hợp, mang lại hiệu quả cao với từng địa phương. Nên đây là tài sản vô giá của các tộc người cả thiểu số và đa số, là mạch nguồn giúp con người ứng phó với bối cảnh tự nhiên đầy thử thách. Dù vậy, chia sẻ tri thức, văn hóa bản địa không đơn thuần chỉ để lan tỏa ý thức tự hào.

Phục hồi nhiều giá trị

Trước đây, nhiều loại hình tri thức, văn hóa bản địa, phần nhiều là của các dân tộc thiểu số, bị chê bai, cho là hủ tục, dẫn đến hầu hết bà con không hào hứng với việc gìn giữ, phát huy. Nhưng ngày nay, việc giới thiệu, tuyên truyền phổ biến rộng rãi những giá trị văn hóa dân tộc bản địa đã góp phần thay đổi quan niệm này. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (isee) Lương Minh Ngọc nhận định: “Có rất nhiều người hiểu sai về tri thức, văn hóa của các dân tộc khác, thậm chí nhiều người cũng tự nghĩ rằng văn hóa của mình thấp kém hơn. Nhưng nếu giúp họ hiểu, cho họ cơ hội thể hiện văn hóa của mình, quan niệm ấy sẽ thay đổi”.

 “Trước kia, văn hóa dân tộc chưa được quan tâm nhiều. Chúng tôi cứ nghĩ người dân tộc khác sẽ không thể biết được dân tộc Nùng, nghĩ dân tộc mình không có nét gì đặc sắc. Đó cũng là điều tôi e ngại trước mọi người. Nhưng nhờ hiểu được giá trị văn hóa của mình, nên chúng tôi không còn e ngại mà đã có ý thức giữ gìn, lưu truyền”, bà La Thị Nguyệt, dân tộc Nùng, Lạng Sơn chia sẻ. Thực tế cho thấy, khi tri thức, văn hóa trong cộng đồng bị hiểu sai lệch, không chính xác sẽ gây mặc cảm cho đồng bào sở hữu vốn tri thức, văn hóa ấy, từ đó dẫn đến sự mai một, biến mất của di sản. Khi ý thức tôn trọng được nâng cao sẽ đi kèm với hoạt động gìn giữ, bảo tồn. Ví dụ việc dựng thêm nhiều nhà sàn bên cạnh nhà gạch, bê tông của bà con Pa Koh (Quảng Trị); phục hồi các tiết mục múa hát, xướng ca của dân tộc Khmer (Sóc Trăng); sử dụng lại một số bài thuốc lá cổ của người Mông…

Chị Trương Thị Thủy, dân tộc Mường, Bá Thước, Thanh Hóa cho biết sự thay đổi trong quan niệm và cách ứng xử với tri thức, văn hóa của dân tộc mình: “Giờ bà con đều thấy thích nói tiếng mẹ đẻ. Các bài hát dân gian cổ, điệu múa, nghi thức dùng trong các dịp lễ của dân tộc bị lãng quên dần được tìm và thể hiện lại. Trước có chiêng, nhiều nhà đem đi bán, nhưng giờ đã biết cất giữ hoặc sưu tầm để treo trong nhà. Nhiều lễ hội được khôi phục, bà con không thuê trang phục khác mà dùng chính trang phục truyền thống của mình để tham dự, biểu diễn”.

Cánh cửa mở hẹp

Để duy trì, bảo tồn và lưu truyền giá trị tri thức, văn hóa bản địa, cần tình yêu, đam mê, tâm huyết của chính người trong cuộc và sự tôn trọng, quan tâm của cộng đồng. Sự can thiệp dưới hình thức tư vấn của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà xã hội học hay hỗ trợ của một số tổ chức phi chính phủ… được cho là phát huy hiệu quả. Hoặc dự án “Tôi tin tôi có thể” trong hai năm liên tiếp vừa qua đã góp phần nâng cao sự tự tin của bà con dân tộc thiểu số bằng cách để họ chủ động xây dựng và thể hiện văn hóa của mình trên sân khấu. Tuy nhiên, đó chỉ là cách tiếp cận ở phạm vi hẹp. Thực tế, lực đẩy chỉ đến được một số dân tộc, trong khi vốn tri thức, văn hóa ở không ít vùng miền đang đứng trước nguy cơ mai một.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tri thức bản địa còn thiếu nhiều điều kiện. Bên cạnh hạn chế về môi trường để đồng bào giao lưu, học hỏi lẫn nhau, ngay cả đối tượng để lưu truyền các giá trị tri thức, văn hóa đó cũng đặt ra không ít khó khăn. Là người có nhiều nỗ lực bảo tồn văn hóa dân tộc Pa Kô, nghệ nhân Kray Sức (Tà Rụt, Đa Krông, Quảng Trị) băn khoăn: “Người ta ai cũng muốn hướng lên phía trước, mình lại quay lưng về đằng sau. Những việc như lượm nhặt các giá trị đang dần mai một là vấn đề khó. Có yêu và tự hào, nhưng chỉ vậy chưa đủ. Như đánh cồng chiêng, đánh đàn Talư, phải có lớp trẻ để lưu truyền. Nào chuyện học hành, rồi chuyện làm ăn… thành ra không ai có thể gắn bó, thì lấy đâu người để gìn giữ?”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trân quý tri thức bản địa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO