Trách nhiệm và quyền lợi
Cháy gây thiệt hại lớn về người và của, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhấn mạnh điều này tại các cuộc làm việc với một số doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018, các thành viên Đoàn giám sát của QH cũng lưu ý các doanh nghiệp phải coi phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm và quyền lợi của chính mình, hướng đến bảo đảm bình yên, an toàn cho cư dân và cho doanh nghiệp.
“Tôi thấy rất nguy cơ…”
Đó là lo ngại của Phó Chủ tịch QH, Trưởng đoàn giám sát của QH, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ khi làm việc với Công ty TNHH Minh Phương tại xã La Phù, huyện Hoài Đức khi nhận thấy sự lúng túng trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của công ty này qua khảo sát thực tế tại hiện trường. Hiệu quả PCCC chưa đạt như mong muốn. Ngay tại xưởng sản xuất, công ty này chưa đặt chuông báo cháy ở tầng 1. Khi xảy ra cháy nổ, phải chạy lên tầng 2 nhấn chuông báo cháy là rất khó. Công ty cũng thiếu các hướng dẫn, chỉ dẫn sử dụng thiết bị PCCC, chỉ dẫn thoát nạn cho công nhân, người lao động. Giả sử khi có cháy, phải 25 - 30 phút sau mới huy động được lực lượng PCCC chuyên nghiệp đến trợ giúp thì việc kiềm chế hỏa hoạn là rất khó, thậm chí cháy đã có thể lan rộng, gây thiệt hại.
![]() Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khảo sát công tác phòng cháy, chữa cháy tại Công ty TNHH Minh Phương, xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội |
Ảnh: Hoàng Ngọc |
Mặc dù theo báo cáo với Đoàn giám sát tại cuộc làm việc, công ty đang có phương án xây sửa lại cơ sở và có thiết kế bảo đảm công tác PCCC phù hợp hơn với tình hình hiện nay, nhưng “cháy không đợi ai cả”, các thành viên Đoàn giám sát cảnh báo và yêu cầu lãnh đạo Công ty TNHH Minh Phương phải sớm cải thiện ngay công tác PCCC tại doanh nghiệp. Ví dụ, nếu như chưa đầu tư được chuông báo cháy tại xưởng sản xuất ở tầng 1, có thể thay bằng kẻng báo cháy cũng là hình thức rất phù hợp, linh hoạt ở cơ sở sản xuất này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ gợi mở.
Qua giám sát, các thành viên Đoàn giám sát cũng nhận thấy, hầu như không có kiến nghị về chính sách, pháp luật PCCC. Một số vướng mắc trong công tác PCCC hiện nay đều xuất phát từ thực tiễn cơ sở. Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho rằng, dù đã rất cố gắng nhưng cái khó trong công tác PCCC ở huyện là do tồn tại của lịch sử, những bất cập nằm trong điều kiện, hạ tầng, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tự phát, không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC. Vì thế, địa phương, doanh nghiệp chưa thể khắc phục được ngay những tồn tại này mà cần có lộ trình thời gian và những giải pháp tổng thể về quy hoạch. Chia sẻ với những vướng mắc này, Đoàn giám sát của QH nhấn mạnh, PCCC không hiệu quả nếu chỉ đối phó. Phải xem đây là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó các doanh nghiệp phải đặc biệt lưu tâm vì khi doanh nghiệp xảy ra cháy thì chủ doanh nghiệp chính là người chịu thiệt hại lớn nhất. Nếu tiềm lực có hạn, thì công tác PCCC cũng cần có những giải pháp phù hợp với khả năng của địa phương và từng doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình.
Còn người là còn của
Tại Tập đoàn Mường Thanh, chỉ tính riêng tổ hợp chung cư HH Linh Đàm đã có tới hơn 30.000 cư dân, như so sánh của các thành viên Đoàn giám sát “đã gần bằng dân số của cả huyện Hoài Đức”. Bước tiến trong công tác PCCC là nhận thức của lãnh đạo tập đoàn và người dân đã ngày càng được nâng cao, có tập huấn, trang bị kiến thức PCCC; xây dựng mô hình điểm cư dân tự quản trong công tác PCCC nhà chung cư để nhân rộng gắn với chất lượng dịch vụ toàn diện; số vụ cháy, nổ cũng được kiềm chế, không để xảy ra cháy nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản.
Lãnh đạo Tập đoàn Mường Thanh cũng nêu rõ, Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, tòa nhà CT2, CT4 của Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông được xây dựng trước thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực, ở thời điểm giao thoa giữa luật cũ và luật mới, với nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC phải bổ sung nên đòi hỏi công ty phải cải tạo, sửa chữa lại các tòa nhà và gặp vướng trong việc tìm ra giải pháp thi công. Ví dụ như tòa nhà CT2 Khu đô thị Xa La được xây dựng từ năm 2007, đến nay đã hơn 10 năm, để bổ sung các tiêu chuẩn PCCC hiện nay, phải lên kế hoạch xây dựng thang sắt gắn bên ngoài tòa nhà, nhờ đó có thêm hướng thoát nạn cho cư dân khi cháy xảy ra.
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ lưu ý, PCCC trên cao khác với PCCC ở mặt đất nên phương án tổ chức phải hết sức an toàn, khoa học. Mỗi hộ dân của tòa nhà nên được vận động đồng hành với ban quản lý tòa nhà và được trang bị thiết bị PCCC. Hiện nay, đội PCCC của tòa nhà chỉ có 4 - 5 mặt nạ chống khói độc. Nếu huy động được người dân, các hộ gia đình đều có mặt nạ chống khói, độc sẽ giúp bảo đảm tính mạng và an toàn người dân, bởi theo thống kê hầu hết nguyên nhân chết khi xảy ra cháy là do bị ngạt bởi khói độc.
Lo ngại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với mật độ xây dựng dày đặc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng cũng chỉ ra một thực tế, xe PCCC không thể tiếp cận được tòa chung cư từ 4 hướng, giả sử cháy xảy ra vào ban đêm, hệ thống điện bị mất thì người già, người tàn tật, trẻ nhỏ, phụ nữ phải làm thế nào? Tình huống này, theo đại biểu, lãnh đạo Tập đoàn và Ban Quản lý tòa nhà phải tính đến.
Nhấn mạnh “còn người là còn của”, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cũng nêu rõ, Đoàn giám sát của QH không đi “bới lông tìm vết”, mà đi để xem các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ sở sản xuất kinh doanh đã thực hiện PCCC theo đúng quy trình, đúng cách hay chưa. Không hợp lý thì nghiêm túc điều chỉnh, bảo đảm công tác an toàn tuyệt đối trong phòng chống cháy nổ. Uy tín của doanh nghiệp cũng nằm ở công tác PCCC vì thế, PCCC phải được coi là trách nhiệm và quyền lợi của chính doanh nghiệp.