Trái ngọt từ sự kiên định

- Thứ Tư, 20/05/2020, 22:29 - Chia sẻ
Cải cách hành chính được xác định là khâu trọng yếu của Đề án tái cơ cấu tổng thể ngành Ngân hàng nói chung và Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD nói riêng. Sự kiên định này đã giúp toàn hệ thống không chỉ dẫn đầu bộ, ngành về Chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) trong 5 năm liên tiếp; mà còn duy trì ổn định mục tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước trong 10 năm qua ở mức cao và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Cắt giảm hơn 80% thủ tục hành chính

Chia sẻ tại Hội nghị công bố Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) 2019 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 vừa tổ chức  mới đây, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước, ngành Ngân hàng đều đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, trong lĩnh vực cải cách thể chế, NHNN đã cơ bản hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động ngân hàng, xử lý nợ xấu về quản lý thị trường vàng, quản lý hoạt động tín dụng, thanh toán của các TCTD. Toàn Ngành đã hoàn thiện khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.


Việc triển khai tài chính toàn diện dựa trên nền tảng công nghệ số đem lại nhiều lợi thế so với các giải pháp truyền thống.

Đặc biệt, trong năm qua, hơn 80% các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực hoạt động ngân hàng đã được cắt giảm mạnh mẽ từ giai đoạn triển khai Đề án 30, năm 2009 đến nay. Việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục đã đáp ứng tốt yêu cầu giao dịch hành chính thuận tiện, minh bạch, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Các TCTD mặc dù là doanh nghiệp nhưng có tính chất phục vụ của loại hình kinh doanh dịch vụ tiền tệ cũng được cải tiến, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục, ứng dụng công nghệ số và dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong mọi lĩnh vực giao dịch về tiền tệ, tín dụng, thanh toán.

Từ kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu và các chương trình cải cách hành chính, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đạt được những lợi ích to lớn, đã thiết lập mối quan hệ cộng sinh hợp tác chặt chẽ, tạo được niềm tin ngày càng vững chắc hơn giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại, có chất lượng, được chia sẻ lợi ích, được đồng hành lúc thuận lợi và khó khăn. Về phía các ngân hàng cũng có những bước tiến vượt bậc, tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế cả trong nước và quốc tế. Đây cũng là nền tảng và điều kiện giúp cho các TCTD triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để khắc phục hậu quả tác động của dịch Covid 19. Bằng nguồn vốn huy động và nguồn lực tài chính, các TCTD đã hoãn, giãn các khoản nợ vay gốc và lãi đến hạn, tiếp tục cho vay mới duy trì sản xuất, cắt giảm lợi nhuận và chi phí nghiệp vụ để có điều kiện giảm lãi suất, giảm phí để hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp trong vay vốn kể cả nợ cũ và vay mới.

Có thể thấy, những cải cách đồng bộ, liên tục của NHNN cùng với hệ thống các TCTD trong nhiều năm qua, đã kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, hiệu quả; đóng góp quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Theo đánh giá của WB thì môi trường kinh doanh của Việt Nam hàng năm đều có sự cải thiện tích cực, trong đó Chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam năm 2019 đứng thứ 2 trong các nước ASEAN; tăng 7 bậc so với năm 2018; vượt mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là tăng ít nhất 1 bậc trong năm 2019.

Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và những thách thức đến từ nhiều phía thì việc thay đổi tư duy, phong cách, lề lối làm việc là điều cấp thiết. Đó là việc làm thay đổi quan hệ giữa cơ quan hành chính, đơn vị cung ứng dịch vụ với người dân và doanh nghiệp; lấy hai đối tượng này là trung tâm để phục vụ. ‘Và, với ngành Ngân hàng thì đó chính là việc chuyển hoạt động từ hình thức cấp phát sang phục vụ phù hợp với quan hệ của các loại hình kinh doanh dịch vụ trong điều kiện kinh tế thị trường’ - Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định.

Thực tế triển khai Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ; kế hoạch hành động của Ban chỉ đạo của Chính phủ, trong suốt 10 năm qua, công tác CCHC của ngành Ngân hàng luôn thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục từ nhận thức sau đến hành động; từ Thống đốc đến toàn thể cán bộ công chức và người lao động ngành Ngân hàng.

Nhận thức vị thế của một một ngành kinh tế trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, cải cách là xu hướng tất yếu khách quan để ngành Ngân hàng làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình trong việc duy trì, điều hành kinh tế vĩ mô và cung ứng vốn, các dịch vụ tiền tệ, thanh toán cho nền kinh tế cũng như nhanh chóng hội nhập và phát triển ngang tầm các ngân hàng trong khu vực và thế giới. NHNN đã mạnh mẽ quyết đoán các chương trình CCHC trong từng giai đoạn 5 năm, cũng như hàng năm, lựa chọn những mô hình cải cách mới nhất của hoạt động ngân hàng trong nước và trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, hoạch định lộ trình áp dụng rõ đến từng năm và thường xuyên bổ sung các nhiệm vụ cải cách mới với mục tiêu cao hơn.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, toàn Ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai toàn diện 6 lĩnh vực CCHC. Trong đó, trọng tâm vào 3 trụ cột đó là: Cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở hiện đại hóa, đồng bộ hóa hạ tầng cơ sở; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và công chức công vụ nói riêng. Tiếp cận, ứng dụng nhanh công nghệ hiện đại, đi đôi với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đưa các sản phẩm tiện lợi, an toàn nhất cho doanh nghiệp và người dân trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán. Tiếp tục cải cách trong toàn Ngành để tăng cường minh bạch, công khai các hoạt động tài chính, quản lý tài chính công, trong đó có lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán.

Để làm được việc này, ngành Ngân hàng sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, thể chế hóa các quan hệ giao dịch thanh toán để công khai minh bạch mọi hoạt động kinh tế, giảm bớt thủ tục, vụ việc mang tính chất kinh tế ngầm, từ đó giúp ngân hàng cũng như doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nâng cao năng lực canh tranh; giúp quản lý nhà nước được minh bạch, chính xác.

Bình Nhi