Trầm hương (Phần cuối)
Truyện ngắn của Nguyễn Trí

06/06/2012 08:08

>> Trầm hương (Phần 1)

OK, hạ cây nầy… Khoan để tao khấn đã. Phát sạch gốc ra. Phi Long rót rượu mày… Cầu xin đất trời thổ thần nhơn trạch, núi rừng sông suối… Rồi, hạ đi… Rìu phập vô thân, dăm cây rào rào như bướm bay. Ầm.

 Trưởng bầu Ngọc nói trong tiếng thở dài:

- Cây nầy chừng hai năm nữa là bọn mình giàu.

 Thôi thì, có còn hơn không. Nạo ra, xỉa ra, Thanh ra thanh. Hoàng ra hoàng… Được tí nào hay tí đó. Thằng Phi Long, mày lấy dó kiến đi. Về mà lo cho bầy con mày. Mỗi lần chửi là thằng Quý - anh vợ mày - nó chửi lây cả tụi tao. Yên tâm đi khả khả khả… Một ngày nào đó nó sẽ bảo: “Phi Long ơi giúp tao với…”

Minh họa của Thúy Hằng
Minh họa của Thúy Hằng

Tọt xuống một làng ven chân núi: “Mấy chú lấy giúp tôi hai cột cái, tám cột con, mười sáu kèo… Trời. Thêm đi ông anh ơi, giá đó bèo quá làm sao sống… Vậy là hết giá, được thì lấy, không thì thôi. Đành vậy, kỳ kèo chi cho hao hơi tổn sức, vấn đề của chúng ta là trầm kỳ đâu phải ba cái linh tinh…
 Lại tạt xuống:

- Ê, chỗ nầy tào kê nào đóng chốt?

- Thằng A Coóng quận 5.

- Ê A Coóng. Ông còn giang hồ gấp chục lần bọn tôi à. Mới gặp ông ở đèo Ngang, giờ là đèo Cả. Chừng nào ông đi Mang Yang?

- Hề hề. Lâu góa mới gặp lị à. Mấy lị ở chân trời nào, ngộ ở góc pể đó liền. Chuyến nầy có gì không lớ?

- Ông coi mớ nầy, định giá cho bọn tôi sắm chuyến khác coi.

- Dzồi… toàn bộ chỗ lày một chỉ dzàng. Hết giá nghe.

- Bèo vậy cha nội?

- Ngộ thu hàng không bao giờ pèo, lơn giản là mấy lị quá rành giá cả…

- Một chỉ không đủ sắm chuyến khác rồi cha nội ơi.

- Thiếu cái gì ngộ ủng hộ thêm… Yên tâm đi. Làm cái nghề như mấy lị, sẽ có một ngày thần rừng mở cửa thôi.

Một chỉ bõ bèn gì? Ghé vào đây xem bầu nào đang sát phạt:

- A, Đặng, lâu quá mới gặp. Chuyến nầy sao rồi? Mấy thằng em mày đâu?

 Phong trần tên Đặng trả lời:

- Cũng dzậy thôi. Còn mày? Dũng Đen, Phi Long đâu?

- Tụi nó đang nhậu. Cho hỏi thăm Quý ròm và Bốn Hoa em mày.

- Tụi nó đi “vượt đèo”.

- Trúng quả hay sao mà có tiền “vượt đèo”?

- Đâu có. Tối qua ăn được mấy đồng xập xám của bầu Châu Huế, tụi nó đi xả xui. Đợt nầy Châu Huế trúng đậm

- Đậm là bao nhiêu?

- Hai chục cây.

- Bà mẹ nó, không biết bao giờ đến phiên tụi mình.

- Chơi không? Thế tay tao tí coi.

- Ê – Một đệ tử thần đổ bác kêu lên – Ăn rồi tính đánh bài chuồn hả bạn đường?

 Một trọ trẹ Hoa Việt:

- Không sao lâu lớ. Đặng lương sơn bạc lắm lớ.

 Đặng cười cười:

- Yên tâm đi, Đặng nầy không bao giờ bỏ cuộc.

