Dùng ngòi bút để tuyên truyền, đấu tranh
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, Trần Hữu Thung là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là người ham mê văn nghệ, có kiến thức uyên thâm, thông thạo cả chữ Hán và tiếng Pháp. Trần Hữu Thung sớm thành công trong việc dùng ngòi bút sáng tác trở thành vũ khí tuyên truyền, vũ khí đấu tranh... Sự kiện ra mắt sách khẳng định một lần nữa giá trị trong những sáng tác của ông và thế hệ của ông, đó là các “giá trị vĩnh hằng không thể thay đổi”.
Trần Hữu Thung sinh ra tại làng Trung Phường, xã Diễn Minh (nay là xã Minh Châu), Diễn Châu, Nghệ An. Ông tham gia cách mạng năm 1945, khi mới 22 tuổi, Trần Hữu Thung trở thành Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính, Trưởng Ban Quân sự xã Diễn Minh... Trần Hữu Thung từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Hội trưởng Hội Văn nghệ Nghệ - Tĩnh. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đợt I, năm 2001.
“Các bài thơ, tiểu luận, bút ký… của Trần Hữu Thung đã cho chúng ta thấy ở đó những giá trị thời đại. Có thể nói, con người ông và những sáng tác của ông là một sự song hành đẹp đẽ. Tôi thường nghĩ rằng, chỉ khi sống được như vậy mới viết được như vậy. Ông để lại 2 tác phẩm lớn là các tác phẩm văn, thơ của ông và một tác phẩm là chính cuộc đời ông”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Cũng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, là một nhân vật đặc biệt trong vùng đất đặc biệt, Trần Hữu Thung đã cho thế hệ các nhà văn ngày nay thấy được giá trị sống mà ông để lại trong một thời đại có quá nhiều biến động. “Trong tâm khảm tôi, ông là một văn bản sống đầy thuyết phục, gợi mở cảm hứng và sáng tạo cho các nhà văn thời đại hôm nay”.
Trần Hữu Thung có phong cách một nhà thơ dân gian. Đối với ông thơ vừa là nơi thăng hoa cảm xúc vừa là phương tiện để ông tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước và phản ánh đời sống nhân dân. Những tác phẩm thơ chính của ông là: Cò trắng phát thanh (1948), Đông tháng Tám (1955), Dặn con (1955), Ngày thu ấy (1957), Chị Minh Khai (1961), Gió Nam (1962), Đất quê mình (1971), Tiếng chim đồng (1975), Anh vẫn hành quân (1983), Sen quê Bác (1987)…
Sau này ông có các tác phẩm về văn hóa dân gian: Vè Nghệ Tĩnh (1964); Ca dao về Bác Hồ (sưu tầm, 1970); Hát ru (1987); Chuyện trạng xứ Nghệ (1987); Kho tàng truyện cổ dân gian xứ Nghệ (soạn chung, 1993)… Trong đó bài thơ Thăm lúa sáng tác năm 1950 là bài thơ tiêu biểu của ông phản ánh đời sống nhân dân.
Thơ ca của Trần Hữu Thung được các nhà văn nhận xét rất hồn nhiên, trong trẻo, thấm đậm tình người, tình quê của một vùng đất giàu có về văn học dân gian. Gia tài văn học ông để lại gồm thơ, bút ký, tiểu luận... với tầng lớp giá trị lịch sử, văn hóa tiềm ẩn trong đó...
Cuốn sách “Trăm năm Trần Hữu Thung” được NXB Nghệ An biên soạn gồm 2 phần. Phần I là các tác phẩm của Trần Hữu Thung được tuyển chọn dựa trên hai cuốn “Tuyển tập” do NXB Nghệ An ấn hành năm 1997 và NXB Văn học ấn hành năm 1998. Phần II, sưu tầm, tuyển chọn một số bài viết, bài thơ của các văn nghệ sĩ, nhà báo đã được đăng tải trên sách, báo về Trần Hữu Thung.
Lấp khoảng trống về văn học xứ Nghệ
Tham dự sự kiện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông, GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú kể lại, từ những năm 1960, “khi tôi viết những bài ký đầu tiên trong đó có “Bút ký sông Đà”, anh Thung đọc và bảo tôi phải nâng chất khoa học lên, phải có vốn sống, phải trải nghiệm để viết. Anh là người dẫn dắt tôi biết vẻ đẹp trong lối sống của anh, trong cách anh thâm nhập sáng tác. Anh đã đi trọn cuộc đời với bản chất của một nhà thơ chân chính, nhà thơ của ruộng đồng, của xứ Nghệ với gió Nam ào ạt”.
Nhận mình là con cháu của Trần Hữu Thung, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho biết, Trần Hữu Thung là người quy tụ nhân cách của anh em văn nghệ sĩ xứ Nghệ, trong sáng, có trách nhiệm công dân bằng những hành động cụ thể. Qua các tác phẩm của ông viết về con người và vùng văn hóa Nghệ An, Hà Tĩnh thấy được một giai đoạn lịch sử; hiểu được tư thế, tâm thế của con người cách mạnh khi đó.
Nhà thơ Hữu Thỉnh đồng quan điểm, các sáng tác của Trần Hữu Thung đã cho người đọc hôm nay thâm nhập cuộc kháng chiến vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, hậu phương thứ 2 của cả nước thời 9 năm kháng chiến chống Pháp. Có thể nói, Trần Hữu Thung đã lấp một khoảng trống trong văn học kháng chiến, giúp chúng ta hiểu hơn một thời kỳ con người vùng đất này đã sống, cống hiến, hy sinh xương máu cho nước nhà.
“Trần Hữu Thung là người tìm ra con đường riêng, từ kết tinh của văn học dân gian, không khí thời đại, để lại cho đời sau một di sản quý báu. Những đóng góp này xứng đáng để Trần Hữu Thung trở thành một tiêu biểu của văn học Việt Nam”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.