Tại sự kiện, bên cạnh công bố Sách trắng ngành công nghệ giáo dục Việt Nam, nhiều thầy cô giáo và các em học sinh được trải nghiệm các thiết bị, công nghệ phục vụ giáo dục. Bên cạnh đó, người xem cũng có thể trao đổi, thảo luận, lắng nghe các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số...
Phát biểu tại Triển lãm, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Tô Hồng Nam nhận định, công nghệ đóng vai trò cầu nối, giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đem lại những phương pháp giảng dạy, học tập hiệu quả và sáng tạo. Hiện, thành phần áp dụng EdTech nhiều nhất chính là giáo dục mầm non. Tiềm năng của EdTech rất lớn, công nghệ có thể giúp các trường học quản lý thông qua cơ sở dữ liệu, dịch vụ công trực tiếp; quản trị nguồn nhân lực, giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, tài chính; đặc biệt là dạy học trực tuyến…
Triển lãm lần này là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà trường trao đổi, trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm. Từ đó đưa ra những phản hồi nhằm phát triển sản phẩm công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh, phụ huynh, giáo viên trên khắp cả nước.
Tại Triển lãm, Giám đốc Vận hành EdTech Agency Ngô Ngọc Yến chia sẻ, đây là năm thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2020 EdTech Agency phối hợp với các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu đưa ra số liệu thống kê trên thị trường EdTech. Sự kiện là nơi mọi người có thể cập nhật những công nghệ tiên tiến, tạo không gian để các bên giao lưu, mở rộng mạng lưới và tạo cơ hội hợp tác trong tương lai giữa nhà trường với doanh nghiệp.
Dịp này, Ban Tổ chức cũng công bố Sách trắng và Bảng đánh giá xếp hạng các sản phẩm EdTech 2024. Tiếp nối và kế thừa năm 2023, Sách trắng Edtech Việt Nam 2024 sẽ cập nhật các thông tin, số liệu về thị trường cùng với những dự đoán các xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Đây cũng là nguồn tham khảo đáng tin cậy, hỗ trợ các đơn vị đào tạo và nhà trường trong việc tìm kiếm sản phẩm tối ưu, cũng như giúp các doanh nghiệp nắm bắt xu hướng sử dụng sản phẩm của người dùng.