Ngọc xòe bài. Chỉ vàng được gã Việt gốc Hoa quy ra tiền. Dân địu môn nào cũng biết chơi… Mà mỗi lần rời năm non bảy núi, còn biết gì ngoài nhậu nhẹt, gái gú và kỳ bẽo… và cũng xin nhớ cho rằng đường dân địu đi không ướt mưa. Những cây mưa đầu mùa trên đỉnh cao, đã làm biết bao người để lại nắm xương tàn. Đầu mùa mưa, tất cả bầu địu phải rời rừng xanh. Vì thế. Nơi tào kê đóng chốt luôn là những thung lũng đầy ngập ánh trăng vàng. Hàng quốc cấm, nên họ đóng và chuyển, ma không biết quỷ không hay.

Chòi dã chiến sát chân núi, đề lô rải dày đặc, có động là tất cả độn thổ vào rừng. Dân địu, tất cả đều vỗ ngực tự xưng mình là một trong một trăm lẻ tám Lương Sơn Bạc, mặc dù có kẻ chẳng biết Lương Sơn là cái chi chi, có tay còn lầm là Lương Sơn Bá của Chúc Anh Đài. Nhưng tinh thần là chơi tới bến, không bỏ cuộc, không chơi xấu. Kẻ thắng giúp người thua sắm chuyến.

 Gái gú hả? Trên tất cả các đỉnh đèo đều có các em. Đèo Ngang có tắc te, tắc te. Hải Vân, Cù Mông, đèo Cả có mát xa không anh trai ơi… Phong trần cùng người đẹp đi sâu vào những bãi đáp, dưới những gốc cây, một tấm bạt ni lon trải ra. Xa xa, mỗi gốc mỗi cặp, ôm nhau tình như trai gái hẹn hò.

 Ba Thùy, Dũng Đen, Phi Long sau vài chai ba xị, kéo nhau đi “vượt đèo” và an toàn về bãi đáp lúc nửa đêm. Trăng vàng và gió núi dịu dàng thổi. Đẹp, thơ mộng như thơ tình Xuân Diệu. Ghé vào sòng. Chà! Một xấp tiền cao cả gang tay, toàn mệnh giá lớn đang yên vị trước mặt Ngọc, và bài Ngọc đang là mậu binh bốn con chín:

- Tỉu khì hà má - Hoa việt - chửi thề.

 Phi Long – con ma bài – ngồi cạnh trưởng bầu Ngọc, coi chơi. Rồi có rượu, vừa ôm gái xong. Phi Long đi vào giấc ngủ. Tỉnh dậy đồng hồ điểm bốn giờ sáng, bởi Ngọc chửi thề:

- Đù má. Đen thiệt.

 Đống tiền trước mặt Ngọc đã về tụ A Phúc, gã Hoa Việt, em A Coóng. Phi Long hỏi:

- Xuống hả? Đưa tao thế tay cho.

 Ngọc nhường bài cho Phi Long. Tay chuyên nghiệp thoăn thoắt xóc, xào, chẻ. Long hỏi A Phúc:

- Bài của mày hả?

- Ừ. Của ngộ, bài mới đó.

 Phi Long quăng bộ bài

- Đù má, mày chơi điếm.

 Cả bọn ngừng tay ngó A Phúc. Hoa Việt kêu lên:

- Pậy pạ à. Ngộ hên xui thôi.

- Hên xui cái củ c. Mày chơi căng lá hai.

- Cái gì? Căng lá hai là sao? Cả bọn nhao lên.

 - Trả lại tiền đi – Phi Long gằn giọng

 Nghe ồn ào. A Coóng rời võng bước vào:

- Lừng có làm ồn, chơi dzui mà. Chuyện gì vậy?

- Thằng em ông gian lận, nó chơi căng lá hai.

- Ngộ không hiểu?

- Ông mà không hiểu. Phi Long nầy rành bài hơn Út Trà Ôn rành cổ nhạc. Chơi kiểu này anh em ông mất mối làm ăn rồi.

- Mà căng lá hai là sao? Một hảo hớn hỏi.

- Mày cứ lấy lá hai cơ trong bộ bài nầy ra coi đi, nó nhỏ hơn mấy con khác một tí.

