Trải nghiệm khác biệt với Airbnb
Những người yêu thích du lịch tự túc hẳn không xa lạ với Airbnb, một ứng dụng trực tuyến giúp kết nối người có nhu cầu thuê cơ sở lưu trú với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, loại hình này đang được phát triển rầm rộ ở các tỉnh, thành phố có nhiều địa điểm du lịch. Tuy nhiên, cùng với ưu điểm nổi bật, mô hình này cũng bộc lộ nhiều thách thức trong vấn đề quản lý, vận hành cũng như bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.
Phổ biến và tăng trưởng
Airbnb ra đời trước sự bùng nổ của xu hướng kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ. Ðây là tên viết tắt của cụm từ Air Bed and Breakfast, một nền tảng ứng dụng giúp đặt và cho thuê phòng được thành lập từ năm 2008 có trụ sở tại California (Mỹ). Việc thanh toán giữa người thuê và người cho thuê được thực hiện bằng thẻ ngân hàng thông qua Airbnb và đơn vị trung gian này sẽ thu một khoản phí nhất định từ hai bên, song vẫn bảo đảm giá thuê thường là thấp hơn so với các khách sạn, resort.
Theo đó, người sở hữu bất động sản có thể tận dụng nguồn nhà ở, phòng ở nhàn rỗi để cho thuê, từ đó gia tăng thu nhập và người có nhu cầu thuê cơ sở lưu trú cũng dễ dàng tìm được địa điểm như ý với giá cả hợp lý. Ðó có thể là một căn phòng trong nhà còn trống, cũng có thể là một căn hộ, biệt thự, lâu đài, thậm chí là một trang trại, ngọn đồi có cảnh trí đặc sắc mà các nhà nghỉ, khách sạn, resort không thể có được. Bên cạnh đó, việc lưu lại tư gia của người dân bản địa cũng mang lại cảm giác khác biệt, giúp du khách có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa địa phương…
Một điểm cộng nữa là giao diện và khả năng tương tác của ứng dụng này khá thân thiện với người sử dụng, cách thức hoạt động cũng khá đơn giản. Sau khi đăng ký, điền hồ sơ thông tin và chờ xác nhận tài khoản, người dùng đã có thể dễ dàng lên kế hoạch cho những điểm lưu trú trong hành trình du lịch. Dựa vào các tiêu chí về địa điểm, thời gian, giá cả và loại phòng mà người thuê đưa ra, Airbnb sẽ cung cấp một loạt các lựa chọn lưu trú đáp ứng nhu cầu. Trước khi quyết định thuê hay không, người thuê cũng có thể xem thông tin cá nhân của chủ nhà, chủ động liên lạc, trao đổi để được giải đáp những thắc mắc… Người cho thuê có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận cho thuê đối với từng đối tượng khách hàng. Ðây chính là những thế mạnh khiến Airbnb ngày càng trở thành lựa chọn phổ biến và tăng trưởng với tốc độ chóng mặt.
![]() Khách du lịch người nước ngoài lưu trú tại một gia đình ở Hạ Long, Quảng Ninh |
Nguồn: nhandan.com.vn |
Airbnb trên “miền đất hứa”
Theo thống kê của Airbnb, năm 2012, tức sau 5 năm thành lập, số lượng người sử dụng ứng dụng này là khoảng 10 triệu lượt, nhưng đến năm 2018 con số này đã là 60 triệu lượt. Thời điểm hiện tại, Airbnb đã có mặt tại hơn 34.000 tỉnh, thành phố của hơn 190 nước và vùng lãnh thổ. Là quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch cao hàng đầu thế giới, Việt Nam nhanh chóng trở thành “miền đất hứa” của mô hình dịch vụ này.
Báo cáo Homesharing Vietnam Insight 2019 của Outbox Consulting chỉ ra, trong chưa đầy 4 năm kể từ khi manh nha xuất hiện tại Việt Nam, số lượng căn hộ/phòng đăng ký cho thuê trên hệ thống Airbnb của Việt Nam đã tăng gấp hơn 40 lần, từ 1.000 trong năm 2015 lên tới hơn 40.000 đầu năm 2019. Cộng đồng phát triển mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng này tập trung phần lớn ở miền Nam với 42,3%, miền Bắc là 27,2% và miền Trung là 26,2%, cụ thể ở các tỉnh, thành phố thu hút đông khách du lịch như: TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Hà Nội, Nha Trang (Khánh Hòa), Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh)…
Báo cáo cũng thống kê nước ta đang có hơn 18.000 chủ nhà trên Airbnb và 70% trong số đó đang cho thuê nhiều hơn một cơ sở lưu trú. Doanh thu trung bình hằng tháng của chủ nhà ở TP Hồ Chí Minh là hơn 11 triệu đồng mùa cao điểm, hơn 8 triệu đồng mùa thấp điểm, tương tự với Hà Nội là gần 7 triệu đồng và hơn 5 triệu đồng. Kết quả nói trên cho thấy, khả năng cung ứng phòng ở của Airbnb không kém bất kỳ hệ thống khách sạn nào trong cả nước, dù trên thực tế đơn vị này chưa mất một đồng vốn để đầu tư và phát triển hệ thống bất động sản Việt Nam. Không chỉ cung cấp dịch vụ thuê nhà, Airbnb còn cho phép các chủ nhà đăng tải quảng cáo nhiều “dịch vụ trải nghiệm” như một tour du lịch đích thực.
Rõ ràng Airbnb không còn đơn thuần là kênh gia tăng thu nhập cho chủ nhà có phòng nhàn rỗi mà đã trở thành sản phẩm kinh doanh du lịch bằng hình thức đầu tư bất động sản đối với nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, góp phần đa dạng hóa bức tranh lưu trú tại thị trường Việt Nam. Có thế mạnh trong phân khúc lưu trú bình dân đến tầm trung, Airbnb tạo điều kiện để nhiều người có thể đi du lịch với chi phí hợp lý. Trên thực tế, xuất hiện không ít nhà đầu tư tự bỏ vốn thuê lại các căn hộ, phòng trống, trang bị cơ sở vật chất để kinh doanh bằng mô hình Airbnb. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, với một đất nước còn nhiều tiềm năng về bất động sản và du lịch như Việt Nam, Airbnb đang trở thành đối thủ đáng gờm đối với hoạt động kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn truyền thống.