Đại biểu người dân tộc thiểu số trong Quốc hội

Trách nhiệm với lá phiếu của cử tri

- Thứ Hai, 12/07/2021, 06:52 - Chia sẻ
Tích cực nghiên cứu, luôn sẵn sàng học hỏi và sẽ cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhất trách nhiệm người đại diện cho cử tri vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và Nhân dân cả nước tại Quốc hội - đó là chia sẻ của nhiều đại biểu người dân tộc thiểu số trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV. Vượt qua những khó khăn về địa hình cách trở, các đại biểu cho biết, sẽ làm tròn trách nhiệm với lá phiếu của cử tri, phản ánh trung thực, khách quan ý kiến, kiến nghị của cử tri đến diễn đàn Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những chính sách đặc thù đầu tư, tạo điều kiện cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với vùng đồng bằng.

Lần đầu tiên, 2 dân tộc rất ít người có đại diện tham gia Quốc hội

Tại Phiên họp thẩm tra Báo cáo tình hình thực hiện chính sách kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức vừa qua, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc cho biết, những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hệ thống chính trị.  

Theo đó, hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số ngày càng được kiện toàn, chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở ngày một nâng lên. Năm 2016, cả nước có 68.781 biên chế là người dân tộc thiểu số, chiếm 11,68% tổng số biên chế cả nước. Quốc hội Khóa XIV có 86 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 17,4% tổng số đại biểu Quốc hội, cao hơn 8 người (gần 2%) so với Quốc hội Khóa XIII. Tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI là 8,75%; Khóa XII: 8,5%. 11/53 dân tộc thiểu số có Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII, 38/53 dân tộc thiểu số có đại biểu Quốc hội Khóa XIV. Từ Khóa I đến Khóa XIV, đã có 49/53 dân tộc thiểu số có đại biểu Quốc hội từ Khóa I đến Khóa XIV.

Mới đây, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã có 89 đại biểu trúng cử là người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc: Tày, Thái, Mông, Mường, Khmer, Chăm, Ê Đê, Khơ mú, Nùng, Giáy, Sán Dìu, Xơ đăng, Brâu, Sán Chay (Cao Lan), Lự, La Chí, Vân Kiều, Lào, Hoa, Cơ Ho… Đặc biệt, lần đầu tiên Quốc hội có đại diện của 2 dân tộc thiểu số rất ít người trúng cử đại biểu Quốc hội thuộc dân tộc Lự và dân tộc Brâu.

Thống kê của Ủy ban Dân tộc cũng cho thấy, trong nhiệm kỳ Khóa XV, các địa phương có tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số trúng cử cao gồm Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Kạn, Sóc Trăng, Đắk Lắk. Về giới tính: Nam có 45 người, chiếm 50,56%; nữ có 44 người, chiếm 49,43%. Về độ tuổi: Đại biểu trẻ tuổi nhất 24 tuổi, sinh năm 1997 là Quàng Thị Nguyệt, dân tộc Khơ mú; đại biểu cao tuổi nhất 61 tuổi, sinh năm 1960 là Trương Xuân Cừ, dân tộc Tày.

Là một trong số những đại biểu dân tộc thiểu số trúng cử lần đầu, Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Đoàn Thị Lê An (dân tộc Tày) bày tỏ thực sự may mắn và vinh dự khi được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội Khóa XV, đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề trước cử tri và Nhân dân. Là đại biểu sinh ra và lớn lên ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân và điều kiện phát triển của địa phương còn nhiều khó khăn, bà Đoàn Thị Lê An tin rằng, đây chính là thuận lợi để thấu hiểu sâu sắc hơn những tâm tư, nguyện vọng của người dân, qua đó, khi tham gia các diễn đàn của Quốc hội sẽ nói lên được tiếng nói của đồng bào, đề xuất với Quốc hội những chính sách thiết thực đối với vùng này, góp phần nâng cao đời sống người dân, giải quyết bớt những khó khăn của đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Đóng góp thiết thực để rút ngắn khoảng cách phát triển

Bên cạnh những thuận lợi, đại biểu là người dân tộc thiểu số sẽ phải vượt qua không ít rào cản, khó khăn để bắt nhịp với hoạt động của Quốc hội. Mỗi đại biểu vừa phải có trình độ, hiểu biết sâu, rộng các lĩnh vực vừa phải có kỹ năng nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích để tham gia có chất lượng vào các hoạt động của Quốc hội. "Là đại biểu mới tham gia Quốc hội lần đầu, với trình độ hiểu biết và kỹ năng còn hạn hẹp, chắc chắn tôi sẽ phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều trong 5 năm tới", bà Đoàn Thị Lê An chia sẻ. 

Các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số thường là vùng có hệ thống giao thông đi lại, điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn nên trong quá trình hoạt động, đại biểu Quốc hội ở các địa phương này cũng sẽ có những khó khăn rất đặc thù như: Phải thích ứng và tiếp cận được với ngôn ngữ, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Với đại biểu dân tộc thiểu số khi tiếp xúc với cử tri cùng dân tộc là lợi thế, nhưng với những dân tộc thiểu số khác phải tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống của đồng bào, mời thêm người phiên dịch tiếng của đồng bào. Nhưng quan trọng nhất, bằng kinh nghiệm hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Vương Ngọc Hà (Hà Giang) chia sẻ, phải đến với đồng bào bằng sự chân thành, trách nhiệm.

Trong quá trình chuẩn bị hành trang cho nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, bà Đoàn Thị Lê An cho biết, đang tích cực tham gia nghiên cứu, nắm chắc tình hình kinh tế, xã hội, đời sống của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, làm cơ sở cho việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Bà cũng tập trung quan tâm đến những nội dung có liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân hiện nay như: vấn đề xây dựng nông thôn mới; đầu tư hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa; hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đầu tư các công trình dân sinh, công cộng,  giáo dục, y tế; việc thực hiện chính sách đất đai và giải phóng mặt bằng; việc thực hiện chính sách xã hội, chính sách với người có công, với cán bộ cơ sở; chính sách đối với cán bộ nữ, vấn đề bình đẳng giới; vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông và các vấn đề quan trọng khác.

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chính phủ cũng đang xem xét trình Quốc hội Khóa XV việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Dành sự quan tâm đặc biệt đối với 3 chương trình này, bà Đoàn Thị Lê An khẳng định, đang nghiên cứu để tích cực đóng góp ý kiến khi 2 chương trình về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội được trình Quốc hội xem xét, quyết định; tham gia giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, góp phần bảo đảm các chương trình được triển khai có hiệu quả; đồng thời, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những chính sách đặc thù đầu tư, tạo điều kiện cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với vùng đồng bằng.

Anh Thảo