 Lá hai cơ trình làng, chuyền tay nhau. Á à nó nhỏ hơn một tí, Nhưng mà sao? Phi Long giải thích:

- Nó để cho mình ăn đến nửa đêm. Sau nửa đêm lợi dụng đối phương mệt mỏi và thắng trận, nó thay bài đã làm sẵn, hiểu không? Bài đánh xuống, lợi dụng mất cảnh giác nó xếp lại theo ý muốn, một tay trong sẽ kinh ngay con hai, vậy là thánh cũng chết. Tao nói đúng không? Bọn tao khổ chết mẹ, mày chơi kiểu này là thấy mẹ mày rồi. Trả lại tiền nếu muốn an toàn rời khỏi đây.

 A Phúc kêu lên:

 - Ngộ xin thề, ngộ không gian lận. Không tin hỏi anh Ngọc đi, bài trong hộp khui ra đàng hoàng.

 - Tao đã từng thu gom bài cả một thị trấn về làm rồi dán lại đem bỏ mối, mua ở quán bất kỳ nào cũng là bài của tao. Bài mày mang theo, không làm mới lạ à. Tao là vua điếm nè. Trả lại tiền cho anh em, nếu không muốn ăn direct vô mặt

Roạt. Tiếng lên đạn.

- Bỏ tay ra đi, đừng đánh nhau, còn có tao đây – A Coóng lên tiếng.

- Ông dám bắn không? Bắn tôi ông cũng tiêu đời. Tiền vàng ông cả ba lô. Ông mất nhiều, bọn tôi đâu có mất chi – tỉu khì hà má – Trả tiền lại.

 - Ok. Ngộ trả - Phúc kêu lên - Ngộ trả.

 Trời sáng.

 ***

 Đời mà. Không gian manh, không giảo quyệt đâu phải cuộc đời. Thôi lên đường. Nào, sắm cho đủ một tuần lương, mua thêm nải chuối, khô, diêm, mễ, rượu nữa đó. Để tao cúng cái đã – lạy ông cầu bà quán, lạy thần núi thần rừng, cầu bà bảy ông ba, xin chú hai thím bảy… Rồi. Làm vài ly trước khi ngược ngàn.

- Mẹ, thằng Phúc đểu thiệt. Mà mày nhà nghề thiệt đó Phi Long. Không có mày thằng Phúc lượm sạch.

- Tao từ khi bỏ Pleiku, là bỏ luôn cờ bạc. Cờ gian bạc lận, không trách ai được hết. Mẹ nó, nhớ vợ con quá, đi chuyến nầy mà thất bại nữa, chắc tao ở nhà chặt củi đốt than, nghĩ đi nghĩ lại thấy tội nghiệp vợ con và bà già vợ quá chừng.

- Im cái miệng mày lại – Trưởng bầu nạt – chưa ngược mà nới gỡ.

 Lên đường… đường còn dài, còn vương trên quan tái, xa xa trông… Nào, đèo cao, suối sâu, ghềnh thác cheo leo.

- Trời ơi. Đẹp chưa kìa.

 Bên dưới là một thung lũng bạt ngàn cỏ tranh, không một cây cối nào tại vị.

- Sao lại tranh không vậy kìa?

- Hồi chiến tranh, chỗ nầy bị không quân Mỹ bỏ bom bùn và thuốc khai quang, thành ra tiêu tan hết.

 Lại đi… Đi… Đi... Và tương lai mở ra. Biết mà. Đi đêm dứt khoát phải gặp ma, không ma chết thì ma sống. Hỡi những kẻ từng đi qua gian khó, từng được dạy rằng hạt cơm là hạt ngọc. Cả đời luôn giật gấu vá vai và quần có hai miếng vá. Một hôm kia tình cờ lượm được cái bóp trong đó có nhiều nhiều tiền, hoặc hú họa một tờ vé số vô ngay lô giải nhất. Chao! Sướng. Nó nghẹn ứ đến tận cổ mà chẳng chịu òa ra, vỡ ra. Cơm nuốt xuống không được, nhưng mắt lại ánh màu hạnh phúc. Có ai thấy được màu của hạnh phúc chưa? Nó được nhạc sĩ diễn tả rằng cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…

 Xin giới thiệu kỳ thanh, bóng loáng một màu xanh lục. Hoàng kỳ rực rỡ một màu vàng, hắc kỳ, tất nhiên đen. Nhưng cả ba cộng lại là mầu của 24 cara. Thật kỳ lạ, khi cây dó đóng trầm ngã xuống, ma lực vô hình hút con người vào, họ chăm chú, săm soi, cẩn thận, lao động quên thời gian, không gian. Kẻ nạo, người xỉa. Bên kia đẽo, nghiêm túc quên luôn cơm ăn và nước uống. Phi Long run giọng:

- Theo mày, chừng này cỡ bao nhiêu hả Ngọc?

- Ít lắm cũng bốn mươi cây. Mỗi thằng một chục. Vậy đi há… Con tạ ơn thần rừng. Thôi mày nghỉ tay tí đi, xuống suối lấy miếng nước lên uống, để bọn tao làm cho.

 Phi Long xuống suối. Cả ba tiếp tục. Đi thì khổ lắm, mo thì tay chân rời rã và đời đen như mõm chó, nhưng trúng rồi không hiểu sao tinh thần phấn chấn lên. Điều gì đã tạo nên sự phấn chấn đó? Lại khỏe ra nữa chứ. Rõ cái vật chất quyết định tất cả.

 Lâu lắm, Dũng Đen ngước lên:

- Thằng nầy sao lâu vậy kìa? – và gọi – Phi Long ơi.

 Không có tiếng trả lời. Ngọc và Ba Thùy cũng buông xỉa nhìn về hướng có tiếng róc rách. Ngọc gọi tiếp:

- Phi Long…

 Cùng bật dậy, tay lăm lăm rựa ngọn dò xuống suối. Và cùng đứng phắt lại khi thấy Phi Long đang vắt bên bờ suối. Bên cạnh là một con hổ mang bành đang phùng mang, cái đầu lắc lư nghênh chiến. Dũng Đen dợm chân lao xuống, nhưng Ngọc giữ tay lại:

- Đừng.

 Ngọc ném cái rựa về phía con rắn. Cái đầu vươn cao, rồi lướt đi nhẹ và êm như nhung.

 Cả ba lật cái xác của đồng đội lên. Thằng bốn đứa con gái, vợ đang mang bầu đứa thứ năm đã chết.

 Các võ sĩ nâng kẻ tử nạn lên, đặt bên gốc dó. Sáu cánh tay ôm lấy ba cái đầu. Rỗng không và trời ơi!... Trời ơi!

 ***

 Một cái hố được đào bằng rìu, đất hốt lên bằng tay. Phải thật sự sâu. Ở rừng cao, heo rừng đánh mùi cực tinh. Ngọc dùng rìu bổ đôi một bộng bằng lăng. Phi Long yên vị trong cỗ áo quan đó. Trên đầu dưới chân được đóng lại bằng hai miếng gỗ dó đẽo bằng. Hương trầm nguyên thủy được đốt lên, mùi thơm ngào ngạt tỏa khắp rừng thiêng. Một đám táng buồn và lặng lẽ, có giọt nước mắt nào không? Có chứ, nhưng nó đầy ắp trong tái tim của ba người còn lại. Giờ đây nó lại chứa thêm một câu hỏi: “Ăn làm sao? Nói làm sao với vợ con thằng xui xẻo?”

- Nhớ chỗ nầy – Trưởng bầu ngậm ngùi – Cất cái rìu và con rựa của nó vào gốc đổ vỏ kia. Ba năm nữa lên, đưa nó về trả cho vợ con nó. Lại khấn: Phi Long nè, số mày vậy, đành chịu vậy. Phù hộ cho bọn tao về nhà được bình an, tao sẽ đưa phần của mày cho vợ con mày. Giờ mày ở đây ngủ ngon đi, ba năm nữa bọn tao sẽ đưa mày về, há?

 Vàng, đá quý, trầm hương. Để làm gì nhỉ? Nào, về… Về nghe Phi Long. Ngọc tiếp tục:

- Nghe đây, lủi thủi về thì chẳng sao hết, nhưng có hàng là có sơn tặc. Bọn nó rình dân địu hay lắm. Phải cảnh giác và phải chiến đấu đến cùng, nếu không là ở lại với Phi Long. Tao và Dũng Đen mang hàng, Ba Thùy, mày vác cái ba lô của Phi Long về đưa cho vợ nó làm kỷ niệm. Bỏ cán rìu đi, đóng chốt tay lái cho chặt vào. Bây giờ phải dùng rìu như mũi kích vậy, sẵn sàng sinh tử.

- Rồi, hiểu rồi.

 Vai ba lô tay rựa, tay rìu. Tuôn xuống, đường về tất nhiên khỏe và nhanh hơn đi lên. Vàng trong tay lòng vui như mở hội. Một thằng chết lòng như mùa đông, hòa chung với lo âu và thấp thỏm. Và ma quỷ hiện ra:

- Ê, đứng lại coi – Roạt. Tiếng lên đạn – Bỏ mấy cái ba lô xuống, nếu muốn sống về với gia đình.

 Bốn lục lâm thảo khấu hiện ra. Tóc chấm vai, bịt mặt. Tay lăm lăm mã tấu. Một thằng giương M16 chực nã đạn:

- không có gì đâu mấy đại ca, toàn dó kiến thôi.

- Dó kiến cũng bỏ xuống. Tao đếm đến ba không bỏ xuống là bỏ mạng à.

 Cái chuẩn cần phải có của dân địu là sự bình tĩnh. Cả một đời bươn chải trong gian khó và thất bại, đã làm tâm hồn người chai sạn và khô cứng trước mọi nghịch cảnh. Lại là những võ sĩ đã từng thượng đài, có thắng cũng ăn đòn mềm người, huống chi thua. Ngọc và Dũng Đen đặt ba lô xuống:

- Bỏ ba lô xuống đi Thùy. Mấy anh kiểm tra đi.

 Nhưng… Phải có cái chữ nhưng mới ra chuyện. Ba Thùy vừa trải qua khủng hoảng. Một thằng bạn thân vừa qua đời, một câu hỏi phải trả lời với vợ bạn… Ba Thùy điên lên:

- Đù má… Bỏ cái con…

- Đoàng - Phát đạn vang lên - kèm tiếng thét của Ba Thùy.

 Nhanh như một tia chớp - võ sĩ mà - Ngọc lướt thật nhanh đến thằng M16, lưỡi rìu vung lên chém một nhát ngọt như mía vào cái bụng. Ngọt quá, nhanh quá, và mạnh quá, lưỡi rìu trổ qua sau lưng.

 Dũng Đen cũng nhanh không kém. Mũi rìu cắm thẳng vào mặt một thằng mã tấu. Máu, máu và máu. Dũng Đen chạy đến bên Thùy. Viên đạn trúng vào tay. Dân địu là vua sơ cứu vết thương và trầm hương là chúa cầm máu.

- Quỳ xuống - Ngọc ra lệnh cho hai thằng còn lại.

 Trước mũi súng, tất nhiên quỳ.

- Muốn sống không? Bà mẹ tụi mày, bỏ nghề ăn cướp đi, có biết tụi tao khổ lắm không?

 Tay vung lên, karate chặt vào gáy. Người bất tỉnh, kẻ vong mạng.

***

 Rồi cũng về đến chốn:

- Nghe đây – Trưởng bầu ra lệnh – Dũng Đen, mày đem hai ba lô hàng vào khách sạn X. Tao và thằng Thùy vào bệnh viện.

 Lại tiếp với Ba Thùy:

- Mày thấy sao? Mệt không? Vào bệnh viện nếu không sao thì biến ra. Hy vọng chỉ trúng vô phần mềm. Đừng để công an dính vô vụ nầy, rắc rối lắm.

- Đừng vào viện – Ba Thùy nói – Cứ để tao vào khách sạn với tụi bây, mua cồn, trụ sinh làm sạch cái đã. Tao nghĩ không sao, nếu có sao lên Mang Yang nhờ ông Phi Hổ thầy thằng Dũng Đen. Bây giờ vô bệnh viện là có công an liền, chỉ một câu “ai đã bắn anh?” Là tao không trả lời được rồi.

- Vậy đi – Dũng Đen xen vào – Lỡ có gì thì nhờ sư phụ tao. Nhưng tao nghĩ chắc chỉ bể thịt vai.

 Và may quá. Đúng là trong họa có phước, trong phước có họa. Sau đó thì sao? Thì lâu lâu kéo vai áo xuống kể cho phố thị biết một thời ngang dọc, khoác lác xong lại buồn buồn kể về một con hổ mang bành. Rồi kết luận tiền là tiên là Phật, nó mua được tất cả, ngăn được tất cả các dòng chảy. Cả dòng chảy của nước mắt.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trầm hương (Phần cuối) <br><i>Truyện ngắn của Nguyễn Trí</i>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO